Liên quan đến vấn đề Hòa Bình Green City (505 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng - Hà Nội) vừa bị Hà Nội đề nghị xử lý nghiêm những vi phạm, dư luận đang rất quan tâm đến "số phận" hai khu tâm linh trên nóc tòa nhà này sẽ thế nào, khi đã "dính" sai phạm xây dựng không phép?
Kiến Thức đã có cuộc trao đổi nhanh với luật sư Quản Văn Hào - Công ty Luật TNHH An Nam để đưa ra dự đoán về việc xử lý khu tâm linh này, cũng như trách nhiệm của chủ đầu tư Hòa Bình Green City.
Theo luật sư Quản Văn Hào, về phần khu tâm linh trên nóc Hòa Bình Green City, căn cứ tại Điểm d, Khoản 3, Điều 5 nghị định 121/2013/NĐ-CP thì công trình có thể bị áp dụng biện pháp buộc phá dỡ công trình xây dựng, bộ phận công trình xây dựng vi phạm theo quy định tại Nghị định số 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị (sau đây viết tắt là Nghị định số 180/2007/NĐ-CP).
|
Khu tâm linh trên nóc Hòa Bình Green City. |
Trong đó, Điều 13 nghị định 180/2007/NĐ-CP quy định công trình xây dựng sai nội dung Giấy phép xây dựng được cơ quan có thẩm quyền cấp thì bị xử lý như sau:
1. Lập biên bản ngừng thi công xây dựng, yêu cầu tự phá dỡ phần công trình sai nội dung Giấy phép xây dựng.
2. Trường hợp chủ đầu tư không ngừng thi công xây dựng, công trình phải bị đình chỉ thi công xây dựng, buộc chủ đầu tư tự phá dỡ phần công trình sai nội dung Giấy phép xây dựng; đồng thời, áp dụng biện pháp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị định này.
3. Trường hợp chủ đầu tư không tự phá dỡ phần công trình sai nội dung Giấy phép xây dựng được cấp phải bị cưỡng chế phá dỡ. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ. Tùy mức độ vi phạm, chủ đầu tư còn phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra"
Bên cạnh đó, việc chủ đầu tư dự án Hòa Bình GreenCity đã tự ý xây dựng 1 khu tâm linh trên nóc tòa nhà CT1 (đã đưa vào sử dụng từ khoảng tháng 6/2014) và 1 khu tâm linh trên nóc tòa nhà CT2 (đã đưa vào sử dụng khoảng tháng 2/2015), có thể sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000, áp dụng theo đồng điểm c, khoản 5, nghị định 121/2013/NĐ-CP.
Cụ thể, khoản 5, điều 13, Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/ 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở thì:
Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp phép xây dựng mới như sau:
"a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn hoặc xây dựng công trình khác không thuộc các trường hợp quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản này;
b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị;
c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình thuộc trường hợp phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình hoặc lập dự án đầu tư xây dựng công trình".
Để có thông tin đa chiều, trong ngày 9/2, Kiến Thức đã liên hệ với Công ty TNHH Hòa Bình - chủ đầu tư Hòa Bình Green City - để tìm hiểu về hướng xử lý vụ việc nêu trên. Tuy nhiên, đại diện đơn vị này hiện đang đi công tác và hẹn sẽ trả lời sau.
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc...