Theo các chuyên gia, tình trạng xuất khẩu nhiều, tiền thu về ít, nguyên nhân một phần do tác động của thị trường chung thế giới, phần khác do chúng ta chủ yếu xuất khẩu sản thô dẫn tới giá trị thấp hơn mặt hàng cùng loại của các nước.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT, tháng 7, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ sản ước của Việt Nam đạt 3,55 tỷ USD; trong đó, nông sản chính ước đạt 1,64 tỷ USD, lâm sản chính ước đạt 893 triệu USD, thuỷ sản ước đạt 785 triệu USD, sản phẩm chăn nuôi ước đạt 63 triệu USD.
Lũy kế 7 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 23,03 tỷ USD, tăng 2,0% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có 8 nhóm sản phẩm đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Báo cáo cũng chỉ rõ, giá trị kim ngạch xuất khẩu nhóm lâm sản chính có sự tăng trưởng mạnh nhất, ước đạt gần 6,01 tỷ USD, tăng 17,3%. Trong đó gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt hơn 5,6 tỷ USD (tăng 16,1%); sản phẩm mây, tre, cói đạt 264 triệu USD (tăng 46,6%).
|
Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu sản lượng lớn nhưng đa phần xuất thô nên cho giá trị thấp. |
Nhóm ngành hàng có thế mạnh thứ 2 về xuất khẩu của ngành nông nghiệp Việt Nam là thủy sản lại đang có sự sụt giảm. Theo đó, 7 tháng năm 2019, giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 4,68 tỷ USD, giảm 1% so với cùng kỳ; trong đó cá tra ước đạt 1,16 tỷ USD (giảm 3,2%), tôm các loại ước đạt 1,73 tỷ USD (giảm 10,4%).
Ở nhóm nông sản chính giá trị xuất khẩu ước đạt 10,84 tỷ USD với 5 nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD là: cà phê đạt 1,8 tỷ USD, cao su đạt 1,1 tỷ USD, gạo đạt 1,73 tỷ USD, hạt điều đạt gần 1,8 tỷ USD, rau quả đạt 2,3 tỷ USD.
Tuy nhiên, nhóm mặt hàng này đang trong tình trạng khối lượng xuất khẩu tăng vọt nhưng giá trị thu về giảm mạnh. Theo đó, so với cùng kỳ năm 2018, cao su (+10,7%), gạo (+2,1%), điều (+13,3%), tiêu (+32,5%) nhưng do giá xuất khẩu một số sản phẩm giảm sâu như điều (-20,6%), tiêu (-25%), cà phê (-12%), gạo (-16%), kéo theo kim ngạch xuất khẩu nhóm nông sản chính vẫn giảm 8,2%.
Trao đổi với PV. VietNamNet về vấn đề trên, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng đây điều hiển nhiên. Bởi theo ông, nhóm nông sản chính trong ngành trồng trọt đang tăng mạnh về sản lượng vì mở rộng diện tích, trong khi chất lượng thì chưa được cải thiện. Khi xuất khẩu sang các nước rất khó cạnh tranh dẫn đến giá xuất khẩu luôn luôn thấp.
Thêm nữa, công nghệ chế biến sau thu hoạch của ta còn kém, sản phẩm chế biến rất hạn chế, hàng nông sản hầu như đều là xuất khẩu thô, hoặc mới chỉ qua sơ chế đơn giản. Điều này thể hiện rõ nhất ở ngành cà phê, hồ tiêu - hai mặt hàng đứng top đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu nhưng lại chủ yếu là xuất thô, khó cạnh tranh và không có thương hiệu.
Năm nay, thị trường thế giới có nhiều biến động, nguồn cung nhóm mặt hàng nông sản chính tăng mạnh cũng dẫn đến giá nông sản Việt giảm theo xu thế chung, ông Thủy chia sẻ.
Chia sẻ riêng về ngành hàng cà phê, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết, Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thị trường Hàn Quốc, khối lượng lên đến 11.000 tấn trong 6 tháng đầu năm 2019. Song, giá chỉ đạt 1,8 USD/kg, bằng một nửa giá cà phê nước này nhập khẩu.
Trong khi Brazil đứng thứ 2 về khối lượng, gần 10.600 tấn vào Hàn Quốc, nhưng giá đạt 2,6 USD/kg. Cà phê Colombia đứng thứ 3, trên 9.000 tấn, giá bình quân đạt 3,2 USD/kg. Riêng Mỹ mới xuất vào Hàn Quốc khoảng 3.000 tấn, nhưng giá xuất khẩu đạt gần 11 USD/kg.
Hiệp hội này lý giải đó là do cà phê Việt chủ yếu xuất thô (80%), không đáp ứng được tiêu chuẩn độ chín và lẫn tạp chất... Thế nên, dù đứng top 2 thế giới về sản lượng xuất khẩu nhưng giá lại xếp chót bảng so với các nước.
Bộ NN-PTNT nhận định, xuất khẩu nông sản dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, khó có thể đạt mức tăng trưởng cao như cùng kỳ.
Nguyên nhân được cho là do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm và các nước trên thế giới đều quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp; các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu, khiến cho giá giảm sâu trong khi đó, các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,... đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.