"Soi" khoản nợ của "shark" Trần Anh Vương trong "Thương vụ bạc tỷ"

Google News

(Kiến Thức) - Là một trong bốn nhà đầu tư chính tham gia đầu tư cho các startup trong "Thương vụ bạc tỷ" song "shark” Trần Anh Vương đang gánh khoản nợ lớn.

Trước khi "Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank Việt Nam" chính thức phát sóng, HĐQT Công ty cổ phần Sam Holdings (tên cũ là CTCP Cáp và Vật liệu Viễn thông - SACOM - mã chứng khoán: SAM) đã thông qua giá trị đầu tư tối đa vào toàn bộ Chương trình là 10 tỷ đồng, ủy quyền cho CEO Trần Anh Vương - Tổng giám đốc Công ty cổ phần SAM Holdings thực hiện các thủ tục. Với quyết định này, ông Vương chính thức bước chân vào địa hạt mới - lĩnh vực đầu tư mạo hiểm.
Ông Trần Anh Vương - Tổng Giám đốc của Công ty Cổ phần SAM Holdings Ảnh: VTV3.
Ông Trần Anh Vương tốt nghiệp Cử nhân và Cao học chuyên ngành Quản trị Kinh doanh tại Đại học Kinh tế Quốc dân – Hà Nội. Ông đã tham gia thương trường từ những năm 1996 trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau như xuất nhập khẩu, sản xuất, đầu tư tài chính.
Hiện ông Vương là Phó Chủ tịch hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội. Ảnh: Baodautu.vn

Mời quý độc giả xem video “Tham luận của Ông Trần Anh Vương, TGĐ SAM Holdings tại Hội nghị Hợp tác đầu tư và phát triển 2017”. Nguồn: H1HD.

Ngoài việc trực tiếp điều hành và là Tổng Giám đốc của Công ty Cổ phần SAM Holdings từ tháng 4/2016, ông Vương còn được biết đến với nhiều vai trò như: Chủ tịch HĐQT CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp I Việt Nam (TH1) và CTCP Đầu tư BVG (BVG); Thành viên HĐQT tại CTCP Nhựa Đồng Nai (DNP), CTCP Vật liệu Điện và Viễn thông Sam Cường (SMT) và Tổng Công ty Dược Việt Nam (DVN).
Trong số này thì CTCP Đầu tư BVG (mã: BVG) và CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp I Việt Nam (mã: TH1) mà ông “Shark” Vương đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT đang chìm trong thua lỗ.
Công ty của "Shark" Vương "dính" khoản nợ 74 tỷ
Cụ thể, theo VNF, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp 1 Việt Nam từng là một trong những doanh nghiệp lớn về xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, kể từ khi bước chân vào đầu tư tài chính, kết quả kinh doanh của TH1 xuống dốc nhanh chóng, bắt đầu từ năm 2012. Nguyên nhân chính do biến động tỷ giá dẫn đến lỗ, thị trường chứng khoán tiếp tục sụt giảm nên phải trích lập dự phòng đầu tư chứng khoán.
Năm 2015, TH1 báo lỗ hơn 134 tỷ; năm 2016, TH1 lỗ thêm gần 134 tỷ. 9 tháng đầu năm 2017, TH1 lỗ thêm hơn 5 tỷ, kéo lỗ lũy kế tính đến 30/9/2017 lên 139,5 tỷ đồng (cao hơn 4 tỷ so với vốn điều lệ của công ty). Nếu kết quả kinh doanh năm 2017 không cải thiện, TH1 sẽ bị hủy niêm yết do thua lỗ 3 năm liên tiếp.
Nếu kết quả kinh doanh năm 2017 tiếp tục thua lỗ, TH1 sẽ bị hủy niêm yết. Ảnh:  VNF.
Hiện tình hình tài chính của HT1 không khả quan. Tính đến ngày 30/9/2017, tài sản ngắn hạn của TH1 là 771,5 tỷ, nợ phải trả đến hết quý III/2017 là 907 tỷ, đa phần là nợ ngắn hạn (848 tỷ đồng). Như vậy nợ ngắn hạn đã cao hơn tài sản ngắn hạn (848/771 tỷ đồng).
Đáng chú ý, tất cả các khoản nợ vay ngân hàng của TH1 đều đã quá hạn thanh toán. 
Cổ phiếu TH1 của công ty cũng đang nằm trong tình trạng bị kiểm soát từ 20/4/2017 do lợi nhuận sau thuế năm 2015 và 2016 âm.
Diễn biến giá cổ phiếu trong 6 tháng gần nhất (Nguồn: VnDirect). Ảnh: Kinh tế & Tiêu dùng.
BVG  cũng lỗ "khủng"
Tình trạng tương tự diễn ra tại BVG, nơi “Shark” Vương là Chủ tịch. Theo thông tin trên Zing, BVG tiền thân là Công ty Thép Bắc Việt. BVG thậm chí đã thua lỗ từ năm 2012 đến nay, với số lỗ lũy kế hàng chục tỷ đồng.
BCTC mới nhất của BVG cho thấy, năm 2016, BVG vẫn lỗ ròng hơn 4 tỷ, nâng lỗ lũy kế lên hơn 56 tỷ đồng.
 Ảnh: Zing.
Việc liên tiếp thua lỗ đã khiến vốn đầu tư của chủ sở hữu hơn 97,5 tỷ đồng liên tục bị bào mòn, đến cuối năm 2016 chỉ còn lại 65 tỷ.
Hiện tại, nợ phải trả của BVG đã gấp 2 lần vốn chủ sở hữu và hệ số thanh toán ngắn hạn cũng đã xuống dưới mức hệ số 1.
CTCP SAM Holdings báo lỗ ròng trong quý III
Ngoài ra, CTCP SAM Holdings nơi tên tuổi “Shark” Vương được biết tới nhiều nhất cũng vừa báo lỗ ròng trong quý III.
Cụ thể, ông Vương được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc của SAM từ tháng 5/2016. Ngay trong quý III năm đó, SAM lỗ ròng 27 tỷ. Nhờ kết quả kinh doanh tốt trong các quý khác mà năm 2016 SAM thoát lỗ và báo lãi ròng 24 tỷ.
 CTCP SAM Holdings nơi “Shark” Vương làm Tổng giám đốc báo lỗ ròng.  Ảnh: FB Shark Tank VN
Trong quý III vừa qua, SAM ghi nhận 577 tỷ doanh thu thuần, tăng 81% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, công ty lại báo lỗ ròng 3,6 tỷ, nguyên nhân do trong kỳ SAM đã phải chi quá nhiều tiền cho chi phí tài chính. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng đầu năm SAM vẫn báo lãi dương 49 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ năm 2015 do kết quả kinh doanh tốt của 2 quý đầu năm.
Tính đến hết ngày 30/9, SAM Holdings đang có tổng cộng 1.254 tỷ đồng tiền vay và nợ thuê tài chính, tương đương 31% tổng tài sản.
Hồng Liên (Tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)