Ông Trần Văn Khuông, thôn Tân Lập, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) mạnh dạn đưa giống cây ăn trái, cây đặc sản miền Tây trồng trong vườn, thu lãi hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Ông Khuông còn hỗ trợ bà con trong vùng từng bước vươn lên với mô hình trồng cây ăn quả đặc sản...
Hành trình đi tìm giống cây đặc sản cho vùng "đất đá"
Tìm đến thôn Tân Lập, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) vào một ngày đầu tháng 10, chúng tôi được nghe không ít câu chuyện về hành trình làm giàu trên vùng đất khó của một lão nông U70.
Đó chính là ông Trần Văn Khuông (68 tuổi), người đã biến những thách thức thành cơ hội để phát triển kinh tế cho gia đình và người dân địa phương.
Nở nụ cười hiền, ông Khuông cho biết, ông sinh ra và lớn lên ở tỉnh Nam Định. Đến năm 1998, ông cùng gia đình rời quê hương vào xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil lập nghiệp.
|
Vườn xoài của gia đình ông Trần Văn Khuông, nông dân tỷ phú thôn Tân Lập, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) xanh tốt quanh năm. |
Với suy nghĩ "tấc đất tấc vàng", ông dành dụm tiền bạc để mua gần 20 ha đất rẫy và ấp ủ ước mơ phát triển sản xuất nông nghiệp trên mảnh đất đầy nắng gió.
Ông Khuông chia sẻ: "Khu vực xã Đắk Gằn chủ yếu là sỏi đá cằn cỗi, địa hình đồi dốc nên việc canh tác nông nghiệp chẳng mấy dễ dàng với những người chưa có kinh nghiệm. Thời gian đầu, gia đình tôi chỉ trồng các loại cây hoa màu như đậu, bắp, mì, năng suất thấp nên thu nhập mang lại không đáng kể".
Không nản lòng, năm 2001, ông quyết định khăn gói xuống các tỉnh miền Tây để học hỏi cách phát triển cây ăn trái của bà con vùng sông nước.
Tại đây, ông đã tìm hiểu và nhận thấy nhiều loại cây ăn trái gồm: Xoài 3 mùa, xoài Đài Loan xanh, xoài Đài Loan đỏ, xoài Úc, xoài Thái, na và mít Thái không chỉ cho năng suất cao mà còn mang lại hiệu quả kinh tế lớn.
Trở về Tây Nguyên, ông đã mua giống các loại cây ăn trái nói trên từ các tỉnh miền Tây và bắt tay vào trồng.
Đến nay, gia đình ông trồng xen 28 loại cây ăn trái và các cây công nghiệp như mít, xoài, chôm chôm, na, cà phê, tiêu, sầu riêng, chanh, nhãn, dừa... trên diện tích gần 20 ha.
Thu tiền tỷ mỗi năm từ vườn trồng cây đặc sản đẹp như phim
Nhờ không ngừng sáng tạo, áp dụng khoa học kĩ thuật hiện đại vào sản xuất, mỗi năm ông thu thu hoạch khoảng 100 tấn mít, 10-15 tấn na, khoảng 90 tấn xoài các loại,... Ông Khuông cho biết, có những năm giá xoài tăng lên tới 48.000 đồng/kg, giúp kinh tế gia đình ông cải thiện đáng kể.
|
Ông Khuông chia sẻ bí quyết chăm sóc, bón phân cho cây trồng trên vùng đất sỏi đá. |
Chưa dừng lại ở đó, để đảm bảo nguồn nước tưới cho diện tích đất nông nghiệp, ông xây dựng hồ chứa nước 3.000 m2 và đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cho toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của gia đình.
Tận dụng mặt nước hồ chứa, ông đã mua các giống cá trê, cá chép, cá trắm, cá trôi, cá diêu hồng, cà mè, cá rô phi,... về nuôi. Nhờ vậy, mỗi năm ông thu nhập từ 250-300 triệu đồng từ việc bán cá.
Ngoài ra, ông còn kết hợp chăn nuôi heo, gà, vịt xiêm, tạo nguồn thu nhập đa dạng cho gia đình.
Với phương pháp đa con, đa cây nói trên, ông Khuông tiết lộ, tổng thu nhập trung bình của gia đình ông đạt từ 1,8-2 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư, chăm sóc, ông thu lãi hơn 1 tỷ đồng/năm.
Ngoài việc mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình, mỗi tháng, mô hình sản xuất của gia đình ông Khuông còn tạo việc làm cho khoảng 20 lao động địa phương.
Nhiều năm nay, ông còn cung cấp giống cây ăn trái cho nhiều hộ dân địa phương, giúp nâng cao chất lượng nông sản và hỗ trợ hàng chục gia đình nghèo bằng cây giống, con giống và kỹ thuật chăm sóc, giúp các hộ dân tăng năng suất, thoát nghèo.
Chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp trên vùng đất khó, ông Khuông cho hay: "Khi canh tác trên vùng đất có nhiều đá, bà con không nên sử dụng nhiều phân hóa học, mà nên dùng phân gà đã qua chế biến và phân vi sinh.
Phương pháp này giúp cây phát triển xanh tốt quanh năm và cho trái ngọt. Đối với lân lâm thao, khi sử dụng, không được pha vào phân khác và chỉ bón một lần mỗi năm. Mặt khác, trước khi trồng cây, người dân nên khử trùng hố để tránh nhiễm vi khuẩn vào rễ cây".
Ông Cao Đức Nguyên, Chủ tịch UBND xã Đắk Gằn, huyện huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) cho biết dù là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, ông Trần Văn Khuông không ngừng tìm tòi, nghiên cứu và luôn đi đầu trong việc áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Ông đã mạnh dạn đưa các loại cây ăn trái đặc sản miền Tây lên trồng tại vùng đất mới.
Vì vậy, hầu như mô hình nào ông triển khai cũng thành công. Ông còn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho nhiều hội viên Hội Người cao tuổi trong xã, góp phần nâng cao năng suất và mang lại hiệu quả kinh tế cao.