Mẹ chồng Hà Tăng gây chấn động thị trường

Google News

Doanh nghiệp của bà Lê Hồng Thủy Tiên và ông Johnathan Hạnh Nguyễn liên tục công bố các thông tin trái ngược nhau về thương vụ mua bán tại Sasco.

Hai doanh nghiệp do bà Lê Hồng Thủy Tiên, vợ ông Jonathan Hạnh Nguyễn làm Ủy viên HĐQT vừa công bố đã mua 2,8 triệu cổ phần SAS của CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất - Sasco.
Theo đó, Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương (IPPGroup) đã mua hơn 1,66 triệu cổ phiếu SAS, nâng lượng sở hữu từ 23,7% lên gần 25%. Giao dịch thực hiện từ 28/11 đến 30/11/2017. Cùng với đó, Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu cũng thông báo đã mua gần 1,14 triệu cổ phiếu, nâng lượng sở hữu từ 14,4% lên 15,24%.
Cả 2 công ty này đều do bà Lê Hồng Thủy Tiên, vợ ông Jonathan Hạnh Nguyễn làm Ủy viên HĐQT.
Cuối tháng 11, vài ngày sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương - người có liên quan đến Ủy viên HĐQT - mua thành công hơn 3 triệu cổ phiếu SAS của CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco), doanh nghiệp của bà Lê Hồng Thủy Tiên ra thông báo đính chính.
Theo đó, IPP Group gửi nhầm biểu mẫu báo cáo và trên thực tế chưa mua thêm cổ phiếu Sasco.
Ngay sau đó, thị trường lại xuất hiện thông báo đăng ký mua vào của 2 đơn vị là IPP Group và Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu.
 
Hiện tại, nhóm công ty liên quan tới vợ chồng ông Hạnh Nguyễn gồm IPP Group, ACFC và DAFC hiện sở hữu tổng cộng khoảng 44% cổ phần của Sasco.
Cả bà Lê Hồng Thủy Tiên và chồng Jonathan Hạnh Nguyễn hiện đều nằm trong HĐQT của Sasco. Ông Hạnh Nguyễn là chủ tịch, trong khi đó bà Thủy là thành viên HĐQT không tham gia điều hành. Bà Lê Hồng Thủy Tiên tham gia vào HĐQT ngay từ cuối năm 2014 khi doanh nghiệp này tiến hành cổ phần hóa. Còn ông Jonathan Hạnh Nguyễn được bầu vào HĐQT của Sasco cách đây hơn 1 năm.
Cựu diễn viên Lê Hồng Thủy Tiên - mẹ chồng Tăng Thanh Hà gần đây bất ngờ trở thành 1 trong người giàu có hàng đầu trong giới doanh nhân Việt Nam sau khi ông Johnathan Hạnh Nguyễn chuyển giao phần lớn cổ phần cho vợ và con.
Bà Lê Hồng Thủy Tiên và con trai Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Phi Long nắm giữ cổ phần với tỷ lệ lần lượt 59%, 20% và 20%. Trước đó, ông Jonathan Hạnh Nguyễn từng nắm 90% vốn.
IPPGroup là một trong những tập đoàn bán lẻ hàng hiệu quốc tế hàng đầu tại Việt Nam.
Đây là một tập đoàn ghi dấu ấn của bà Lê Hồng Thủy Tiên. Doanh nghiệp nhà bà Thủy Tiên phân phối rất nhiều thương hiệu hạng sang như: Burberry, Ferragamo, Versace Rolex… và nhiều thương hiệu chuỗi nhà hàng ăn nhanh như: Burger King, Dunkin Donuts… với doanh thu đang hướng tới ngưỡng 1 tỷ USD.
IPP Group gần đây đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ hàng không như thương vụ nói trên. Trước đó, IPP cũng từng đặt vấn đề mua sân bay Phú Quốc và trở thành cổ đông chiến lược của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nhưng chưa thành công. IPP hiện giữ 30% cổ phần Nhà ga Quốc tế Cam Ranh.
Các doanh nghiệp dịch vụ và hạ tầng hàng không thời gian gần đây thu hút sự quan tâm rất lớn của giới đầu tư khi mà ngành hàng không liên tục phát triển mạnh với sự tham gia của nhiều hãng bay trong và ngoài nước.
CTCP Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh (CIA) đã niêm yết cổ phiếu tại Sở GDCK Hà Nội (HNX) từ ngày 29/11/2017 với giá có lúc đã lên tới gần 70 ngàn đồng/cp.
Cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam tăng giá mạnh trong vài năm gần đây. Từ mức giá hơn 10 ngàn đồng trong phiên IPO cuối năm 2015, ACV đã tăng lên 50 ngàn đồng hồi tháng 8/2017 và hiện đã ở mức giá cao kỷ lục mọi thời đại: hơn 90.000 đồng/cp.
Cổ phiếu hàng không VietJet của nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo hiện cũng đang ở vùng giá cao kỷ lục: hơn 130.000 đồng/cp.
Ngành hàng không Việt Nam được dự báo sẽ còn tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Lượng khách bay nội địa tăng 30% và khách quốc tế đến Việt Nam từ đầu năm đến nay luôn tăng trưởng hai con số.
Trong phiên giao dịch 5/12, hàng loạt cổ phiếu giảm sâu kéo VN-Index từ đỉnh cao hơn 970 điểm xuống còn hơn 950 điểm. Cú giảm mạnh do margin và chốt lời đã xóa tan thành quả 2 ngày tăng mạnh. Tuy nhiên, nhiều CTCK cho rằng đây là cơ hội tốt để điều chỉnh lại danh mục.
Về tổng thể, quy mô và thanh khoản trên TTCK tiếp tục cải thiện. Dòng vốn nội và ngoại vẫn đổ vào thị trường cho dù VN-Index đã lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2008 và là thị trường có tốc độ tăng mạnh thứ 3 thế giới.
Theo CTCK VCBS, phiên điều chỉnh hôm qua phần nhiều mang tính chất điều chỉnh kỹ thuật và chưa đủ cơ sở để khẳng định xu hướng tăng giá chấm dứt. Tuy nhiên sau một giai đoạn tăng nhanh và mạnh trong thời gian ngắn, chỉ số được dự báo cần thêm thời gian ổn định lại mặt bằng giá.
Do vậy, khi các chỉ báo chưa xác nhận xu hướng điều chỉnh trung hạn, nhà đầu tư không nên có những phản ứng thái quá trước những diễn biến bất ngờ của thị trường. Thay vào đó, những phiên điều chỉnh như hôm qua nên được xem là cơ hội để tái cơ cấu danh mục, tập trung và duy trì vào những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và triển vọng kinh doanh tích cực trong năm sau.
Còn theo BSC, phiên điều chỉnh cần thiết của thị trường khi chỉ số đang được đẩy lên quá nhanh, dù giảm điểm mạnh nhưng thanh khoản vẫn tiếp tục tăng mạnh đã cho thấy lực cầu của nhà đầu tư vẫn rất mạnh cộng với những thông tin tích cực sẽ giúp cho chỉ số thị trường quay đầu tăng điểm trong những phiên sắp tới.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/12, VN-index tăng 16,72 điểm xuống 953,3 điểm; HNX-Index giảm 3,48 điểm xuống 113,23 điểm. Upcom-Index giảm 0,12 điểm xuống 54,2 điểm. Thanh khoản đạt gần 350 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt 8,5 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.
Theo H. Tú/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)