Sai lầm kinh điển khiến máy giặt xịn đến mấy cũng chóng hỏng

Google News

8 sai lầm thường gặp khi sử dụng máy giặt nhà nào cũng mắc phải!

1. Giặt quần áo với khối lượng không phù hợp
Việc giặt quần áo quá nhiều so với số kg quy định hay quá ít sẽ gây ra những vấn đề không chỉ cho máy giặt mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả giặt.
Đối với việc giặt quá tải, quần áo sẽ chuyển động thành một khối, không thể khuấy hoặc lắc mạnh theo guồng quay của dòng nước, và bột giặt sẽ không thể lưu thông một cách hoàn hảo. Theo đó, quần áo sẽ không thể giặt sạch hoàn toàn. Thậm chí các vết dơ còn giữ nguyên khiến chủ nhân rất khó chịu.
Đối với việc giặt quá ít, quần áo giặt có thể sẽ dồn về một phía của lồng giặt, làm cho lồng giặt mất cân đối, gây nên những cú lắc mạnh, va đập trong khi vắt và sấy.
Vì thế, tốt nhất là căn đúng khối lượng quần áo cho một lần giặt tương đương với qui định trọng lượng máy giặt. (thông thường mức quần áo khô khi bỏ vào có thể ước lượng khoảng 4/5 so với chiều cao của lồng giặt).
2. Lắp đặt máy giặt ở nơi quá ẩm ướt
Nhiều gia đình thường lắp máy giặt ở ban công, sân thượng, nhà tắm, gầm cầu thang vì tiện lợi nhưng họ không hề biết rằng chính sự ẩm ướt ở nhà tắm, gầm cầu thang sẽ khiến máy giặt bị nhiễm ẩm, các động cơ không thể hoạt động được.
Đồng thời, khi lắp máy giặt ở nơi có ánh nắng chiếu trực tiếp cũng khiến cho các linh kiện điện tử bên trong nhanh hỏng. Tốt nhất, bạn nên lắp thiết bị này ở những nơi khô ráo, thông thoáng và có đặt chân kê phía dưới.
Sai lam kinh dien khien may giat xin den may cung chong hong
Ảnh minh họa. 
3. Dùng bột giặt, nước xả không đúng
Dùng bột giặt tay cho máy giặt sẽ khiến thiết bị này hỏng nhanh chóng. Nguyên nhân là vì bột giặt tay thường rất nhiều bọt trong khi loại bột giặt dùng cho máy cần có chất tẩy mạnh, ít bọt.
Khi bạn dùng bột giặt tay sẽ khiến máy giặt phải hoạt động hết công suất để làm sạch bọt. Ngoài ra, việc cho quá nhiều bột giặt, nước xả cũng không tốt vì chúng sẽ khiến máy giặt không thể làm sạch được hết quần áo, rất tốn nước và hại động cơ.
4. Mở nắp máy giặt đột ngột khi thiết bị đang hoạt động
Vừa mới bấm nút bật máy giặt nhưng bạn lại mở nắp thiết bị này ra đột ngột vì phát hiện có vài quần áo chưa cho vào. Hành động này cực kỳ hại máy và là nguyên nhân chính khiến máy giặt nhanh hỏng. Thêm nữa, sau khi mở nắp thiết bị, bạn sẽ phải bắt đầu lại chu trình giặt từ đầu, việc này gây tốn điện, tốn nước và mất rất nhiều thời gian.
5. Không thường xuyên vệ sinh máy giặt
Máy giặt sau khi được sử dụng một thời gian dài sẽ sinh ra bụi bẩn, nấm mốc. Nếu không được vệ sinh thường xuyên, những bụi bẩn đó sẽ bám lên quần áo của bạn trong quá trình giặt, gây hại cho sức khỏe.
Để tránh tình trạng này, tốt nhất bạn bên bảo trì định kỳ, vệ sinh máy giặt đều đặn, vừa tránh hỏng hóc mà lại giữ cho quần áo được sạch sẽ, thơm tho.
6. Giặt với nước quá nóng
Trang phục quần áo sẽ giữ được dáng và màu sắc tốt hơn nếu giặt ở nhiệt độ thấp. Ngoài ra, nước ấm hay nước lạnh cũng có thể làm sạch đồ chẳng khác gì nước nóng nếu bạn sử dụng máy giặt và bột giặt tốt.
Chỉ những đồ dùng như khăn tắm hay trang phục bằng linen (được dệt từ sợi của cây lanh) mới cần dùng nước nóng tới 80-90 độ C. Còn tất cả các đồ còn lại đều chỉ nên giặt ở nhiệt độ thấp hơn, khoảng 37 độ C.
7. Giặt đồ lót bằng máy giặt
Với chế độ giặt tự động, áo lót sẽ nhanh chóng bị rão và mất dáng, vì vậy tốt nhất nên giặt đồ này bằng tay. Quy tắc này cũng áp dụng với đồ ngủ bằng ren và đồ bơi.
Ngược lại, tất nylon có thể giặt bằng máy nếu tuân thủ một vài nguyên tắc đơn giản sau:
Sử dụng nước giặt chuyên dụng và dùng chế độ giặt riêng cho đồ mỏng.
Giặt với nước mát, tầm 32 độ ở tốc độ chậm.
Cho đồ này vào túi giặt đặc biệt
Lộn trái đồ.
8. Giặt quần jean quá thường xuyên
Các nhà sản xuất đồ jean khuyên không nên giặt bằng máy để giữ màu được lâu hơn. Nếu ngại giặt bằng tay, bạn vẫn có thể dùng máy nhưng không nên giặt quá thường xuyên, có thể 2-6 tháng một lần, tùy thuộc vào mức độ sử dụng thường xuyên mặc cũng như đặc điểm riêng về mùi cơ thể của bạn.
Theo Vũ Ngọc/Khỏe & Đẹp

>> xem thêm

Bình luận(0)