Vì sao nhiều người trẻ đắn đo bước vào nghề môi giới?
Nhiều người trong cuộc cho biết, nghề môi giới không yêu cầu khắt khe về công việc, gần như xin là được nhưng ít ai trụ lại được với nghề nhiều năm. Nhìn có vẻ dễ dàng, hào nhoáng, thậm chí xuất hiện không ít "siêu" môi giới kiếm tài sản khủng nhưng thực tế cũng không ít người đã vỡ mộng, sớm "bỏ cuộc chơi". Thậm chí nhiều người trẻ ra trường nghe thấy tuyển dụng vào làm môi giới công ty bất động sản còn "né" vì đủ lý do.
Hùng Chiến (tên nhân vật đã được thay đổi) - một người hành nghề môi giới bất động sản ở Hà Nội - kể: Khá nhiều bạn trẻ mới ra trường đi tìm việc trên các nhóm tuyển dụng hay có câu "Đông y, bảo hiểm, bất động sản né ra giúp em". Lý do các bạn trẻ đưa ra là vừa sợ mất thời gian, không có thu nhập, vừa sợ bị lừa đảo.
"Thực chất lý do các bạn sợ cũng không sai. Đúng là có nhiều "con sâu làm rầu nồi canh", Chiến nói và cho rằng, ở ngành nghề nào thì cũng đều có những "cạm bẫy", lừa đảo, tréo ngoe chứ không chỉ riêng môi giới bất động sản.
Bảng lương èo uột của một môi giới bất động sản.
Chiến kể lại, khi mới ra trường cũng như khát khao kiếm tiền nhưng vì chưa có kinh nghiệm nên gần như công việc đáp ứng duy nhất được là nhân viên kinh doanh bảo hiểm hoặc bất động sản.
Thời gian đầu làm nhân viên bán bảo hiểm nhưng không chịu nổi quá ba tuần, Chiến xin nghỉ vì nhiều bạn bè còn không thèm gặp mặt vì cứ mở miệng là nhắc "tai nạn" với "rủi ro". Chán nản, Chiến quyết định "nhảy" sang nghề môi giới bất động sản.
"Hồi đầu vào công ty, đến tháng thứ hai không bán được hàng sắp nản thì được một người anh hỗ trợ chốt được một căn. Lúc nhận hoa hồng tôi về ôm mẹ khóc nức", Chiến kể lại. Tuy nhiên sau nhiều năm đeo bám nghề, Chiến nhận ra với khả năng của mình thì thu nhập hơi bất ổn, thậm chí có thời gian dài không "chốt" được sản phẩm nào. Để duy trì công việc môi giới với hy vọng có ngày khấm khá hơn, sau vài năm Chiến vẫn quyết tâm theo nghề nhưng "đá" thêm công việc khác.
"Bạn nào thích kiếm tiền, đam mê cái nghề kinh doanh thì nên thử làm môi giới bất động sản một lần để thử độ kiên trì của bản thân. Tuy nhiên bạn nên lựa chọn, cân nhắc kỹ lưỡng các công ty bạn định tham gia vào để tránh gặp phải "sâu", đồng thời luôn luôn tỉnh táo, biết bản thân mình ở đâu để lĩnh hội những kiến thức, kỹ năng mà mình thực sự muốn có", Chiến đưa ra lời khuyên.
Cạnh tranh cao, "cắt máu" nhiều
Là người có kinh nghiệm hơn trong nghề môi giới, Tuấn cũng chia sẻ nghề này không hào nhoáng như nhiều người nghĩ. Việc bước chân vào nghề cũng phải từng bước chứ mơ chốt được nhiều sản phẩm bất động sản vài tỷ bạc là quá… xa vời.
Với Tuấn, đội môi giới bất động sản chủ yếu chia làm 2 phân khúc: Một là bán chuyển nhượng, hai là bán dự án và đất. Bán dự án (dự án mới, đất, nhà phố,... ), Tuấn gộp làm một vì có điểm chung. Ở phân khúc này đòi hỏi các bạn phải có kinh nghiệm, có kỹ năng rất nhiều vì hàng là hàng chung nên khách hàng có thể tham khảo rất nhiều môi giới, cạnh tranh cao, cắt máu nhiều.
"Một dự án 1.000 căn thì cũng có nghìn người bán, nên cạnh tranh, cắt máu là rất nhiều, có những môi giới cắt hết máu để chốt doanh số nên khách hàng lựa chọn", Tuấn cho biết. Cũng theo Tuấn, muốn tiếp cận được cũng phải chi cho quảng cáo rất nhiều, tốn kém rồi "cắt máu" nhưng có khi cả tháng mới chốt một căn.
"Nếu môi giới là con gái xinh đẹp, có dáng, ăn nói khéo léo… thì mình thấy nhiều trường hợp chốt rất nhanh. Nói chung sẽ là lựa chọn của từng người nên mình trong nghề thấy bình thường…", Tuấn kể.
Nhớ lại quãng thời gian vất vả thời điểm chân ướt chân ráo vào nghề, nhiều môi giới tâm sự với mức lương khởi điểm 3 triệu đồng, nhưng chi phí đi lại, cà phê quảng cáo cũng nhiều, có những tháng "âm" thu nhập.
Thứ hai là phân khúc bán chuyển nhượng. Tuấn cho biết phân khúc này sẽ là hàng khách đã mua và muốn bán lại nên ngoài đầu khách còn có "đầu chủ ", vậy nên ai khéo ăn nói có thể đàm phán giá tốt, thậm chí một mình một giá luôn. Ở phân khúc này nguồn các bên sẽ không giống nhau, nên khách có tham khảo nhiều vẫn có thể có hàng riêng.
"Tiền chi quảng cáo cũng không quá lớn. Hoa hồng 1% nhưng chốt dễ hơn, đều hơn. Công ty mình có nhân viên mới mà chốt được mấy giao dịch. Tuy nhiên cũng nhiều bạn không theo được vì quá "ế". Nói chung do năng lực của mỗi người nữa", Tuấn khuyên nếu mới vào nghề có thể bắt đầu từ chuyển nhượng, tích lũy kỹ năng và khách hàng, sau này bán dự án.
Ở trọ, ăn mỳ tôm vẫn phải cố gồng lên hào nhoáng
Không muốn làm môi giới bất động sản nhưng "vô tình" lại trở thành môi giới, chị Sam kể lại: Hồi đầu có xin vào làm nhân sự tuyển dụng, nhưng khi vào làm rồi không những phải tuyển dụng mà còn phải đăng bài quảng cáo nhà đất, môi giới khách.
Chán nản vì ngoài phải chốt khách tăng thu nhập lại thêm việc tuyển dụng đội "sale", chị Sam xin nghỉ việc khi chưa đầy một tháng. Không những không nhận được đồng lương hay hoa hồng nào, Sam còn phải nghe "sếp" dọa vì gây tổn thất cho công ty khi phải đào tạo người mới.
"Bất động sản khó nói trước lắm, tùy vào năng lực, quan hệ và mức độ chăm chỉ của mỗi người. Nếu thuận buồm xuôi gió, có duyên với nghề, có người kiếm được cả trăm triệu mỗi tháng, đổi đời vì bất động sản. Nhưng không có nhiều người được như vậy, không ít bạn trẻ đói ăn mì tôm thay cơm là rất cao khi cố bám nghề, lại còn gồng gánh thêm vài triệu chạy quảng cáo đúng hết hơi", Linh - một môi giới bất động sản - tâm sự.
Linh cũng kể, chuyện "bẻ kèo" của khách thường xuyên như cơm bữa, nên người làm môi giới thường phải rèn luyện tính nhẫn nại cao. Mới đây, từng chạy hơn vài chục km từ Vĩnh Phúc về Hà Nội trong một buổi chiều chủ nhật, nhưng lên đến nơi Linh chỉ nhận được tiếng "tút, tút" của khách. Gọi mãi không trả lời, đến sáng hôm sau mới nhận được dòng tin nhắn "chị suy nghĩ thêm đã".
Linh cũng tiết lộ, không ít đồng nghiệp của mình dù ăn mỳ gói, ở nhà trọ nhưng vẫn phải cố gắng tỏ ra hào nhoáng, có thu nhập tốt để khách hàng tin tưởng hơn và để xã hội bớt... coi thường. "Khách mua bất động sản thường là người có tiền. Để dễ dàng tiếp cận họ hơn, có những môi giới phải mượn đồ của nhau, thậm chí là đi thuê mướn", Linh kể thêm.
Nhớ lại quãng thời gian vất vả - thời điểm chân ướt chân ráo vào nghề - Linh tâm sự với mức lương khởi điểm 3 triệu đồng, nhưng chi phí đi lại, cà phê quảng cáo cũng nhiều, có những tháng "âm" thu nhập.
Một chuyên gia từng đưa lời khuyên, nếu bước chân vào nghề môi giới bất động sản, đừng nhìn vào vẻ bề ngoài bảnh bao của một số nhân viên môi giới bất động sản mà nghĩ rằng nghề này dễ kiếm tiền. Mức lương cứng sàn trả cho môi giới trung bình từ 2 - 4 triệu đồng/tháng, chỉ rất ít đơn vị trả 7 - 10 triệu/tháng. Điều đó đồng nghĩa với việc, nếu trong tháng không bán được hàng, thì khả năng sống bằng tiền vay mượn là cao.
Người tiêu dùng chưa thật sự coi trọng, tôn trọng môi giới bất động sản
Theo lãnh đạo Hội môi giới bất động sản, lực lượng hành nghề môi giới bất động sản hiện có khoảng 300.000 người tham gia. Mỗi năm lực lượng này kết nối cung cầu thành công, hàng năm lên tới trăm ngàn sản phẩm bất động sản, với giá trị sản lượng ước đạt khoảng nửa triệu tỷ đồng.
Ngày nay, rất hiếm hoi dự án bất động sản chào bán trên thị trường mà không phải do các đơn vị phân phối, sàn giao dịch bất động sản. Tuy nhiên theo lãnh đạo Hội môi giới, nhiều khách hàng, người tiêu dùng chưa thật sự coi trọng, tôn trọng môi giới bất động sản.
"Chỉ coi họ là người có thông tin, giới thiệu và chỉ trỏ. Rất ít khách hàng có khái niệm môi giới bất động sản là người được giao làm đại diện ủy thác của họ. Để thực hiện tác nghiệp tìm kiếm sản phẩm bất động sản phù hợp, đánh giá, định giá pháp lý, chất lượng, giá trị thương thảo và hoàn tất mọi thủ tục giao dịch đúng quy định, bảo đảm quyền lợi cho mình", lãnh đạo Hội môi giới chia sẻ.
Trong khi đó, người bán nhà, chủ đầu tư dự án bất động sản coi môi giới bất động sản là đối tượng được thuê đi bán hàng, chứ không phải là người đại diện cho mình, có trách nhiệm thực hiện hoàn tất hồ sơ bàn hàng, định vị sản phẩm, đánh giá phù hợp thị trường kết hợp hiệu quả, truyền thông, quảng cáo bán hàng, tư vấn các giải pháp dịch vụ trước, trong, sau bán hàng cho khách hàng nhằm giữ gìn uy tín và nâng cao hình ảnh cho bên bán.
"Từ quan điểm môi giới chỉ là bên bán thuê, cần việc nên họ thường chèn ép môi giới, bắt môi giới phải ký cược tiền chiếm dụng vốn. Thậm chí ép môi giới phải tiếp tay làm trái quy định pháp luật. Vì chưa chuyên nghiệp, một bộ phận môi giới bất động sản vẫn bị sa đà vào những hành vi chưa chuẩn mực", lãnh đạo Hội môi giới chia sẻ.