Không tốn nhiều công chăm sóc và diện tích chuồng trại nhưng mô hình mang lại cho ông nguồn thu nhập cao, ổn định.
Từ năm 1992, ông Bảo công tác trong ngành Công an. Do hoàn cảnh gia đình phải chăm sóc mẹ và vợ bị bệnh, ông quyết định về hưu sớm 6 năm.
Trước đây, ngoài công tác chuyên môn, ông Bảo tranh thủ thời gian canh tác lúa.
Tuy nhiên, với 1,5ha lúa của gia đình, gần 1ha thuê, dù trúng mùa thì mỗi vụ cũng chỉ thu nhập khoảng 30 triệu đồng.
|
Ông Trần Vũ Bảo (ấp 1, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) thành công với mô hình nuôi chồn hương.
|
Lúc này, ông Bảo suy nghĩ: “Cần phải tìm gì đó làm thêm, nếu chỉ có một nguồn thu nhập thế này thì không ổn”.
Tình cờ xem trên mạng thấy mô hình nuôi chồn hương ở miền Tây mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông xuống tận nơi tham quan, học hỏi.
Đầu năm 2022, sau khi tham khảo ý kiến gia đình, ông đến cơ quan chức năng xin giấy phép chăn nuôi (do chồn hương là động vật hoang dã nhóm IIB) rồi mua 5 con giống với giá 70 triệu đồng.
Khi mới bắt đầu, dù đã tìm hiểu nhiều về kỹ thuật nuôi nhưng ông Bảo cũng gặp không ít khó khăn, nhất là trong khâu phối giống cho chồn hương.
Con đực mua đầu tiên không bảo đảm chất lượng nên phải mua con khác thế vào.
Theo ông Bảo, khi chọn con giống phải biết rõ nguồn gốc con bố mẹ. Ngoài ra, người nuôi phải biết kết hợp nhiều yếu tố khác như nguồn thức ăn, kỹ thuật làm chuồng,...
Khi đã có kinh nghiệm, ông nhận thấy chồn hương là loài dễ nuôi, ít bệnh. Thức ăn của chồn là những loại rất dễ kiếm như chuối, mít, cá, ếch,...
Chồn là loài thức đêm, ngủ ngày. Khi chồn mẹ sinh con, người nuôi tránh làm ồn, hạn chế tiếp xúc trong thời gian đầu vì khi đó chồn mẹ sẽ tha con đi gây trầy xước thậm chí chết chồn con. Biết được những đặc tính cơ bản này thì việc nuôi chồn hương khá dễ dàng.
Chỉ hơn 1 năm, ông Bảo đã có thể thu hồi vốn. Từ 5 con giống ban đầu, đến nay, trại chồn hương của ông có hàng chục cá thể chồn bố mẹ và chồn hậu bị.
Chồn đực thương phẩm nuôi 6 tháng giá dao động từ 1,5-2 triệu đồng/kg. Chồn cái nuôi 3 tháng bán từ 7-8 triệu đồng/con.
Do đã có kinh nghiệm nên việc nuôi chồn hương đối với ông Bảo trở nên đơn giản hơn.
Ông có nhiều thời gian để tham gia công tác tại địa phương. Ông hiện là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 1 (xã Nhựt Chánh).
Ông Bảo chia sẻ: “Nếu ai có nhu cầu nuôi chồn hương, tôi sẽ cung cấp con giống và hỗ trợ kỹ thuật, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi”.
Trong tương lai, ông Bảo có kế hoạch mở rộng trại chồn hương lên 2.500m2, kết hợp mô hình VAC. Với những thành tích đã đạt, ông được Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức (tỉnh Long An)- Nguyễn Trung Dũng, nuôi chồn hương là mô hình mới ở địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao và ông Trần Vũ Bảo đã thành công với mô hình này.
Đến nay, toàn xã có 7 hộ nuôi và đều có kết quả khả quan. Dự kiến, tháng 6 tới, Hội sẽ ra mắt Chi hội Nuôi chồn hương xã Nhựt Chánh để liên kết những hộ nuôi với nhau, sẵn sàng cung cấp sản phẩm khi thị trường yêu cầu.