Loài cóc với vẻ ngoài sần sùi, đôi mắt lồi và những chiếc “mụn” chi chít trên lưng luôn khiến nhiều trẻ nhỏ khiếp sợ. Thậm chí trong truyện cổ tích, hình ảnh cóc cũng gắn liền với ngoại hình xấu xí. Tuy nhiên, loài xấu xí này thực chất lại là “thú cưng” giúp nhiều người đổi đời giàu có.
Tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, một nông dân có tên Viên Chính Dương đã kiếm được hơn 20 triệu NDT (68 tỉ đồng) nhờ nuôi cóc.
Tay trắng khởi nghiệp nuôi loài lưỡng cư “gớm ghiếc”
Ban đầu, Viên Chính Dương và cha mẹ sống bằng nghề trồng thảo dược. Trong một lần tình cờ, anh phát hiện ra nọc cóc và da cóc là hai loại dược liệu cổ truyền quý hiếm của Trung Quốc, có giá trị thị trường rất cao. Nhận ra đây là một cơ hội kiếm tiền tuyệt vời, anh liền quyết tâm thử nuôi cóc.
Năm 2006, anh đã mua hơn 800 con cóc để bắt đầu trang trại của mình. Sau một thời gian tự tìm tòi và thử nghiệm, anh đã thành công chiết xuất được nọc cóc. Tuy nhiên, việc thu hoạch da cóc lại khó khăn hơn nhiều.
Qua quan sát, anh nhận ra chỉ những con cóc có lớp da già màu đen và cứng mới chịu “thay da”. Thời gian chúng tự lột lớp da cũ thường là vào buổi tối. Để thu hoach được da cóc, anh Dương và cha mẹ phải ngồi canh suốt đêm để chờ chúng lột da và nhanh tay “cướp lấy”. Nếu không, cóc sẽ ăn ngay lớp da cũ sau khi lột.
Năm 2008, anh kiếm được tới 30.000 NDT (102 triệu đồng) chỉ nhờ kinh doanh da cóc. Sau đó, anh mua 10.000 con cóc để mở rộng quy mô trang trại.
Tuy nhiên, số lượng cóc lần này quá nhiều khiến các thành viên trong gia đình phải luân phiên thu hoạch da cóc, kết quả khiến tất cả mọi người đều kiệt sức.
Nhằm cải thiện tình trạng này, anh Dương đã sử dụng kích thích tố để cóc lột da nhanh hơn. Song phương pháp này đã đi ngược với quy luật sinh trưởng của cóc, khiến chất lượng da cóc không đạt tiêu chuẩn.
Cho đến một ngày, anh Dương phát hiện một bí mật “động trời”: Lũ cóc khi ở dưới nước sẽ không mở miệng để tránh bị sặc nước. Như vậy, khi chúng lột da dưới nước sẽ không thể ăn lớp da cũ.
Anh Dương ngay lập tức chuyển hết những con cóc đang có dấu hiệu “sắp lột da” xuống nước, như vậy vừa ngăn được tình trạng cóc ăn da, vừa khiến lớp da cũ nổi lên trên mặt nước, rất dễ thu hoạch. Bằng cách này, anh đã giải quyết được khối lượng công việc khổng lồ khiến cả gia đình kiệt sức trước đó.
Chỉ tốt nghiệp cấp 3 nhưng tự chế ra máy cho cóc ăn tự động
Đến năm 2010, anh Dương đã kiếm được hơn 200.000 NDT (681 triệu đồng) nhờ trang trại cóc. Sau đó, quy mô chăn nuôi đã lên đến hơn 40.000 con. Tuy nhiên, những con cóc chỉ ăn giun đất, khiến chi phí chăn nuôi tăng lên khá nhiều.
Để giảm bớt chi phí, anh bèn tìm cách thuần hóa cóc để chúng ăn thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, anh còn tự chế một chiếc máy cho cóc ăn tự động, nhờ vậy vừa tiết kiệm công sức vừa giúp giảm chi phí chăn nuôi hiệu quả.
Nhờ hàng loạt những cải tiến và giải pháp sáng tạo, đến năm 2012, anh Dương đã kiếm được hơn 1 triệu NDT nhờ nguồn nọc cóc và da cóc chất lượng, năng suất cao.
Sau đó, anh thành lập thêm 3 cơ sở nuôi cóc với quy mô lớn và được tiêu chuẩn hóa. Đến năm 2022, tổng số cóc đến từ các trang trại của anh Dương đã vượt quá 500.000 con, mỗi năm cho hơn 3 triệu tấm da cóc và 2 tấn nọc cóc. Anh nông dân ngày nào đã trở thành ông chủ lớn khi kiếm được hơn 20 triệu NDT (68 tỉ đồng)/năm.