Điểm đến tiềm năng
U Minh Thượng được xác định là một trong bốn khu vực đầu tư trọng điểm của tỉnh về phát triển du lịch giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030, trong đó điểm nhấn quan trọng là Vườn quốc gia U Minh Thượng, khu dự trữ sinh quyển thế giới, vùng đặc thù sinh thái rừng tràm ngập nước trên đất than bùn...
Đây là tài nguyên quý giá để khai thác du lịch sinh thái kết hợp tìm hiểu văn hóa sông nước, du lịch nghiên cứu văn hóa, lịch sử với quần thể di tích đã và đang được hình thành gồm ngã ba Cây Bàng, Nhà Ngang, khu di tích Sở chỉ huy lực lượng vũ trang tỉnh Rạch Giá tại ấp Bờ Dừa, khu di tích lịch sử An ninh khu IX...
U Minh Thượng còn là địa danh có tính liên kết vùng với một quẩn thể di tích Ngã Ba Tàu, Thứ Mười Một, rừng tràm Bang Biện Phú, khu tập kết 200 ngày đêm kênh xáng Chắc Băng… là điểm thu hút du khách tìm hiểu lịch sử cách mạng.
|
Du khách tham quan Vườn quốc gia U Minh Thượng bằng vỏ lãi. |
Huyện U Minh Thượng còn là một trong những vùng đất ngập mặn với diện tích rừng quý hiếm, đồng thời là khu bảo tồn sinh quyển thế giới. Rừng U Minh Thượng có hệ thực vật đa dạng, phong phú, là những cây tràm và dây leo mọc trên lớp than bùn, có hơn 180 loài chim và trên 30 loài thú...
Với những giá trị to lớn đó, U Minh Thượng đã và đang trở điểm đến lý tưởng đối với du khách thích khám phá, nghiên cứu và du lịch sinh thái. Ấn tượng đầu tiên với du khách khi đến Vườn quốc gia U Minh Thượng là con đường vào với hai hàng cây rợp bóng mát, xa xa là những đàn khỉ leo trèo thỉnh thoảng kéo nhau ra đường chí chóe gọi đàn.
Du khách có thể chọn vỏ lãi hoặc xuồng ba lá để bắt đầu chuyến khám phá với nhiều sản phẩm du lịch như câu cá, ngắm chim, nhổ bồn bồn... Sau chuyến khám phá, thành quả có được du khách nhờ đầu bếp chế biến thành những món ăn hấp dẫn đậm chất miền quê.
Du khách còn có thể thưởng thức những đặc sản của U Minh Thượng như mắm cá lóc chưng thịt ba rọi ăn với rau rừng, mắm cá lưỡi trâu trộn đu đủ, khô sặc rằn trộn xoài... Ngoài ra, du khách có thể yêu cầu phục vụ văn nghệ, thưởng thức món ngon, nhâm nhi vài ly rượu và hát những bài ca cổ, trích đoạn cải lương với âm điệu ngọt ngào.
Chị Phạm Thị Yến Ly, ngụ tỉnh Bình Dương chia sẻ: “Tôi ấn tượng với hệ sinh thái đất ngập nước với nhiều loài chim, khỉ, dơi ở Vườn quốc gia U Minh Thượng... Tôi thích trải nghiệm bơi xuồng dưới tán rừng tràm, hít thở không khí trong lành. Gia đình tôi mua mật ong và mắm cá lưỡi trâu về làm quà cho bạn bè, người thân. Sản phẩm chất lượng, giá hợp lý”.
|
Đồng cỏ lao trong vườn Quốc gia U Minh Thượng mùa này thu hút khách tham quan. |
Giải pháp đồng bộ
Trong định hướng phát triển du lịch U Minh Thượng, phát triển du lịch sinh thái gắn việc tham quan các cơ sở sản xuất thủ công; mở dịch vụ bơi thuyền trên các kênh, rạch tại một số điểm trong rừng; xây dựng các điểm câu cá, vui chơi, giải trí và thưởng thức đặc sản địa phương... là những giải pháp mà huyện chú trọng thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng Võ Thị Tuyết Nhung cho biết: “Huyện được đầu tư kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch được quan tâm đầu tư tôn tạo, nâng cấp và xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho huyện. Thị trường du lịch của huyện được mở rộng, sản phẩm du lịch phát triển cả về số lượng và chất lượng”.
Mặc dù U Minh Thượng có điều kiện thuận lợi phát triển du lịch nhưng kết quả đạt được chưa tương xứng tiềm năng và lợi thế. Du lịch U Minh Thượng mới ở giai đoạn khởi đầu nên công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản và quy hoạch phát triển du lịch chưa được quan tâm. Công tác bảo tồn đa dạng sinh học của Vườn quốc gia U Minh Thượng chưa đảm bảo, sản phẩm du lịch ít...
Để đưa du lịch huyện U Minh Thượng phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế, huyện U Minh Thượng đề ra nhiều giải pháp gồm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư homestay, cơ sở lưu trú, nhà hàng; xây dựng chương trình văn hóa ẩm thực, đờn ca tài tử, hoạt động du lịch đua xuồng, trò chơi dân gian... kết hợp tham quan các điểm chùa, di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh để tìm hiểu phong tục, tập quán, văn hóa ẩm thực của đồng bào Khmer...
“Huyện đầu tư phát triển du lịch sinh thái gắn tham quan cơ sở sản xuất thủ công như nuôi ong lấy mật, thưởng thức rượu trái giác và các món ăn dân dã cá đồng và rau rừng; kết nối các tour trong huyện liên kết vùng với các địa bàn, điểm đến du lịch trong và ngoài tỉnh trải nghiệm hoạt động truyền thống của người dân U Minh Thượng mang đậm nét đặc trưng của người dân Nam bộ như canh tác lúa nước, đánh bắt cá truyền thống, gác kèo ong, làm bánh truyền thống...”, đồng chí Võ Thị Tuyết Nhung nói.