Thông tin các sản phẩm xịt miệng, súc miệng NECO và Cốt Thiên Ngọc NECO do Công ty TNHH TM & DV Cstar cung cấp được quảng cáo “nổ” công dụng như thuốc điều trị bách bệnh về răng miệng, ngăn chặn cả virus COVID-19 đang gây bức xúc dư luận.
|
Nickname Facebook Nya Chi được cho là của bà Hoàng Thị Thuận - Tổng giám đốc Công ty TNHH TM & DV Cstar quảng cáo sản phẩm súc họng NECO ngăn được cả COVID-19 gây bức xúc. |
Xoay quanh vấn đề này, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến nhu cầu về các loại thuốc chữa bệnh, thực phẩm bồi bổ sức khỏe… của người tiêu dùng càng tăng cao. Đây là một trong những cơ hội để thực phẩm chức năng (TPCN) dễ dàng đến tay người tiêu dùng.
Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm an toàn, có chất lượng, vẫn còn nhiều loại TPCN kém chất lượng, nhưng lại được quảng cáo có tác dụng như thuốc chữa bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng và các trang mạng xã hội… nhằm trà trộn, đánh lừa người tiêu dùng.
Ông Tùng viện dẫn, tại khoản 4 Điều 52 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo quy định hành vi vi phạm về quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm sẽ phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
a) Quảng cáo sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, được sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế; b) Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh;
Đặc biệt, theo điều Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2019 quy định về Tội quảng cáo gian dối thì người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Như vậy, nếu Công ty TNHH TM & DV Cstar, hoặc cá nhân có hành vi vi phạm sẽ bị phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng. Đồng thời, người đứng đầu doanh nghiệp sẽ chịu mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
|
Nickname Facebook Nya Chi liên tục giới thiệu các sản phẩm NECO với công dụng phòng được cả virus. |
Luật sư Hoàng Tùng còn cho biết, theo quy định tại điểm 1.6 mục 1 Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19, thì người có hành vi lợi dụng dịch bệnh COVID-19 đưa ra thông tin không đúng sự thật về công dụng của thuốc, vật tư y tế về phòng, chống dịch bệnh nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Mức phạt tù của hành vi này có thể lên đến 20 năm hoặc tù chung thân và còn có thể bị phạt tiền đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, với những quảng cáo sản phẩm xịt họng NECO “vượt qua mọi tiến bộ của y học, chữa được bách bệnh, ngăn được virus”, thì rõ ràng doanh nghiệp đã lợi dụng dịch bệnh để trục lợi.
“Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra căng thẳng, gây nhiều ảnh hưởng về sức khỏe cũng như kinh tế, Nhà nước đã dự liệu sẵn được hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi này. Xét thấy cần phải xử lý nghiêm các hành vi trục lợi trên sức khỏe, tính mạng của cộng đồng như trên”, luật sư Hoàng Tùng nhấn mạnh.
|
Sản phẩm Cốt Thiên Ngọc NECO cũng được quảng cáo "nổ" công dụng như thuốc. |
Bên cạnh đó, luật sư Hoàng Tùng cũng khuyến cáo người tiêu dùng cần phải tỉnh táo trước khi ra quyết định mua bất kỳ loại thuốc cũng như sản phẩm chăm sóc sức khỏe nào, đặc biệt là các sản phẩm NECO.
“Người tiêu dùng cần nhớ không có bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào chữa được bệnh, thay thế được thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời. Không mua và sử dụng TPBVSK, thuốc bán trôi nổi.
Các sản phẩm TPBVSK, thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế cần phải yêu cầu người bán cung cấp hóa đơn bán hàng để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hóa giữa hai bên. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho cơ quan chức năng địa phương để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm”, luật sư Hoàng Tùng khuyến cáo.