“Ớt bột chứa chất gây ung thư”: Hàng không xuất xứ vẫn bán tràn lan

Google News

Sau công bố chính thức của Bộ NN&PTNT về việc “nhiều mẫu ớt bột chứa chất gây ung thư” nhưng thực tế hoạt động mua bán ớt bột không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường vẫn diễn ra nhộn nhịp.

“Ot bot chua chat gay ung thu”: Hang khong xuat xu van ban tran lan
 Ớt bột Hàn Quốc được PV mua tại siêu thị BigC và ớt ta mang màu sắc khác nhau. Ảnh: B.Loan.
Mua - bán ớt bột bằng niềm tin
Theo Bộ NN&PTNT có đến 95/262 mẫu ớt bột phát hiện có dư lượng Aflatoxin (chất gây ung thư), song ghi nhận thực tế của PV Báo Gia đình & Xã hội cho thấy, tại các chợ bán lẻ, nhiều mẫu ớt không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán tràn lan.
Là người thường xuyên tự tay làm kim chi phục vụ các bữa cơm gia đình, chị Nguyễn Thị Hân (29 tuổi, ở Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội) tiết lộ: “Tôi là người thích ăn kim chi và thường tự tay mua nguyên liệu về chế biến, kim chi tôi làm phải có cả ớt Hàn Quốc và ớt bột ta, thì cho màu rất đẹp, đủ vị cay. Ớt cũng là gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn của gia đình tôi”.
Cũng theo chị Hân: “Bây giờ ăn gì cũng sợ, rau thì có thuốc bảo vệ thực vật, thịt thì có thuốc tăng trọng... Bấy lâu nay tôi cứ nghĩ rằng, đồ khô sẽ ít nguy hiểm. Nhưng kết quả kiểm nghiệm của Bộ NN&PTNT khiến gia đình tôi phải giật mình. Hiện chỉ có ớt bột bị công khai “danh tính”, tôi không loại trừ các loại bột khô và thực phẩm khô khác cũng bị nhiễm Aflatoxin(!)”.
Điều đáng nói là không ít sản phẩm ớt bột đang bán trên thị trường là sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ghi nhận của PV tại chợ Quan Nhân (Q. Cầu Giấy) cho thấy, ớt bột không rõ nguồn gốc, không nhãn mác được bán tràn lan tại các cửa hàng bán lẻ đồ khô. Theo bà Nguyên, một tiểu thương bán đồ khô tại đây cho biết: “Có nhiều loại ớt bột được bán với nhiều mức giá khác nhau, từ 25.000 đồng/kg đến gần 400.000 đồng/kg. Làm Kim Chi thì khách thường lựa chọn ớt có xuất xứ từ Hàn Quốc, giá từ 250.000 - 300.000 đồng/kg. Nói là ớt Hàn Quốc nhưng theo quan sát của PV trên các túi nilong đóng ớt bột đều trống trơn không có dòng chữ nào thể hiện đó là ớt Hàn Quốc”.
Tiếp tục trong vai người cần mua ớt bột làm kim chi, chị Hoàn, một tiểu thương tại chợ Chính Kinh (Thanh Xuân) cho biết: “Ớt ta và ớt Hàn đều có 2 loại là loại bột tán mịn và loại có cánh. Ớt mịn được xay tán thành bột rất mịn, còn loại cánh to thì được xay giữ nguyên hạt. Những loại ớt này, cửa hàng chúng tôi đều được các cơ sở sản xuất trực tiếp đến giao bán”. Tuy nhiên, khi PV hỏi giấy chứng nhận của các cơ sở bán hàng thì chị Hoàn đổi giọng: “Có mua không mà hỏi nhiều thế, tôi ngồi đây chứ có phải nay chỗ này, mai chạy chỗ kia đâu mà nghi ngờ. Ớt nào thì tôi nói ớt đấy, không tin thì đừng mua”. “Vì em không thấy chữ trên vỏ nhãn”- PV gặng hỏi. “Muốn có chữ thì có chữ ngay chứ khó gì, mua bán bây giờ tin nhau là chính. Người ta muốn làm giả thì cô có phát hiện được không?”, chị Hoàn lớn tiếng.
Có mặt tại siêu thị BigC, PV dễ dàng tìm được nhiều gói ớt bột đóng sẵn trên các kệ bày thực phẩm khô. Theo một nhân viên, ớt được bán ở đây chủ yếu có xuất xứ từ Hàn Quốc, giá bán là 350.000 đồng/kg. Ớt được sang chiết thành nhiều túi nilong nhỏ, tùy theo khối lượng được đóng sẵn mà có giá khác nhau. Quan sát bằng mắt thường cho thấy, loại ớt bột có xuất xứ từ Hàn Quốc, được bán tại siêu thị BigC có màu đỏ tươi, trong khi đó, ớt xuất xứ từ Việt Nam được các tiểu thương giao bán lại có màu đỏ nghệ vàng.
Tích lũy lâu ngày có thể gây ung thư
“Ot bot chua chat gay ung thu”: Hang khong xuat xu van ban tran lan-Hinh-2
 Ớt bột được các tiểu thương sang chiết vào hộp nhựa nhỏ bán dần.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Sinh học - Công nghệ Thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết: “Aflatoxin là một độc tố vi nấm, xuất hiện khi nguyên liệu bị nấm mốc. Rất ít trường hợp Aflatoxin gây ra ngộ độc cấp tính, nhưng nếu dùng thường xuyên thì vi nấm sẽ nhiễm dần vào trong cơ thể, tích lũy lâu ngày gây ung thư”.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: “Vi nấm mốc xuất hiện từ khâu thu hoạch, phơi chưa đủ khô hoặc ở khâu bảo quản. Trong quá trình bày bán mà gặp thời tiết nồm ẩm cũng rất dễ nhiễm Aflatoxin. Tuy nhiên, nếu khâu sản xuất đảm bảo được các yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSTP và khâu bảo quản tốt, thì sẽ không có vi nấm mốc.
Đặc điểm của vi nấm mốc Aflatoxin là bị phân hủy dưới ánh nắng mặt trời, chính vì vậy, muốn bảo quản tốt, chỉ bằng cách đem phơi thật khô. Không chỉ riêng ớt bột, vi nấm mốc dễ dàng xuất hiện ở nhiều loại thực phẩm sấy khô khác như thóc, gạo, ngô, đỗ, lạc… Vi nấm Aflatoxin không thể nhận biết bằng mắt thường. Với các loại thực phẩm sấy khô, có thể nhận biết vi nấm mốc Aflatoxin trực tiếp bằng khứu giác. Tuy nhiên, riêng với ớt bột thì phải bọc ớt bằng khăn giấy hoặc túi vải khô rồi dùng mũi ngửi. Cách làm này để tránh bột ớt có thể gây sộc mũi và ảnh hưởng đến phổi”.
Ngay sau khi kết quả kiểm nghiệm các mẫu ớt bột được công bố, Thanh tra Bộ cùng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản; Cục An ninh kinh tế Nông, lâm, ngư nghiệp (A86) đã nhanh chóng tiến hành xác minh. Theo đó, các đoàn kiểm tra đã tập trung kiểm tra điều kiện bảo quản ớt khô nguyên liệu, ớt bột khô sau chế biến và ớt bày bán tại cơ sở kinh doanh (các chợ, siêu thị) tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, TP.HCM, Đồng Tháp… Đồng thời, tiến hành lấy mẫu phân tích chỉ tiêu an toàn thực phẩm Aflatoxin B1 và Aflatoxin tổng số. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã lập biên bản xử phạt 5 cơ sở vi phạm các điều kiện đảm bảo sản xuất, mức phạt là110 triệu đồng. Đồng thời buộc thu hồi và tiêu hủy toàn bộ số hàng vi phạm còn tồn trên thị trường và chịu mọi kinh phí cho việc thu hồi và tiêu hủy hàng vi phạm. Ngoài ra, thông báo cho BQL các chợ tiến hành xử lý, đình chỉ kinh doanh những sản phẩm ớt bột có dư lượng Aflatoxin vượt ngưỡng.
Theo Bảo Loan/Giadinh.net

>> xem thêm

Bình luận(0)