Vốn sinh ra ở nông thôn nên anh Nguyễn Mạnh Cường (SN 1983, huyện Hà Trung, Thanh Hóa) rất quen thuộc các vật dụng từ tre, luồng. Lớn lên sau khi đã trải qua nhiều công việc, năm 2007 vợ chồng anh quyết định về quê lập nghiệp.
Anh Cường (áo ngắn tay màu ghi) bên nguyên liệu tre luồng - sản phẩm thế mạnh của quê hương anh
Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Mạnh Cường cho biết, nhận thấy quê hương Thanh Hóa có nguồn nguyên liệu tre luồng khá dồi dào, sau nhiều năm bôn ba làm ăn ở Hà Nội, anh cùng vợ quyết định bỏ phố về quê khởi nghiệp và tạo dựng thương hiệu cho các sản phẩm từ cây tre, cây luồng của xứ Thanh.
Trải qua nhiều năm xây dựng và hoàn thiện sản phẩm giờ đây anh đã có một nhà máy sản xuất sản phẩm từ cây tre, luồng quy mô.
“Khi vợ chồng mình quyết định về quê lập nghiệp năm 2007, tuy khó khăn nhưng nghĩ là làm, chúng mình bắt tay vào lập xưởng sản xuất. Trước thực tế nguồn nguyên liệu gỗ đang ngày càng cạn kiệt và nắm bắt xu hướng phát triển trong tương lai là sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, vợ chồng mình quyết định sử dụng nguồn nguyên liệu dồi dào của quê hương Thanh Hóa” – anh Cường nói.
Từ cây tre, để trở thành sản phẩm hoàn thiện cần trải qua nhiều công đoạn sơ chế
Ban đầu, khi mới “vào nghề”, cơ sở sản xuất của anh Cường chủ yếu sản xuất đũa tre, tăm bông, tăm tre, bán cho các cửa hàng ăn uống, quán tạp hóa nhỏ lẻ tại địa phương. Tuy nhiên, sau một thời gian anh và vợ nhận thấy các sản phẩm tăm, đũa tre là những sản phẩm sơ chế thô sơ, giá trị gia tăng lợi nhuận không cao, điều đó thôi thúc anh tìm hướng đi cho các sản phẩm từ tre, luồng mà mang lại kinh tế cao hơn.
Công nhân tại xưởng sản xuất của anh Cường xử lý các sản phẩm tre, luồng
Sau một thời gian tích lũy vốn và kinh nghiệm, năm 2017, vợ chồng anh Nguyễn Mạnh Cường đã thành lập công ty. Sau khi thành lập doanh nghiệp, anh Cường đã mạnh dạn đầu tư gần 20 tỷ đồng để mua dây chuyền sản xuất với đầy đủ hệ thống máy cắt luồng, chẻ luồng, máy vót nan thô, máy bào nan tinh, máy lăn keo, máy ép, hệ thống sấy, hấp, xử lý chống mối mọt... Quá trình sản xuất tạo ra sản phẩm là quy trình khép kín, công nghệ sản xuất tiên tiến đạt các tiêu chuẩn về đặc tính kỹ thuật, không gây ô nhiễm, thân thiện với môi trường.
Nhờ đồng cam cộng khổ, không ngại khó khăn và không ngừng sáng tạo, giờ đây hai vợ chồng anh Cường bước đầu mang về doanh thu hàng chục tỷ mỗi năm.
Với vị trí nhà máy sản xuất nằm tại xã Hà Ninh, huyện Hà Trung (Thanh Hóa), quy mô vốn điều lệ trên 20 tỷ đồng của cặp vợ chồng 8X, tập trung sản xuất 4 nhóm sản phẩm chính, đó là ván lát sàn, đồ nội thất (bàn, ghế, giường, tủ...), đồ bếp gia dụng (thớt, thìa, muỗng...), hàng thủ công mỹ nghệ (khay, hộp...).
Cũng nhờ có công việc đều, hiện nhà máy đang tạo việc làm cho 40 lao động với mức thu nhập bình quân 5-8 triệu đồng/người/tháng.
“Tre, luồng rất dễ bị mối mọt, nhưng nếu trải qua các thao tác gia công thì sẽ trở nên bền vững, có tuổi thọ rất tốt. Ngoài phương pháp thủ công là phơi, sấy ra, mình phải làm thêm công đoạn hấp nguyên liệu nữa để bảo đảm sản phẩm đưa vào sử dụng bền hơn”, anh Cường chia sẻ.
Sản phẩm được làm từ tre có độ bền ngang với gỗ
Được biết, các sản phẩm như thớt, thìa, muỗng... làm từ tre luồng được rất nhiều gia đình trẻ ưa chuộng. Không chỉ vậy, các mặt hàng nội thất làm từ tre như bàn ghế phục vụ cho các quán cafe, nhà hàng, giường tủ, nội thất phòng ngủ cho khách sạn, resort hay trang bị nội thất cho nhà ở thương mại cũng được đánh giá cao.
Đại đa số các gia đình trẻ đều ưa dùng sản phẩm từ tre
Đặc biệt, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu của các hộ gia đình, nhà hàng, khách sạn,… nhà máy sản xuất của “ông chủ” 8x xứ Thanh còn gia công cho các nhà phân phối để xuất khẩu đi nước ngoài. Thị trường chính đã ký kết với công ty là Mỹ, châu Âu, các nước Trung Đông,…
Anh Nguyễn Mạnh Cường trăn trở, với vùng nguyên liệu dồi dào của cây tre xứ Thanh nhưng mỗi năm nhà máy mới tiêu thụ hết 3.000 tấn tre, luồng các loại. Công ty còn gặp những khó khăn về tài chính nên quy mô sản suất nhà máy của mới chỉ đạt 25% công suất thiết kế.
Các sản phẩm gia dụng đạt tiêu chuẩn cung cấp ra thị trường và xuất khẩu
Cũng theo anh Cường, năm 2019, doanh thu của công ty từ các sản phẩm tre luồng đạt 15 tỷ, năm 2020 doanh thu ước đạt 20 tỷ.
“Do ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường xuất khẩu những tháng đầu năm có ảnh hưởng và sụt giảm khá nhiều, song bù lại chúng tôi lại tập trung phát triển thị trường trong nước rất tốt” - anh Cường chia sẻ.
Nói thêm với phóng viên về kế hoạch cho việc sản xuất các sản phẩm này trong thời gian tới, người con xứ Thanh nói: “Nguồn nguyên liệu có sẵn, sản phẩm được sản xuất tại nhà máy nên giá thành rất hợp lý, thị trường cũng rất hào hứng đón nhận. Tuy nhiên, khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng lại phải qua nhiều khâu trung gian, chính vì điều đó đã đẩy giá thành sản phẩm lên cao.
Tôi mong rằng thời gian tới, sẽ tiếp tục phát triển đa dạng thêm các sản phẩm, liên kết nhiều vùng nguyên liệu. Đồng thời áp dụng các quy trình hiện đại trong sản xuất, bán hàng nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu để nhiều người hiểu hơn, tin dùng các sản phẩm từ tre luồng, góp phần mang lại giá trị xanh trong sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường”.