Đam mê cá cảnh từ thuở nhỏ
Không treo bảng hiệu, không quảng cáo rầm rộ, nhưng trại cá cảnh của anh Nhật vẫn có đông người đến hỏi mua. Từ nhiều năm nay, đây là địa chỉ cung cấp cá hà lan chất lượng, uy tín cho người chơi, đặc biệt là những tín đồ mê cá tại Đà Nẵng, Quảng Nam.
Bận rộn trả lời những cuộc điện thoại từ khách hàng, nhưng anh Nhật vẫn niềm nở trò chuyện cùng PV.Dân Việt, anh nói: "Mấy nay khách cứ gọi hỏi có cá không, nhưng vì đợt Tết tôi xuất bán hơn nửa trại nên hiện giờ đang gầy lại đàn, không đủ số lượng đáp ứng các đơn hàng lớn. Đành phải hẹn khách khoảng 1 tuần nữa thì cỡ nào cũng có".
Trước áp lực công việc và guồng quay cuộc sống hiện đại, anh Nhật nhớ về thú vui thời thơ ấu, cùng lũ bạn trong xóm se sua từng con cá hà lan, mang cá đi chọi giữa trưa hè.
Thế là anh tìm mua vài cặp cá hà lan về nuôi với ý nghĩ ban đầu để giải trí, "xả stress". Dần dà, đàn cá sinh sôi nảy nở mạnh, anh Nhật nhận thấy thị trường của dòng cá hà lan cũng ngày càng rộng mở, nhiều người tìm mua trên các diễn đàn, mạng xã hội, nên anh đã mở rộng quy mô, bắt đầu thực hiện mô hình kinh doanh cá hà lan từ năm 2019.
Thuận lợi từ công việc trong mảng quan trắc tài nguyên và môi trường, anh Nhật có sự am hiểu kỹ thuật để tạo môi trường thuận lợi cho cá sinh trưởng tốt. Qua quá trình nuôi, anh tự mày mò nghiên cứu, lai tạo giống và ương cá con để cung cấp cho thị trường.
Anh Nhật cười đùa nói: "Cá hà lan gắn liền với tuổi thơ của tôi, nên có thể nói rằng tôi 34 tuổi nhưng có kinh nghiệm nuôi cá đã 30 năm.
Muốn chơi cá được thì trước tiên mình phải biết cách chơi nước, môi trường nước đạt chuẩn thì cá hà lan mới sinh trưởng khoẻ mạnh".
Để có nguồn nước sạch phù hợp nuôi cá, anh Nhật chuẩn bị hồ chứa nước dự phòng, để qua 24 tiếng bay hơi hết khí Clo rồi mới cho vào các bể nuôi cá.
Độ pH nước từ 6-8, hàm lượng amoni càng thấp càng tốt. Ở nhiệt độ nước từ 15-30 độ C cá hà lan vẫn sinh trưởng tốt, nhưng mức nhiệt thích hợp là từ 20-25 độ C.
Anh Nhật thay đổi và vệ sinh tấm bông lọc thường xuyên để loại bỏ bụi bẩn, thức ăn thừa bám vào. Anh thay nước mỗi ngày để nguồn nước luôn sạch, không sinh ra các vi khuẩn gây bệnh cho cá. Đồng thời, bố trí ánh sáng đầy đủ, phù hợp để cá sinh trưởng, phát triển tốt, lên màu đẹp, tươi sáng hơn.
Cá hà lan có thể sống tốt không cần máy sục khí oxy, nhưng khi nuôi với quy mô lớn, số lượng nhiều thì anh phải đầu tư hệ thống sục khí, lọc nước, giàn hồ thuỷ tinh, các dụng cụ, thiết bị với chi phí đầu tư ban đầu hơn 100 triệu đồng.
Thu lãi 10 triệu đồng/tháng
Với diện tích hạn hẹp, anh Nhật tận dụng khoảng trống sau nhà và tầng thượng để làm nơi nuôi cá hà lan. Anh sắp xếp các giàn hồ theo tầng nhằm tiết kiệm diện tích nhưng vẫn đảm bảo môi trường nuôi thuận lợi.
Kích thước hồ nuôi phải phù hợp với số lượng cá, không nên nuôi mật độ dày khiến cá dễ bị "stress", nhiễm bệnh. Từ 5 hồ nuôi cá ban đầu, đến nay anh đã nhân rộng lên 40 hồ.
Anh Nhật cho hay: "Cá hà lan dễ ăn, dễ nuôi, dễ đẻ và dễ chăm sóc, nhưng không phải vì vậy mà người nuôi chủ quan, lơ là. Mình phải dành hết tâm huyết để tìm hiểu đặc tính của cá, kiên trì, chịu khó học cách "cảm nhận" được tâm trạng của nó, thì thành công mới đến".
Cá hà lan là loại ăn tạp, nên anh Nhật áp dụng chế độ ăn đa dạng để cá phát triển tốt, lên màu đẹp và mau lớn. Đặc biệt, anh Nhật tự làm thức ăn tươi từ trùn chỉ, bo bo (trứng nước), artemia hoặc hỗn hợp xay nhuyễn từ bột ngũ cốc, bột cá, vitamin… để cung cấp cho cá nhiều chất dinh dưỡng cần thiết.
Ngoài ra có thể bỏ thêm rong rêu, bèo, tảo xoắn để làm vật trang trí hồ thuỷ sinh và làm thức ăn cho cá. Riêng với cá hà lan sinh sản sẽ có chế độ ăn ít bột hơn, tăng thức ăn tươi, chất dinh dưỡng nhiều hơn giúp cá dễ tiêu hoá, mắn đẻ.
Anh Nhật chia sẻ: "Nuôi cá hà lan rất dễ, nhưng khi nuôi với quy mô lớn thì không hề đơn giản, phải tỉ mỉ và công phu để có được một lứa cá đẹp. Thường xuyên kiểm tra và theo dõi thể trạng cá, thông qua dáng bơi để biết cá có khoẻ không.
Lúc đầu, do tôi chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như cách "bắt bệnh" cho cá, nên không kịp xử lý là cá chết đồng loạt 4-5 hồ. Sau này tôi luôn chú trọng phòng bệnh hơn chữa bệnh, vì một khi cá đã biểu hiện bệnh ra ngoài thì rất khó chữa khỏi".
Người nuôi phải "hiểu" được đặc tính của cá, đối với cá hà lan trống có đặc tính tranh chấp lãnh thổ cao, vì thế người chơi có thú vui mang cá đi chọi. Cá đực có vây lưng và vây hậu môn dài hơn cá mái.
Cá mái có bụng to và tròn hơn, mắn đẻ và dễ sinh sản. Anh Nhật chọn cá mái khoẻ, to, thân hình đầy đặn, màu sắc đẹp để tạo cá giống. Điều đặc biệt ở cá hà lan mái là cá đẻ con và chỉ thụ thai một lần nhưng đẻ 2-3 lần, mỗi lần từ 100-200 con.
Tuy mắn đẻ nhưng cá hà lan không phân biệt được cá con và mồi ăn, nên sẽ ăn thịt con mình. Để đảm bảo số lượng đàn, anh Nhật bố trí chùm dây ni lông hoặc lưới để cá con trú ẩn, đợi khi chúng lớn hơn sẽ vớt ra hồ riêng.
Cá nuôi từ 3-5 tháng là có thể xuất bán, với giá chỉ từ 5.000-30.000 đồng/con (tuỳ vào kích thước). Khách hàng của anh chủ yếu tại TP.Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nha Trang….
Từ nghề tay trái nuôi cá hà lan, anh Nhật có thêm nguồn thu nhập 10 triệu đồng mỗi tháng. Hiện nay, anh đang đầu tư mở thêm một trại cá thuỷ sinh nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.