Theo một số cơ quan truyền thông, lý do xin từ nhiệm được ông Diệp Dũng nêu trong đơn là vì chưa hoàn thành trách nhiệm của một người đứng đầu Saigon Co.op được tổ chức giao phó, đặc biệt là đối với việc tăng vốn điều lệ, dẫn đến hàng loạt vấn đề không hay xảy ra vừa qua; chưa hoàn thành trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đoàn kết và lãnh đạo tập thể Ban Chấp hành Đảng ủy Saigon Co.op.
|
Ông Diệp Dũng đã có đơn xin từ nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op. (Ảnh: Phunuonline). |
Theo tìm hiểu của PV, tháng 8/2015, ông Diệp Dũng được Thành ủy chỉ định tham gia Ban chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy, giữ chức Bí thư Đảng ủy Saigon Co.op và được bầu làm Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op nhiệm kỳ 2015-2020.
Saigon Co.op thành lập năm 1989 theo quyết định của UBND TP.HCM với tên gọi Liên hiệp Hợp tác xã mua bán thành phố. Đến năm 1998, đổi tên thành Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM với 20 hợp tác xã thành viên.
Ban chấp hành Đảng bộ Saigon Co.op là Đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và hướng dẫn thường xuyên của Ban thường vụ và Thường trực Thành ủy TP.HCM. Vị trí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, trong nhiều nhiệm kỳ qua là thành ủy viên, được Thành ủy giới thiệu để đại hội thành viên của Saigon Co.op bầu.
|
Khách hàng mua sắm tại siêu thị Co.opmart. (Ảnh minh họa). |
Năm 2015 Saigon Co.op đạt 100% kế hoạch, với doanh thu vượt mức 25.000 tỷ đồng, nộp thuế đạt 100% kế hoạch đề ra, bình quân thu nhập đầu người tăng từ 7% đến 11%. Đến năm 2016, tổng doanh số của công ty tăng 11% so với năm 2015, đạt gần 105% so với kế hoạch. Dù số liệu không được chia sẻ tuyệt đối, nhưng doanh số của công ty năm 2016 khoảng 27.800 tỷ đồng.
Cả năm năm 2017 Saigon Co.op đạt 30.000 tỷ đồng, tăng 7% so với 2016, còn lợi nhuận đạt 100% kế hoạch đề ra. Trong đó, mô hình Co.opextra có mức tăng trưởng cao nhất là 35%, Co.opfood 20%, siêu thị Co.opmart là 10-12%. Còn doanh thu năm 2018 đạt hơn 30.000 tỷ đồng.
Năm 2019, Saigon Co.op đạt doanh thu 35.000 tỷ đồng, tăng 9,4% so cùng kỳ năm 2018.
Từ khi thành lập đến nay, Saigon Co.op đã 34 lần thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, 14 lần điều chỉnh, bổ sung điều lệ và 8 lần bổ sung tăng vốn điều lệ.
Với vốn của Saigon Co.op, hình thành từ 2 nguồn là: Nhà nước hỗ trợ và vốn góp của HTX thành viên.
Một số cơ quan báo chí nêu, theo sổ sách kế toán, đến cuối năm 2019, nguồn vốn hình thành từ lợi nhuận tích lũy (lợi nhuận không chia) của Saigon Co.op là hơn 3.180 tỷ đồng. Đầu năm 2020, Saigon Co.op quyết định tăng vốn điều lệ từ hơn 3.180 tỷ đồng lên gần 6.800 tỷ đồng (tăng hơn gấp đôi).
Đến nay, Saigon Co.op có hơn 100 siêu thị (Co.opmart) trong cả nước, nằm trong Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trước đó, Thanh tra TP.HCM công bố kết luận các sai phạm tại Saigon Co.op, trong đó có đề cập về nguồn vốn góp và tham gia góp vốn không bình thường, có dấu hiệu thâu tóm tại Saigon Co.op.
Cụ thể, Thanh tra TP.HCM đã thanh tra và phát hiện có các dấu hiệu bất thường trong việc tăng vốn từ các HTX thành viên. Theo đó, HTX thương mại dịch vụ Linh Tây báo lỗ gần 49 triệu đồng nhưng số vốn góp đến hơn 952 tỉ đồng; HTX thương mại Đô Thành lỗ hơn 721 triệu đồng nhưng góp đến hơn 247 tỉ đồng; HTX thương mại Thị Nghè lỗ hơn 163 triệu đồng nhưng góp hơn 244 tỉ đồng...
Thanh tra TP.HCM xác định, có 20/26 HTX thành viên có góp vốn nhưng không HTX nào cung cấp được cho đoàn thanh tra các hồ sơ góp vốn. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của Saigon Co.op được duy trì ổn định qua các năm, dao động 800 - 1.500 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận tại Saigon Co.op đạt đến 26-39% trên vốn góp.