Nuôi loài thú cả đời không uống nước, bán làm đặc sản

Google News

Ông Nguyễn Văn Thắng (ở thôn Phú Quang, xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) đã mạnh dạn đưa con dúi đặc sản về nuôi thử.

Người đầu tiên đưa con dúi về làng, làm chuồng nuôi dúi
Dẫn chúng tôi đi tham quan chuồng nuôi dúi, ông Nguyễn Văn Thắng (ở thôn Phú Quang, xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ, trước đây ông đã từng làm qua nhiều nghề nhưng không nghề nào đem lại hiệu quả.
Cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn khiến ông trăn trở tìm một hướng đi mới, con nuôi mới để cải thiện kinh tế
Khoảng 3 năm trước, ông Thắng tình cờ biết đến mô hình nuôi dúi (hay còn gọi là chuột nứa, chuột tre) khá mới mẻ. Qua tìm hiểu, ông thấy nuôi dúi có ưu thế vượt trội so với các giống vật nuôi truyền thống như bò, lợn, gà...
Con dúi có giá trị kinh tế cao, vốn đầu tư thấp và đặc biệt thị trường rất rộng mở. Con dúi hiện nay thị trường còn tiềm năng, món thịt dúi là món đặc sản ở các nhà hàng, khách sạn, quán ăn.
heo ông Thắng, dúi là động vật sống trong môi trường hoang dã khi đưa vào nuôi nhốt đòi hỏi người nuôi phải nắm rõ được kỹ thuật và cũng như hiểu được các tập tính sinh trưởng của loài dúi.
Ông Thắng chia sẻ, vì là người đầu tiên trong vùng đem con dúi về nuôi, nên ông phải tự tìm tòi các kỹ thuật nuôi dúi qua sách báo, mạng internet.
Ông bỏ công tìm hiểu về loại gặm nhấm đặc biệt này, có khi cả đêm không ngủ theo dõi các quy luật hoạt động, tập tính sinh học, bản năng loài cũng như quá trình sinh trưởng của con dúi.
Nuoi loai thu ca doi khong uong nuoc, ban lam dac san
Ông Nguyễn Hữu Đồng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa (đứng giữa) tham quan mô hình nuôi dúi của gia đình ông Nguyễn Văn Thắng (ở thôn Phú Quang, xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: Lương Hà 
"Thời gian đầu, tôi chỉ nuôi hơn 20 con dúi để lấy kinh nghiệm. Để đảm bảo các điều kiện theo quy định pháp luật, tôi đã chủ động xin giấy chứng nhận đăng ký nuôi động vật hoang dã theo quy định của pháp luật về kiểm lâm", ông Thắng nói.
Nuoi loai thu ca doi khong uong nuoc, ban lam dac san-Hinh-2
Theo ông Thắng, dúi có giá trị kinh tế cao, vốn đầu tư thấp và đặc biệt thị trường rất rộng mở. Ảnh: Lương Hà 
Nhờ sự kiên trì và tích cực học hỏi, đàn dúi của ông Thắng dần sinh trưởng khỏe mạnh. Ông tiếp tục bắt tay vào đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, tự nhân giống, mở rộng quy mô đàn lên hàng trăm con.
Nuoi loai thu ca doi khong uong nuoc, ban lam dac san-Hinh-3
Chuồng nuôi dúi được làm bằng các viên gạch men cỡ lớn khoảng 50cm ốp xung quanh tạo thành các ô vuông chắc chắn, nền đổ xi măng để tránh để dúi bò ra ngoài hoặc cắn thủng chuồng. Ảnh: Lương Hà 
Theo ông Thắng, dúi là loài động vật rất nhát, chúng không thích tiếng động, không ưa ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp. Do đó, môi trường nuôi phải phù hợp với tập tính sinh trưởng vốn có của chúng.
Ông Thắng làm chuồng nuôi dúi bằng các viên gạch men cỡ lớn khoảng 50cm ốp xung quanh tạo thành các ô vuông chắc chắn, nền đổ xi măng để tránh để dúi bò ra ngoài hoặc cắn thủng chuồng.
Đồng thời, ông che chắn ở mức độ phù hợp để tạo độ râm mát, giống với môi trường hang ổ dưới lòng đất sẽ giúp dúi sinh sản đều, lớn nhanh.
Chia sẻ về kỹ thuật nuôi dúi, ông Thắng cho biết, thức ăn của con dúi chủ yếu là tre, mía, cỏ voi, ngô, sắn… Mỗi ngày chỉ cần cho dúi ăn một lần vào chiều tối, không nên cho ăn quá nhiều khiến con vật tích lũy quá nhiều mỡ. Thức ăn của dúi phải đảm bảo khô ráo, sạch sẽ, phòng bệnh đường ruột và bệnh ngoài da.
"Dúi ăn dễ, lại không cần uống nước nên khá sạch sẽ. Phân dúi cũng không hôi, vì thế việc cho ăn và vệ sinh chuồng trại rất dễ dàng. Nhưng phải đảm bảo dúi ăn hết thức ăn, tránh dư thừa gây nấm mốc, mầm bệnh cho dúi", ông Thắng cho hay.
Ông Thắng cũng cho biết thêm, dúi sinh sản khá nhanh, trung bình mỗi năm dúi mẹ sinh 3 - 4 lứa, mỗi lứa từ 3 - 5 con. Thời gian sinh sản của dúi rất ngắn, kể từ khi giao phối đến khi sinh sản là 45 ngày. Dúi con nuôi được 45 ngày thì có thể tách mẹ, sau 3 - 4 tháng nuôi có thể bán làm giống và 10 tháng trở đi có thể xuất bán thịt.
Thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm nhờ nuôi dúi
Sau gần 2 năm gắn bó với nuôi dúi, đến nay ông Thắng đã xây dựng 4 khu chuồng trại có diện tích trên 200m2 để nuôi khoảng 500 con dúi, trong đó có 300 con dúi bố mẹ.
Cũng theo ông Thắng, nuôi dúi rất đơn giản, không tốn công sức nhiều như chăn nuôi các loại vật nuôi truyền thống khác, mà hiệu quả kinh tế lại cao gấp nhiều lần.
Ông Thắng cho rằng: "Nuôi dúi mang lại kinh tế cao, không lo sợ quá lứa hay giá thức ăn tăng, càng để lại nuôi thì chúng càng lớn, thậm chí để lại cho sinh sản cũng vô tư...".
Thịt dúi là món ăn ngon, bổ dưỡng được nhiều nhà hàng, quán ăn tự tìm đến trại để đặt mua. Ngoài các nhà hàng trong tỉnh, nhiều tiểu thương các tỉnh ngoài tìm đến và đặt mua thường xuyên.
Hiện tại với giá bán một cặp dúi giống là 1,4 triệu đồng và dúi thịt khoảng 600 nghìn đồng/kg. Năm 2021, gia đình ông Thắng thu lãi hơn 200 triệu đồng sau khi đã trừ tất cả các chi phí. Kinh tế gia đình ngày một đi lên, có điều kiện để ông tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại….
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Hữu Đồng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa cho biết, mô hình chăn nuôi dúi của gia đình ông Nguyễn Văn Thắng là một mô hình mới, hiệu quả và rất phù hợp với điều kiện của địa phương, mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình.
Thời gian tới, địa phương cần tập hợp các hội viên cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề vào các chi, tổ hội nghề nghiệp.
Hướng tới thành lập HTX để xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững. Qua đó, góp phần nâng cao tư duy tự lực, năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của hội viên, tăng khả năng dẫn dắt đông đảo nông dân cùng phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.

Theo Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)