Chị Hoàng Thị Huyền Trang (quận Hoàng Mai, Hà Nội) kể, tuần trước, thời tiết thay đổi và nóng dần lên, chị kiểm tra điều hòa mới lắp được 3 năm thì thấy không vào điện nên nghĩ điều hòa bị hỏng, chị đành phải lên mạng tìm số điện thoại của thợ sửa điện thoại.
“Sau khi kiểm tra, thợ báo tụ điện bị cháy, yêu cầu tôi phải thay tụ với giá 1,5 triệu đồng. Vì điều hòa mới lắp được 3 năm nên tôi không đồng ý. Cuối tuần vừa rồi, tôi nhờ người thân kiểm tra lại thì hóa ra dây bị chuột cắn, phí thay chỉ mất 100.000 đồng”, chị Trang nói.
Anh Nguyễn Đức Sơn, thợ điện lạnh ở phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội tiết lộ về "hậu trường" ít biết của nghề sửa chữa điều hòa. Đó là nhiều khi bảo dưỡng hoặc sửa máy lỗi rất đơn giản, không đáng là bao nhưng thợ vẫn dùng đủ mánh để “vặt” tiền của khách, nhất là đối với người không biết gì về máy móc.
Ví dụ, máy điều hòa sử dụng 5 năm đổ lại hầu hết chỉ bị bám bụi bẩn cần vệ sinh. Tuy nhiên, một số thợ thiếu trung thực, muốn vặt tiền khách hàng nên khi đến bảo dưỡng đã yêu cầu kiểm tra toàn bộ máy rồi liệt kê đủ thứ bệnh từ thiếu gas đến hỏng vi mạch, hỏng tụ, cháy lốc… sau đó báo giá và yêu cầu đem máy về cửa hàng sửa chữa với mức giá có thể lên đến 3-5 triệu đồng.
“Nếu khách mà tiếc tiền thay thì hỏi mua luôn với giá “đồng nát” chỉ tầm trên dưới 1 triệu. Nếu mua thành công, thợ về thay linh kiện với giá 200.000 - 300.000 đồng rồi bán đi, đút túi ngay vài triệu đồng”, anh Sơn nói.
Nêu câu chuyện về thợ của mình được điều đi bảo dưỡng 5 máy điều hòa nhưng hết đến hơn 6 triệu đồng, anh Sơn cho biết, qua kiểm tra, việc bảo dưỡng 5 máy hết chi phí 1,2 triệu đồng, nhưng 2 nhân viên này đã bơm ga, thay Aptomat và tụ điều hòa khi chưa bị hỏng của 5 máy, gây thiệt hại cho khách hơn 4 triệu đồng.
“Chúng tôi đã yêu cầu 2 nhân viên này đến trả lại tiền, xin lỗi khách hàng, đồng thời cho nghỉ việc”, anh Sơn nói.
Không chỉ vặt tiền của những người sửa chữa, bảo dưỡng máy điều hòa, nhiều thợ lắp điều hòa còn qua mặt những khách lắp mới nếu thấy chủ nhà vắng mặt, ít hiểu biết hoặc dễ tính.
Chị Mai Thị Vui, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai cho biết, do mới hoàn thiện căn nhà 4 tầng nên mua 3 chiếc điều hòa về lắp, tổng giá trị 38 triệu đồng. Ngay khi mua hàng, chủ tiệm cũng trao đổi thẳng thắn là sẽ gọi giúp thợ đến lắp, tiền công 300.000 đồng/máy và những phát sinh như dây đồng, dây điện, aptomat gia đình phải chịu.
“Trong quá trình lắp đặt, thợ nói là đường dây nhà tôi dài nên phải nối thêm. Tôi đồng ý vì nghĩ chỉ phát sinh thêm vài trăm nghìn đồng ngoài 900.000 tiền công lắp đặt. Tuy nhiên, gia đình tôi phải chi phí thêm 11m ống đồng, dây điện với số tiền 1,92 triệu đồng. Thấy vô lý, tôi yêu cầu đo lại thực tế, họ nói tính nhầm và giảm được 1 triệu đồng”, chị Vui nói.
Thực ra không phải thợ sửa điều hòa nào cũng muốn “vặt tiền” của khách hàng lắp mới hoặc bảo dưỡng, sửa chữa, nhưng việc lấy tăng thêm từ vài chục nghìn đến hàng triệu đồng của khách cũng không phải là chuyện hiếm gặp.
Anh Trần Quốc Cường, chủ cửa hàng sửa chữa điện lạnh ở quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, phụ kiện lắp đặt điều hòa cần dùng là ống đồng, dây điện, ống nước thải, gen bọc bảo ôn, vải bọc bảo ôn, giá đỡ dàn nóng...Ở điểm này, thợ điều hòa thường ăn gian về khoảng cách, tức dùng hết 4 mét dây ống đồng thì khai lên 5 mét để ăn ra được 1 mét dây ống đồng và những phụ kiện đi kèm như dây diện, gen bảo ôn, ống nước thải, vải bọc bảo ôn.
Chẳng hạn lắp đặt 1 máy điều hòa với khoảng cách 5 mét thì mất 5 mét ống đồng, giá hiện tại là 175.000 đồng/mét, 5 mét gen bảo ôn giá 10.000 đồng/mét, 10 mét vải bọc bảo ôn (phải quấn xung quanh ống) giá 8.000 đồng/mét, 5 ống nước thải 8.000 đồng/mét. Với mức giá phụ kiện như trên, chỉ cần khai khống lên 1 mét thì thợ điều hòa sẽ ăn gian được khoản tiền khoảng 200.000 đồng.
“Khoảng cách lắp càng xa, số mét càng bị khai khống nhiều hơn. Thế nên, lắp một máy điều hòa, ngoài tiền công thì khách bị vặt thêm 1-2 triệu tùy khoảng cách lắp là chuyện không quá lạ”, anh Cường chia sẻ.
Theo một chuyên gia về điện tử điện lạnh, người dân thường không có chuyên môn nên khi máy điều hòa gặp sự cố gọi thợ là việc đương nhiên. Tuy nhiên khi gọi thợ cần cân nhắc dịch vụ bảo dưỡng của các hãng chuyên nghiệp, đảm bảo chất lượng. Hơn nữa, chính chủ nhân cũng cần học cách tự bảo dưỡng điều hòa định kỳ một cách cơ bản có thể bắt bệnh điều hòa thông qua một số dấu hiệu đơn giản. Có như thế mới không bị qua mặt khi thuê thợ đến sửa.
Về cách kiểm tra lượng gas điều hòa, anh Trần Đức Phú, thợ sửa điều hòa ở phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, trước hết, cần bật điều hòa đúng chế độ. Sau đó, xem cục nóng quạt có quay, hơi nóng có tỏa ra không? Nếu cục nóng không tỏa hơi nóng hoặc chỗ ống đồng nối vào dàn nóng bị đóng tuyết, chứng tỏ điều hòa đang bị thiếu gas, cần liên lạc với nhân viên kỹ thuật để có thể được nạp gas.
Anh Phú lưu ý, khi thợ đến bảo dưỡng điều hòa chủ nhà cần sát sao, đồng thời yêu cầu làm sạch những vật cản xuất hiện trong dàn nóng hoặc lạnh để máy hoạt động tốt.
“Cách 3-4 tháng nên vệ sinh dàn lạnh, lưới lọc không khí của điều hòa. Đối với dàn nóng, do thường đặt ngoài trời, nên có các biện pháp che chắn, bảo vệ nhằm hạn chế bụi bẩn và tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp làm giảm độ bền”, anh Phú khuyến cáo.
Đặc biệt, vào những lúc nắng nóng, người dân sử dụng điện nhiều nên rất có thể dòng điện yếu, điều hòa cũng không thể làm mát được là chuyện hết sức bình thường. Trời càng nóng, người dân có thói quen bật điều hòa ở nhiệt độ rất thấp, điều này ảnh hưởng rất xấu tới điều hòa cũng như sức khỏe gia đình, tiêu hao điện và giảm tuổi thọ điều hòa.
"Do đó, ngoài sử dụng ổn áp để ổn định dòng điện, người dân chỉ nên bật nhiệt độ thấp hơn ngoài trời từ 7-10 độ C, đồng thời sử dụng thêm một chiếc quạt để lưu thông không khí, giảm tải cho điều hòa”, anh Đặng Minh Tùng, thợ sửa điều hòa ở Cầu Giấy tư vấn.