Chị Hương (ngụ tại đường Lê Trọng Tấn, An Khánh, Hoài Đức Hà Nội), chủ một của hàng trái cây thư pháp online cho biết, mỗi ngày phải thuê 5 sinh viên ngồi vẽ liên tục hơn 1.000 quả bưởi theo đơn của khách. Tùy thuộc độ khó của chi tiết trên mỗi sản phẩm sẽ có mức tiền công "sáng tác" khác nhau.
|
Hoa quả được "thổi hồn", trở nên sống động, thu hút khách hàng. |
“Trung bình mức tiền trả cho sinh viên là 50.000-70.000 đồng/quả. Như vậy, mỗi em có thể kiếm hơn 1 triệu đồng/ngày nếu vẽ được từ 20-30 quả”, chị Hương nói.
Trao đổi với Báo Giao thông, Tuấn Tài, một "nghệ nhân" (sinh viên năm thứ 3 Đại học Mỹ Thuật Công nghiệp) cho biết: Vẽ chữ đơn thuần tiền công 50.000 đồng/quả nhưng nếu sản phẩm có khắc câu đối, vẽ hoa đào, hoa mai thì được trả cao hơn, từ 70.000-100.000 đồng/quả.
“Mỗi thợ sinh viên có thể vẽ được 20-25 quả/ngày; Tính ra, tổng tiền công có được khoảng 1-1,5 triệu/ngày nên nhiều bạn tranh thủ mấy ngày Tết kiếm thêm thu nhập”, Tuấn Tài chia sẻ.
Tương tự, bạn Thúy Vy, quê Lạng Sơn, sinh viên năm thứ 2 trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương nhận định: “Thay vì về nhà ăn Tết sớm, em cùng nhóm bạn rủ nhau viết chữ thư pháp lên hoa quả cho các cửa hàng, thu nhập không dưới tiền triệu vì lượng việc nhiều, khách mua rất đông, làm không xuể”.
|
Một tác phẩm biến hóa lon nước ngọt đơn điệu trở nên sống động cùng sắc xuân được trả công 20.000-30.000 đồng. |
Không những khắc chữ lên hoa quả, mốt viết thư pháp lên các lon nước ngọt cũng đang được ưa thích với mức giá 20.000-30.000 đồng/tác phẩm. Những lon nước ngọt đơn điệu được thổi hồn trở nên sống động cùng sắc xuân.
Trên thị trường nhiều loại cây khác như bưởi, dừa, dưa hấu… được khắc, vẽ gắn với nhiều họa tiết bắt mắt như kim tiền, hoa đào, hoa mai kèm các dòng chữ thư pháp được ưa chuộng như: “An khang thịnh vượng”, “Phúc Lộc Thọ”, “Tài lộc như ý”, “Tấn tài tấn lộc”…
Sau khi hoàn thiện, bưởi thư pháp được bán với mức giá 200-300 nghìn đồng, thậm chí vài triệu đồng/cặp tùy loại. Dừa có giá từ 200-300 nghìn đồng/cặp; Dưa hấu 300-600 nghìn đồng/cặp...