Nghề lạ ở Việt Nam: Bỏ công việc ổn định về nuôi loài thú lạ, cho ăn rau củ, vốn ít mà lãi tiền tỷ mỗi năm

Google News

Nhờ hiệu quả kinh tế cao từ mô hình nuôi chồn hương, người nông dân thu về hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng mỗi năm.

Đến với trang trại của ông Phạm Văn Tuấn (45 tuổi, ngụ Bình Thủy, TP.Cần Thơ), nhiều người không khỏi choáng ngợp khi chứng kiến hơn 200 con chồn hương nằm ngủ say sưa trong tiếng nhạc trữ tình, nhạc thiền. Với mô hình chăn nuôi độc đáo này, ông Tuấn đã bén duyên với nghề nuôi chồn hương này đã nhiều năm nay.

"Trại nuôi nằm ven đường lộ, nhiều xe cộ qua lại gây nên tiếng ồn dễ làm cho chồn hoảng sợ. Từ đó, tôi nghĩ ra "chiêu độc" cho chồn nghe nhạc trữ tình và nhạc thiền để giảm bản chất hoang dã, hung dữ, đặc biệt là chồn mẹ đang nuôi con", ông chia sẻ.

Mỗi năm, ông Tuấn xuất bán hàng trăm con chồn giống với giá 10 triệu đồng/cặp (con đực 4 triệu, con cái 6 triệu đồng/con). Nhờ đó, ông có thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm.

Ông Tuấn thu tiền tỷ mỗi năm nhờ trại nuôi chồn hương.

Từng là một công chức nhà nước, ông Tuấn ban đầu chỉ tính nuôi một vài con chồn hương để giải trí sau giờ làm. Trong suốt quá trình nuôi, nhận thấy loài này sinh sản tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên quyết định nghỉ việc, đầu tư lớn làm trại nuôi. Tận dụng diện tích nhà còn trống, ông xây dựng chuồng trại, xin cấp giấy chứng nhận nuôi động vật hoang dã. Ông tìm mua 60 con chồn cái từ trại ở Bình Dương về nhân đàn. Sau gần 5 năm chịu khó tìm tòi và học hỏi, ông nhân đàn thành công và sở hữu trại nuôi gần 200 con hiện nay.

Tuy là loài hoang dã, dễ ăn nhưng qua tay ông Tuấn, chồn hương được thiết kế chế độ ăn phù hợp để tránh bệnh vặt. "Chồn thích ăn chuối, mít, nhưng trái cây chín độ ngọt nhiều, ăn nhiều sẽ chuyển hóa thành đường làm chồn bị béo phì. Vậy nên, chồn từ 6 tháng trở đi, tôi chủ yếu cho ăn cá sống, đầu chuột qua sơ chế", ông cho biết.

Với nguồn thức ăn này, trại nuôi của ông Tuấn giảm được đáng kể chi phí thức ăn, một ngày có khi chỉ tốn chục nghìn đồng. Chồn nuôi khoảng 9 tháng có thể sinh sản. Tuy nhiên, ông Tuấn thường bỏ 3 lần chồn lên giống để khả năng sinh sản đạt kết quả tốt hơn. Mỗi năm, loài này đẻ 3 lứa, mỗi lứa 2 - 5 con.

Do bản tính dễ ăn, ông Tuấn không tốn nhiều chi phí thức ăn cho chồn hương.

Trong chuồng trại chồn hương, ông Tuấn thiết kế thành những khu riêng biệt dành cho chồn sinh sản, chồn hậu bị và chồn con. Để chăn nuôi đạt hiệu suất tốt nhất, ông không ngại đầu tư hệ thống lồng nuôi hiện đại, quây lưới sắt, hệ thống dẫn nước uống trực tiếp đến từng chuồng, dọn dẹp chất thải hàng ngày để tránh bệnh cho vật nuôi và mùi hôi đến gia đình và hàng xóm xung quanh.

Cũng thử sức với mô hình nuôi chồn hương, trại nuôi của anh Võ Văn Tiến (ấp Xóm Đình, xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) hiện nay đã đi vào ổn định. Năm vừa rồi, anh Tiến thu về hơn 200 triệu đồng tiền lời từ loài vật nuôi này.

Năm 2014, anh Tiến chỉ tính nuôi cho vui, nhưng càng tìm hiểu càng thấy chồn hương vừa dễ nuôi, lại cho lợi nhuận cao nên tìm mua giống tốt để về mở rộng mô hình.

Chuồng nuôi được anh Tiến tự thiết kế riêng để phù hợp với tập tính của loài này.

Tương tự như mô hình trại của ông Tuấn, trại nuôi của anh Tiến được chia ra thành hai khu riêng biệt: chồn thương phẩm (nuôi lấy thịt) và chồn giống. Đối với khu nuôi chồn giống, anh Tiến cách ly hoàn toàn để hạn chế tiếng ồn và nguy cơ lây bệnh để đảm bảo duy trì giống. Chồn hương ở trang trại được nuôi trong những cái chuồng có 2 tầng, mỗi tầng cao từ 0,7 - 0,8m bằng gỗ kiên cố bao quanh bằng lưới sắt B40, cửa có then cài thật chắc chắn để chồn không chui ra ngoài được. Anh Tiến cho ăn chủ yếu là các loại côn trùng (kiến, mối), chim, chuột hay các loại bò sát (rắn, thằn lằn) và một số loại quả (đu đủ, chuối chín, cà phê…) hoặc cơm.

“Điều quan trọng nhất để nuôi được loài này đó chính chú ý đến cách chăm sóc, áp dụng đúng kỹ thuật về vệ sinh chuồng trại, chế độ ăn uống để phòng bệnh cho chồn hương. Hiện nay trang trại của tôi đang có 80 cặp chồn bố, mẹ với chu kỳ sinh sản mỗi năm cho 02 lứa, mỗi lứa từ 3 - 7 con chồn con”, anh Tiến chia sẻ. 

Để chồn hương thương phẩm đạt hiệu quả, anh Tiến luôn chú trọng đến việc vệ sinh chuồng trại và chế độ ăn uống.

Hiện nay, anh Tiến bán chồn hương giống (khoảng 3 tháng tuổi trở lên) với giá từ 10 triệu đồng/cặp trở lên tùy theo kích thước và trọng lượng. Chồn hương thương phẩm (từ 2,5kg trở lên) được bán với giá từ 1,4 triệu đồng - 1,5 triệu đồng/kg. Anh Tiến thu lợi nhuận từ 150 - 200 triệu đồng/năm trở lên từ mô hình nuôi chồn hương. Anh cho biết sắp tới sẽ tiếp tục mở rộng quy mô trang trại nuôi chồn hương của mình và có ý tưởng sẽ kêu gọi một số người thân, bạn bè để tham gia nuôi chồn hương để hướng đến thành lập tổ hợp tác hoặc hợp tác xã nuôi chồn hương.

H.A

Bình luận(0)