Con thích gặm tre, đẻ sòn sòn mà anh nuôi, đó là dúi, con đặc sản hiện nay.
Thất bại liên tiếp từ nuôi con thích gặm tre
Trại nuôi con thích gặm tre, đẻ sòn sòn của anh Thắng nằm sau nhà ở, bên cạnh là nương chè xanh mơn mởn. Khi chúng tôi đến, anh Thắng đang chẻ tre ở góc sân. Chỉ vào bó tre vừa chẻ xong, anh Thắng niềm nở: "Đây là món ăn khoái khẩu của đàn dúi nhà tôi đấy!". Nói rồi, anh Thắng mời chúng tôi ra bộ bàn ghế cũ kỹ, kê ở góc sân, ngồi uống nước. Rót chén chè xanh mời khách, anh Thắng bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên đến với nghề nuôi dúi của mình.
"Tôi đến với nghề nuôi dúi cũng thật tình cờ. Trong thời gian làm thuê cho một bệnh viện thú y ở Hoài Đức (Hà Nội) tôi được ông chủ giao chăm sóc đàn dúi. Thú thật, khi đó, tôi có biết tí tẹo kỹ thuật nào về chăm sóc dúi đâu. Thế là tôi tự mày mò, tìm hiểu thông tin, kỹ thuật nuôi con thích gặm tre này" – anh Thắng nhớ lại.
Sau một thời gian làm thuê ở bệnh viện thú y, nhận thấy cứ tiếp tục thế này thì bao giờ mới khá giả được, anh Thắng quyết định xin nghỉ, ra ngoài khởi nghiệp với nghề nuôi dúi.
Có 2 lý do mà anh Thắng lựa chọn nuôi dúi lúc bấy giờ. Một là vì nuôi dúi cho hiệu quả kinh tế cao. Hai là, anh đã tích lũy được chút kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi dúi trong thời gian làm thuê. Năm 2018, thuê được mảnh đất ở Hoài Đức, anh Thắng bắt tay vào làm chuồng, rồi tìm mua dúi giống về nuôi.
"Đúng là "vạn sự khởi đầu nan" tôi nếm phải "trái đắng" ngay trong lần đầu tự lập. Sau một thời gian mua về chăm sóc, 100 cặp dúi giống của gia đình cứ chết dần, chết mòn, rồi chết hết, không cặp nào sống sót. Nguyên nhân là do tôi mua phải con giống không tốt" – anh Thắng kể.
Thất bại lần đầu càng thôi thúc anh Thắng quyết tâm hơn. Rút kinh nghiệm từ lần trước, lần này anh tìm đến những cơ sở có uy tín, lựa chọn mua những cặp dúi giống có chất lượng về nuôi. Chọn được con giống tốt, anh Thắng tự tin chăm sóc, cho ăn mỗi ngày.
Thế nhưng "trời không chiều lòng người" đàn dúi nhà anh bỗng nhiên mắc bệnh, chết một nửa. Nửa còn lại vẫn còn khỏe mạnh, anh Thắng phải bán đi vì sợ lây bệnh.
Năm 2020, trở về quê nhà ở Tân Uyên, anh Thắng vẫn không chịu từ bỏ nuôi dúi. Anh tiếp tục vay mượn, làm chuồng, rồi mua 300 cặp dúi giống về nuôi ngay tại quê mình. Không chết, không bị bệnh như 2 lần trước, nhưng đàn dúi nhà anh lại chậm lớn.
Sau nhiều đêm trăn trở, anh Thắng mới tìm ra nguyên nhân khiến đàn dúi nhà anh phát triển chậm là do chuồng trại không đảm bảo. Tìm ra nguyên nhân, anh Thắng không chần chừ mà gọi người bán sạch cả đàn dúi, rồi phá chuồng xây lại.
Thu hàng trăm triệu đồng từ nuôi con đẻ sòn sòn
Cuối năm 2021, sau khi làm lại chuồng, anh Thắng tiếp tục mua 100 cặp dúi giống về nuôi. Chuồng nuôi dúi được anh Thắng xây dựng khá bài bản và khoa học. Trên diện tích gần 200m2, anh Thắng xây kín xung quanh bằng gạch 3 vanh.
Thay vì lần trước chỉ lợp 1 lớp mái tôn lạnh, lần này ngoài lợp tôn lạnh, anh Thắng còn làm trần, cũng bằng tôn lạnh. Anh Thắng bố trí quạt hút gió, hút mùi ở xung quanh và đặt quạt điều hòa ở góc chuồng. Trại nuôi dúi của anh Thắng được chia thành nhiều ô nhỏ, kích thước phù hợp với từng lứa tuổi của dúi.
Chia sẻ với Dân Việt kĩ thuật chăm sóc dúi, anh Thắng vui vẻ nói: "Nuôi dúi đòi hỏi khá khắt khe về kĩ thuật. Vật nuôi này ưa sạch, vì vậy thức ăn, thức uống phải đảm bảo sạch sẽ, nếu không chúng rất dễ mắc bệnh. Chuồng trại nuôi nhốt cũng phải đảm bảo, không quá nóng, cũng không quá lạnh. Nóng hay lạnh quá, đàn dúi sinh trưởng phát triển chậm. Nhiệt độ thích hợp cho đàn dúi là từ 20 – 30 độ C".
Theo anh Thắng, nuôi dúi quan trọng nhất là phải chọn được con giống tốt, khỏe mạnh. Vấn đề nữa cũng không kém quan trọng, đó là chuồng trại phải đảm bảo, thức ăn phải sạch sẽ. Công tác phòng bệnh cho dúi cũng rất quan trọng. Dúi chủ yếu mắc bệnh phổi và tiêu chảy.
"Tôi thường trộn thuốc phòng bệnh phổi vào thức ăn cho đàn dúi. Còn để phòng bệnh tiêu chảy cho dúi thì cứ cách từ 2 – 3 tháng, tôi lại cho chúng uống thuốc. Hàng ngày, tôi cho đàn dúi ăn: Tre, mía, ngô, cơm. Tùy theo độ tuổi của dúi mà tôi cho chúng ăn khẩu phần phù hợp. Lượng thức ăn của dúi tỷ lệ thuận với trọng lượng. Đối với dúi mẹ sau sinh, thì cho ăn nhiều hơn để chúng đảm bảo đủ dinh dưỡng nuôi con" – 9X Lai Châu cho biết.
Cũng theo anh Thắng, dúi rất mắn đẻ. Mỗi năm, dúi cái sinh sản 3 lứa, mỗi lứa từ 3 – 5 con. Dúi nuôi khoảng 12 tháng thì bắt đầu sinh sản. Thời gian chửa đẻ của dúi từ 45 – 50 ngày. Sau khoảng 50 ngày thì có thể tách dúi con ra khỏi mẹ.
Chăm sóc, cho ăn đầy đủ, đàn dúi nhà anh Thắng sinh trưởng, phát triển tốt, sinh sản đều đặn. Dúi con sau khi tách mẹ, anh Thắng giữ lại một số để nhân đàn, số còn lại anh bán ra thị trường. Tính từ đầu năm đến nay, anh Thắng đã bán ra thị trường 200 cặp dúi giống. Bán dúi giống với giá dao động từ 1,8 – 2 triệu đồng/cặp, anh Thắng thu trên dưới 400 triệu đồng.
Sau những thất bại liên tiếp, anh Thắng giờ đã có thể mỉm cười với thành công bước đầu từ nghề nuôi dúi. Anh Thắng dự định, thời gian tới sẽ tiếp tục tăng đàn dúi của gia đình, để vừa bán dúi giống, vừa cung cấp dúi thương phẩm ra thị trường.