Cục Thuế TPHCM vừa công bố thông tin 198 doanh nghiệp nợ thuế đợt 2/2023. Theo đó, tính đến thời điểm ngày 31/10/2023, tổng số tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp của những doanh nghiệp này lên đến 8.080 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong nhóm doanh nghiệp bất động sản nợ thuế có Công ty CP Địa ốc Sài Gòn đang nợ thuế tới hơn 34,6 tỷ đồng.
Theo giới thiệu tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty CP Địa ốc Sài Gòn hiện được đổi tên là Công ty CP Tổng Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (Saigonres Group, mã: SGR). Doanh nghiệp được thành lập vào ngày 6/12/1999 trên cơ sở cổ phần hóa từ Công ty Xây dựng và Kinh doanh nhà Gia Định; có địa chỉ trụ sở chính tại số 63 – 65 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TPHCM. Ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Chủ tịch HĐQT công ty kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Phạm Thu.
Lãi quý 3 giảm 90,2% so với cùng kỳ
Xét về hoạt động kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023, Địa ốc Sài Gòn ghi nhận doanh thu thuần đạt 18,13 tỷ đồng, giảm 96,7% so với cùng kỳ do giảm doanh thu dự án tại công ty mẹ. Giá vốn hàng bán giảm 94,8% so với cùng kỳ, về mức 13,6 tỷ đồng. Qua đó, kéo lợi nhuận gộp giảm 98,4% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 275 tỷ đồng về mức 4,46 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm 13,3%, về 5,17 tỷ đồng, do giảm doanh thu lãi tiền gửi và giảm doanh thu hợp tác đầu tư. Chi phí tài chính giảm 15,5%, về 7,36 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 74,2%, về mức 9,9 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí bán hàng tăng 32% so với cùng kỳ, lên mức 66 triệu đồng. Lợi nhuận khác ghi nhận đạt 30,7 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 151 triệu đồng, và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Kết quả, sau khi khấu trừ chi phí, Địa ốc Sài Gòn báo lãi sau thuế ghi nhận đạt 18,67 tỷ đồng, giảm 90,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Luỹ kế trong 9 tháng đầu năm 2023, Địa ốc Sài Gòn ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 47 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ghi nhận ở mức 49,6 tỷ đồng, lần lượt giảm 91,6% và giảm 75,8% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, trước tình hình khó khăn trên, mới đây, ngày 27/11, Địa ốc Sài Gòn bất ngờ công bố lại kế hoạch kinh doanh năm 2023 với tổng mức đầu tư là 553 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 99 tỷ đồng. Trước đó, tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 diễn ra đầu năm, Địa ốc Sài Gòn lên kế hoạch kinh doanh trong năm 2023 với doanh thu 906 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 315 tỷ đồng.
Tại báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất, trong 9 tháng đầu năm 2023, Địa ốc Sài Gòn ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 226,6 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 494,2 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 97,58 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 44,3 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.
Tính tới 30/9/2023, tổng tài sản của Địa ốc Sài Gòn tăng nhẹ 0,6% so với thời điểm đầu năm, tương ứng tăng thêm 11 tỷ đồng, lên 2.010 tỷ đồng. Trong đó, chiếm chủ yếu trong cơ cấu tài sản là các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận đạt 732,2 tỷ đồng, chiếm 36,4% tổng tài sản; các khoản phải thu dài hạn ghi nhận 339,8 tỷ đồng, chiếm 16,9% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Bên cạnh đó, hàng tồn kho tăng 11,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 66 tỷ đồng, lên 646,4 tỷ đồng. Trong đó, tồn kho lớn chủ yếu là chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang của các dự án như: Dự án tại Phan Huy Chú, phường 2 , TP Vũng Tàu (111,8 tỷ đồng); dự án Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai (hơn 103 tỷ đồng); dự án An Phú Residence, quận Thủ Đức (An Phú 2) với giá trị 73,76 tỷ đồng; dự án đường Phú Định, phường 16, quận 8, TPHCM (71,67 tỷ đồng); dự án An Phú River View, quận Thủ Đức (An Phú 1) với giá trị 32,29 tỷ đồng…
Ký cược ngắn hạn hơn 168 tỷ đồng
Theo Địa ốc Sài Gòn cho biết thêm, công ty đã ký hợp đồng hứa chuyển nhượng, hứa nhận chuyển nhượng dự án An Phú 1 và dự án An Phú 2 với Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn Riverside. Theo đó, sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được chấp thuận cho phép chuyển nhượng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Địa ốc Sài Gòn sẽ chuyển nhượng toàn bộ dự án An Phú 1 và An Phú 2 cho đối tác.
Bên kia bảng cân đối kế toán hợp nhất, nợ phải trả của Địa ốc Sài Gòn tại ngày 30/9/2023 ở mức hơn 1.085 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay tài chính chiếm 355,9 tỷ đồng; chi phí phải trả ngắn hạn đạt 224,4 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí dự án cao ốc An Bình, quận Tân Phú (35,4 tỷ đồng) và chi phí dự án Saigonres Plaza 157,6 tỷ đồng…
Ngoài ra, khoản phải trả ngắn hạn khác ghi nhận 211,6 tỷ đồng, đáng chú ý là khoản nhận ký quỹ, ký cược ngắn hạn với giá trị 168,6 tỷ đồng. Trong đó, Địa ốc Sài Gòn nhận ký quỹ của Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn Riverside với số tiền hơn 152,2 tỷ đồng theo các hợp đồng hứa chuyển nhượng, hứa nhận chuyển nhượng dự án và thực hiện chuyển nhượng dự án chung cư An Phú 1 và dự án An Phú 2.
Mặt khác, tại thời điểm 30/9/2023, vốn chủ sở hữu của Địa ốc Sài Gòn đạt hơn 924,8 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ đạt 600 tỷ đồng; công ty còn khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 287,9 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,17 lần.