Ông Trần Phương Bình: Từ giảng viên đại học đến “tội đồ” ngân hàng
Ngày 19/11/2020, Tòa án nhân dân (TAND) TP.HCM mở phiên xử sơ thẩm vụ án ông Trần Phương Bình và 11 đồng phạm gây thiệt hại cho ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank, DAB) hơn 8.827 tỷ đồng (đại án DAB giai đoạn 2). Dự kiến phiên xử sẽ diễn ra đến hết tháng 11/2020.
Trong giai đoạn 2 xét xử đại án DAB, ông Bình – cựu Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc ngân hàng Đông Á – và 11 đồng phạm bị truy tố về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.
Cụ thể, VKSND Tối cao cho rằng, trong khoảng thời gian từ năm 2007 - 2013, ông Trần Phương Bình với vai trò Tổng giám đốc DongABank, là người chủ mưu và trực tiếp chỉ đạo cấp dưới cho 5 nhóm khách hàng (gồm: Hiệp Phú Gia, Đồng Tiến, M&C, Tân Vạn Hưng và Lê Anh Tuấn - Nguyễn Thị Ngọ) vay tiền sai quy định, gây thiệt hại cho DongABank hơn 7.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, để có tiền sử dụng cho mục đích cá nhân và trả lãi các khoản vay trước đó, ông Bình đã chỉ đạo cấp dưới lập chứng từ thu, nộp khống, chiếm đoạt của DongABank hơn 75 tỷ đồng.
Hành vi của bị cáo Bình và các đồng phạm là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng DongABank bị lỗ lũy kế hơn 31 nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu bị âm 25 nghìn tỷ đồng.
Ông Trần Phương Bình tại phiên toà hồi tháng 7/2020.
Ông Bình có thể sẽ phải đối mặt với án tù chung thân, mặc dù bản thân ông đang thi hành án chung thân của vụ án này giai đoạn 1.
Ông Trần Phương Bình (SN 1959) là cử nhân ngành kinh tế thương mại, từng tham gia giảng dạy kinh tế trong 8 năm ở các trường đại học khác nhau, trước khi chuyển sang làm việc trong ngành ngân hàng vào năm 1990.
Năm 1998, ông Bình giữ chức vụ Tổng giám đốc ngân hàng Đông Á kiêm Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng này cho đến khi bị miễn nhiệm vào tháng 8/2015.
Ngày 9/12/2016, cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ (C46) - bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" tại ngân hàng Đông Á, khởi tố bị can và bắt tạm giam Trần Phương Bình. Ông Bình bị khởi tố về 2 tội danh nêu trên.
Ngày 18/4/2018, C46 ra Quyết định khởi tố bị can bổ sung đối với Trần Phương Bình và Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tại giai đoạn 1 của đại án DAB, ông Trần Phương Bình và Phan Văn Anh Vũ cùng 24 bị cáo khác đã bị đưa ra xét xử vì hành vi gây thiệt hại cho ngân hàng 3.600 tỷ đồng. Kết quả, ông Bình bị phạt tù chung thân, Phan Văn Anh Vũ nhận 25 năm tù.
Bà Cao Thị Ngọc Dung: Vẫn thành đạt dù mắc ung thư và chồng đi tù
Do Covid-19, 9 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần của công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đạt 11.668 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 642 tỷ đồng, giảm 20,3% so với cùng kỳ năm trước, nhưng kênh bán lẻ vẫn tăng 4,2%. PNJ đã hoàn thành 80,6% kế hoạch doanh thu và 77% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2020.
Trước đó, sau nhiều năm giữ vị trí quán quân trong ngành, năm 2019, PNJ lần đầu tiên ghi nhận lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng. Cụ thể, theo báo cáo tài chính, doanh thu thuần năm 2019 của DN đạt 17 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận ròng đạt 1.190 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 17% và 24% so với năm 2018.
Bà Cao Thị Ngọc Dung (SN 1957, người Quảng Ngãi) được xem là nữ hoàng trong ngành bán lẻ vàng bạc đá quý Việt Nam. Năm 1988 bà thành lập cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý Phú Nhuận, tiền thân của PNJ hiện nay.
Từ 1992 đến 1997, bà Dung là Chủ tịch HĐQT DongABank, sau khi PNJ trở thành cổ đông sáng lập, góp 8 tỷ đồng (40% vốn) ngân hàng này.
Chủ tịch PNJ - bà Cao Thị Ngọc Dung
Với những người quen biết bà Dung thì việc bà vẫn giữ được thái độ sống tích cực lạc quan, thậm chí đạt được thành tựu hôm nay là một kỳ tích. Bởi trong vài chục năm qua, bà đã gặp 2 biến cố lớn, mà với nhiều người khác có thể không gượng dậy nổi.
Năm 2000, bà phát hiện bị ung thư.
Năm 2016, chồng bà - ông Trần Phương Bình - bị bắt và hiện nay đối diện 2 lần án chung thân. Thế nhưng, thay vì phá sản, PNJ đã tăng trưởng gấp đôi trong vòng 3 năm sau đó.
"Nhiều người nói rằng, tôi là ”người đàn bà thép”, nhưng tôi không nghĩ như vậy. Tôi chỉ là người dám nhìn thẳng vào sự thật mà thôi", bà Dung khẳng định.
Dưới góc độ nhà quản trị, nữ tướng ngành vàng cho rằng PNJ thành công là do xây dựng được văn hóa doanh nghiệp. Khi Covid-19 xảy ra, thay vì sa thải nhân viên hay giảm lương, bà Dung thậm chí còn tăng lương cho nhân viên để khích lệ họ tăng năng suất lao động.
Bà đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người làm thuê Việt Nam bằng câu nói: “Đừng bao giờ nghĩ mình trả lương cho người ta thì người ta phải làm cho mình. Người ta đi làm hưởng lương chứ không phải ăn xin mình. Nếu không có những người lao động sẽ không thể gây dựng nên một doanh nghiệp bền vững…”.