Theo báo cáo gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) mới đây, Công ty CP Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC) đã công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính bán niên 2023 với nhiều điểm đáng chú ý.
Cụ thể, thông tin trên Nhà đầu tư, nửa đầu năm 2023, lợi nhuận sau thuế của Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh không mấy lạc quan khi bất ngờ báo lỗ 7,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước công ty này ghi nhận lãi 130 tỷ đồng. Do đó, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) công ty vì thế cũng giảm mạnh từ 22,87% về mức âm 1,3% tại thời điểm cuối quý II/2023. Kết quả kinh doanh sụt giảm trong nửa đầu năm nay của DAFC cũng là thực trạng chung của ngành hàng xa xỉ trên thế giới khi người tiêu dùng thắt chặt hầu bao.
Bên kia bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh tính đến ngày 30/6/2023 ghi nhận đạt 1.379,6 tỷ đồng, giảm gần 5,7% so với thời điểm 30/6/2022. Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả ghi nhận ở mức 809,5 tỷ đồng, giảm 9,2%; vốn chủ sở hữu đi ngang so với kỳ trước đạt 570,1 tỷ đồng, giảm 0,2%.
Trong đó, dư nợ trái phiếu phát hành riêng lẻ đến cuối tháng 6 giảm mạnh 79%, chỉ còn hơn 17 tỷ đồng. Số tiền này thuộc về hai lô trái phiếu do DAFC phát hành riêng lẻ 7 năm trước với tổng giá trị 321 tỷ đồng, lãi suất 8,3%/năm. Theo kế hoạch sẽ đáo hạn lần lượt vào ngày 7/9/2023 và 14/2/2024. Tuy nhiên, trong tháng 8/2023, công ty đã mua lại trước hạn và không còn dư nợ trái phiếu.
|
Review công ty thời trang cao cấp của ông Johnathan Hạnh Nguyễn vừa báo lỗ (ảnh minh họa: Internet). |
Ở chiều ngược lại, trước đó, năm 2022 đánh dấu bước ngoặt lớn trong khâu vận hành của Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh với việc số hóa dữ liệu khách hàng bằng Salesforce và tối ưu hóa hiệu suất nhờ công nghệ RFID. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2022, Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh ghi nhận kết quả kinh doanh vượt trội khi báo lãi 130 tỷ đồng, vượt cả kế hoạch lợi nhuận năm. Trước đó các năm 2021 và 2020, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh vẫn có kế quả kinh doanh ấn tượng.
Được biết, Công ty CP Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC) là doanh nghiệp trong "hệ sinh thái" của "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn. Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh được thành lập vào tháng 11/2005, ra đời trong quyết định mở rộng kinh doanh bán lẻ và thời trang cao cấp của bà Lê Hồng Thủy Tiên (vợ ông Jonathan Hạnh Nguyễn), qua đó trở thành nhà phân phối chính thức của hơn 60 thương hiệu thời trang xa xỉ trên thế giới. Hiện bà Lê Hồng Thủy Tiên đang là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật công ty.
Doanh nghiệp này hoạt động trong mảng kinh doanh thời trang - hàng hiệu của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (Imex Pan Pacific Group - IPP Group). Cụ thể, Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh là nhà phân phối của các thương hiệu thời trang cao cấp trong các lĩnh vực thời thời trang, mỹ phẩm, nước hoa như: BVLGARY, Rolex, Cartier, Versace... Bên cạnh mảng thời trang, DAFC hiện đang là cổ đông lớn sở hữu trên 10% số cổ phần có quyền biểu quyết tại Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco, mã: SAS).
Ngoài DAFC, gia đình “ông trùm” thời trang hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn còn sở hữu Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu (ACFC), nhà phân phối và quản lý các thương hiệu thời trang quốc tế tại Việt Nam, với hệ thống hơn 270 cửa hàng trên toàn quốc. Các thương hiệu ACFC độc quyền phân phối như Nike, Mango, Levi’s, Gap, Old Navy, Calvin Klein,…
Theo tờ The Leader, DAFC và ACFC là hai công ty đang độc quyền phân phối hơn 100 thương hiệu thời trang tại Việt Nam, nằm trong mảng kinh doanh hàng hiệu của IPP Group. Năm 2022, mảng này (IPPG Fashion) đạt doanh thu 5.132 tỷ đồng, tăng 64% so với năm 2021 và lãi trước thuế đạt 423 tỷ đồng, tương đương bình quân hơn 1,1 tỷ đồng mỗi ngày. Nguyên nhân IPPG Fashion đạt được mức lợi nhuận kỷ lục nhờ sức mua lớn của khách hàng phục hồi tốt sau thời gian bị kìm hãm vì dịch bệnh.