Shark Liên, Shark Tam hành xử chống “bão” sông Đuống, Asanzo thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Trong khi fanpage được cho là của Shark Liên khiến dư luận dậy sóng vì dòng chia sẻ công khai đúng thời điểm dư luận có nhiều ý kiến xung quanh giá nước sông Đuống, thì shark Tam lại viết tâm thư trấn an khách hàng trước ồn ảo Asanzo.

Shark Liên khiến dư luận dậy sóng vì "phát ngôn sốc"
Mới đây, việc Hà Nội mua nước sạch sông Đuống với giá cao gấp đôi nước sạch sông Đà thu hút sự quan tâm của dư luận. Và khi những ồn ào còn chưa lắng xuống thì ngày 15/11, trên trang Facebook có tên Madame Liên được cho là của bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) có chia sẻ dòng trạng thái: "Câu nói nổi tiếng của Thủ tướng Anh thời thế chiến thứ 2 Winston Churchill: "Bạn sẽ không bao giờ đạt đến đích nếu Bạn cứ dừng lại và ném đá vào mỗi con chó trên đường, chỉ vì tiếng sủa của chúng!". Câu nói hay và rất ý nghĩa mình muốn chia sẻ với cả nhà".
Đỗ Thị Kim Liên hiện đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn AquaOne, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP nước mặt Sông Đuống (nhà máy nước sông Đuống).
Shark Lien, Shark Tam hanh xu chong “bao” song Duong, Asanzo the nao?
 Dòng trạng thái được fanpage được cho là của Shark Liên - Madam Liên chia sẻ hiện đã bị gỡ bỏ.
Dòng trạng thái của fanpage Facebook được cho là của Shark Liên ngay lập tức gây ra phản ứng dữ dội trong cộng động mạng. Một số ý kiến cho rằng fanpage của nữ doanh nhân đang có ý coi thường những góp ý của dư luận xã hội, truyền thông về những vấn đề đang “nóng” liên quan nhà máy nước mặt sông Đuống do Shark Liên làm chủ.
Trong khi đó, tài khoản facebook có tên Lê Hoài A. cho rằng fanpage được cho là của bà Liên trích dẫn câu nói nổi tiếng của thủ tướng Anh rất khó nghe và rất thách thức.
Sáng 17/11, trao đổi với PV Báo sức khỏe cộng đồng liên quan đến vấn đề trên, một đại diện phía Công ty CP nước mặt Sông Đuống (phía Shark Liên) khẳng định, dòng chia sẻ trích dẫn câu nói gây tranh cãi là do nhóm Admin của fanpage gồm nhiều người làm.
Hiện tại, fanpage Madam Liên đã gỡ bỏ status. Điều này khiến nhiều người cho rằng, việc fanpage Madam Liên có ẩn ý khi chia sẻ dòng trạng thái là có cơ sở, động cơ chứ không chỉ trích dẫn những danh ngôn đơn thuần.

Giá nước của nhà máy này được Hà Nội chấp thuận giá bán nước sạch tối đa của Nhà máy Nước mặt sông Đuống là 10.246 đồng/m3, lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm khiến nhiều người ngạc nhiên, khi đối thủ của họ là Công ty CP nước sạch sông Đà chỉ bán với giá 5.973 đồng/m3 sau 3 năm tăng giá liên tiếp mà đã có lãi khủng.

Video: Giá nước sông Đuống. Nguồn: VTC. 


Shark Tam viết tâm thư trấn an khách hàng
Không giống như Shark Liên, trước nghi vấn Asanzo là hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam, CEO Phạm Văn Tam đã có thư ngỏ để trấn an nhà phân phối và khách hàng.
Shark Lien, Shark Tam hanh xu chong “bao” song Duong, Asanzo the nao?-Hinh-2
 Tâm thư của CEO Asanzo Phạm Văn Tam. 
Theo CEO Tam, ngay từ khi khởi nghiệp, bản thân ông và toàn thể tập đoàn Asanzo đều hướng đến những đích chung “cao đẹp, hướng đến những lợi ích của cộng đồng và của chính các thành viên trong gia đình Asanzo”. CEO Asanzo khẳng định, thương hiệu này không lừa dối người tiêu dùng về nơi sản xuất hàng hóa và đang hợp tác với cơ quan chức năng điều tra làm rõ vấn đề này.
Trả lời báo chí về vấn đề này, Chủ tịch Asanzo phủ nhận thông tin cho rằng doanh nghiệp này thay đổi nơi sản xuất hàng hóa và cho biết Asanzo có nhập một phần linh kiện từ nước ngoài nhưng việc lắp ráp hoàn toàn ở Việt Nam. Tất cả sản phẩm này đều tiêu thụ trong nước chứ không xuất khẩu.
Ông Tam nói: "Sản phẩm của Asanzo được nhập linh kiện từ nhiều nơi, trong đó khoảng 70% từ nước ngoài, chúng tôi hoàn thiện khâu đầu, khâu cuối, kiểm định đảm bảo các quy định về chất lượng sản phẩm. Tôi khẳng định, sản phẩm của Asanzo là Made in Vietnam".
Trước đó, xuất phát từ điều tra của báo Tuổi trẻ, Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam bị đặt nghi vấn nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường. Vụ việc thu hút được sự quan tâm lớn từ dư luận.
Ngày 21/6, thương hiệu này bị tước danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao”. Ngày 23/6, CEO Phạm Văn Tam thừa nhận với báo Tuổi trẻ rằng Asanzo không phải hàng Việt Nam.
Sáng 28/10, Tổng cục Hải quan tổ chức buổi lấy ý kiến các bộ, ngành đồng thời công bố những kết quả điều tra ban đầu về vụ việc Asanzo. Tại đây, lãnh đạo Tổng cục Hải quan khẳng định, qua kiểm tra xác định Asanzo có 4 vi phạm gồm vi phạm liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu (giả mạo nhãn hiệu), vi phạm liên quan đến cáo buộc “lừa dối người tiêu dùng”, vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa và có dấu hiệu trốn thuế.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Asanzo xuất khẩu 661 chiếc tivi nhãn hiệu Asanzo các loại và các bộ phận đi kèm như khung treo tường, điều khiển từ xa cho khách hàng tại Nhật Bản.
Hiện, vụ việc của Asanzo vẫn đang được Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo từ các Bộ, ban ngành để trình Thủ tướng Chính phủ, nhằm đi đến kết luận cuối cùng.

Hoàng Minh

>> xem thêm

Bình luận(0)