Ngày trước ở miền Tây Nam bộ, trẻ em hay ra đồng bắt con cà cuống chơi. Con cà cuống, điên điển như thú cưng của trẻ con ngày ấy.
Giờ khó tìm loại "thú cưng" này trên đồng ruộng miền Tây. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng khiến cà cuống gần như tuyệt chủng...
"Lên bờ, xuống ruộng" nhân nuôi cà cuống
Một số nông dân thử nuôi cà cuống cho biết, nuôi cà cuống không khó, nhưng nhân đàn cà cuống thì không hề dễ. Bởi cà cuống là loài rất nhạy cảm với môi trường, nhất là thuốc trừ sâu. Nhiều nông dân đã bỏ mộng nuôi cà cuống ở giai đoạn này hoặc mua sẵn con giống về nuôi chứ không chờ nhân đàn.
Thực tế, khi bắt tay vào nghề nuôi cà cuống, anh Đức cũng thất bại với việc nhân đàn. Phải quyết tâm và kiên nhẫn lắm anh mới thành công với việc nhân đàn để mở rộng diện tích nuôi cà cuống.
Hiện, anh Đức đã xây dựng 45 hồ nuôi cà cuống. Mỗi hồ rộng 4m2. Nhưng anh mới chỉ sử dụng 15 hồ nuôi với khoảng 1.600 con cà cuống. Trong đó, có 600 con bố mẹ và gần 1.000 con cà cuống thương phẩm.
Anh Đức cho biết, về mật độ nuôi cà cuống thương phẩm, anh thả nuôi 200 – 250 con cà cuống thương phẩm trong hồ 4m2. Mật độ nuôi cà cuống giống là 40 con/m2.
"Nếu nuôi cá cuống mật độ dày hơn chúng sẽ cắn nhau gây hao hụt đầu con", anh Đức chia sẻ.
Về mực nước trong hồ nuôi cà cuống mới nở là 7 - 10cm. Với cà cuống trưởng thành, mực nước trong hồ 15 – 17cm nhằm tạo thuận lợi cho cà cuống săn mồi. Trong hồ nên để thêm giá thể để cá cuống làm nơi trú ngụ.
Cà cuống bố mẹ bắt cặp sau đó sẽ đẻ trứng. Cà cuống đẻ trứng giống như ốc bươu vàng. Cà cuống không tạo ổ trứng dưới nước mà bò những thân, cành cây trong ao để đẻ.
Trong nuôi nhân tạo, người nuôi cũng tạo những cọc cắm trong hồ nuôi để cà cuống bò lên tạo ổ trứng. Sau khi cà cuống đẻ trứng, anh Đức nhặt từng ổ trứng và cho vào thùng xốp để ấp. Mỗi ngày, trứng cà cuống được phun nước giữ ẩm 3 lần.
Sau 5 – 6 ngày ấp, trứng cà cuống sẽ nở. 6 giờ sau khi nở, cà cuống con đã cứng cáp và đã có thể săn mồi. Sau 4 lần lột xác, cà cuống có cánh. Anh Đức lựa cà cuống có cánh đưa sang hồ khác nuôi.
"Từ khi cà cuống nở đến khi thu hoạch cà cuống thương phẩm là 45 ngày", anh Đức tính.
Theo anh Đức, cà cuống là loài ăn thịt, thức ăn của cà cuống khá phong phú. Ngoài các loài động vật thủy sinh, như: Tôm, cá, ếch, nhái, lươn… cà cuống còn bắt cả các loài động vật sống trên cạn để làm thức ăn, như: Cào cào, châu chấu, dế… Tuy nhiên, món khoái khẩu nhất của cà cuống là nòng nọc.
Bởi vậy, trong trại nuôi cà cuống, anh Đức có cả khu nuôi ếch lấy nòng nọc làm thức ăn cho chúng. Theo anh Đức, bằng cách này anh đã tiết kiệm được 30% chi phí thức ăn cho cà cuống.
Nuôi cà cuống làm giàu
Anh Đức chia sẻ, nhìn chung nuôi cà cuống không khó. Bên cạnh đó, nuôi cà cuống vốn đầu tư ít, thức ăn dễ tìm, giá cao, thị trường không cạnh tranh.
Anh Đức cho biết, năm 2020 anh nuôi cà cuống thì năm sau anh đã có cà cuống thương phẩm bán ra thị trường. Hiện, thị trường cà cuống của anh trải dài từ Bắc vào Nam. Khách hàng chủ yếu là nhà hàng, quán ăn.
Mỗi tháng anh Đức cung cấp ra thị trường 1.000 – 2.000 con cà cuống thương phẩm. Khoảng 100 con cà cuống được 1kg. Giá cà cuống thương phẩm 30.000 – 35.000 đồng/con. Giá cà cuống giống 100.000 đồng/con. Doanh thu khoảng 30 triệu đồng/tháng.
Ngoài bán cà cuống tươi, cà cuống giống, anh Đức còn chế biến thành công rượu cà cuống và nước mắm cà cuống.
Để tăng số lượng cà cuống bán ra thị trường, anh Đức bộc bạch, sẽ nuôi hết số lượng hồ đang hiện có. Lúc ấy, sản lượng cà cuống bán ra thị trường sẽ tăng gấp 3 lần như hiện nay.
Hiện, mô hình nuôi cà cuống của anh Đức đang được các ngành liên quan và hội nông dân địa phương đánh giá cao. Bởi mô hình nuôi cà cuống đã cho hiệu quả kinh tế tốt và tính khả thi nhân rộng cao.
Hội Nông dân xã Đôn Thuận cho biết sẽ nhân rộng mô hình nuôi cà cuống của anh Đức cho nông dân trên địa bàn.
Cà cuống đực có 2 bọc tinh dầu ở hai bên hông bụng. Tinh dầu này mang dược tính cao, có vị cay làm nên giá trị cà cuống. Nước mắm cà cuống có hương vị đặt biệt được nhiều người ưa chuộng.
Do ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật nên cà cuống gần như không còn thấy ngoài tự nhiên. Bởi "hiếm có khó tìm", nên đặc sản cà cuống bây giờ không phải ai cũng có cơ hội ăn thử.