Nhà xưởng “mọc” trên đất nông nghiệp Đan Phượng bao giờ xử lý?

Google News

Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hà cho biết, theo Kế hoạch của UBND huyện Đan Phượng, các nhà xưởng trái phép ở khu Trũng Phan cũng yêu cầu giải tỏa, tuy nhiên thực hiện theo giai đoạn.

Trong bài viết trước, báo Tri thức và Cuộc sống đã phản ánh ở khu Trũng Phan (cụm 1, xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) tồn tại hàng loạt nhà xưởng sản xuất gỗ "mọc" trái phép trên đất nông nghiệp.
Người dân địa phương cho biết, khu Trũng Phan vốn là đất nông nghiệp được dùng vào việc canh tác, sản xuất hoa màu. Theo thời gian, một phần cánh đồng đã được nhiều cá nhân mua bán qua tay, rồi “hô biến” thành các xưởng sản xuất gỗ. Một số nhà xưởng còn được “hợp thức hóa” xây dựng từ trước năm 2014.
Nha xuong “moc” tren dat nong nghiep Dan Phuong bao gio xu ly?
Nhiều nhà xưởng "mọc" trái phép trên đất nông nghiệp ở khu Trũng Phan, xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội. 
Trước các thông tin phản ánh, tại buổi làm việc ngày 12/4/2023 với PV Tri thức và Cuộc sống, ông Nguyễn Hữu Thinh - Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hà (huyện Đan Phượng) thừa nhận, các nhà xưởng ở khu Trũng Phan là xây dựng trên đất nông nghiệp, sử dụng sai mục đích đất.
Phó Chủ tịch xã Liên Hà cho rằng các khu nhà xưởng đã tồn tại cũ, lâu năm. Đồng thời, lãnh đạo xã Liên Hà khẳng định: “Không ai thu tiền đất đối với các hộ xây dựng nhà xưởng. Họ cũng mong muốn tạo điều kiện cho nộp phí đất, tuy nhiên xã có báo cáo lên huyện nhưng huyện không quyết định được. Các hộ chỉ có nộp thuế kinh doanh".
Theo ông Nguyễn Hữu Thinh, Kế hoạch của UBND huyện Đan Phượng là sau khi giải tỏa xong các nhà xưởng xây dựng trên đất nông nghiệp và lấn chiếm đất công ở chân đê Quai, chính quyền sẽ tiến hành giải tỏa đối với các nhà xưởng ở khu Trũng Phan.
"Từ năm ngoái, xã đã thông báo các nội dung và đưa ra các biện pháp ngừng cung cấp điện, các hộ có xưởng ở chân đê Quai thấy vậy đã tháo dỡ, tìm chỗ mới để ổn định sản xuất.
Kế hoạch của UBND huyện, khu Trũng Phan cũng yêu cầu giải tỏa, tuy nhiên còn liên quan đến thời gian và thực hiện theo giai đoạn…”, ông Nguyễn Hữu Thinh cho hay.
Trả lời PV về số nhà xưởng "mọc" trên đất nông nghiệp ở Trũng Phan là bao nhiêu? Lãnh đạo xã Liên Hà cho biết chưa thống kê được?
"Tới đây, xã mới rà soát lại các hộ vi phạm tại khu Trũng Phan, thời điểm trước và sau năm 2014? Còn hiện tại, hồ sơ vẫn chưa rõ ràng vì có một số trường hợp tự người dân tự bán đất cho nhau", vị Phó Chủ tịch xã Liên Hà nói.
Bên cạnh đó, tại buổi làm việc, PV cũng đề cập đến thông tin phản ánh của người dân rằng, có cả kho xưởng trái phép của người thân ông Thinh tại Trũng Phan nên vi phạm ở khu vực này mới được xã "ưu ái"?
Trả lời câu hỏi này, Phó Chủ tịch xã Liên Hà khẳng định: "Nhà tôi không ai làm gì, không ai làm công nghiệp. Chỉ có bố mẹ vợ tôi có ít đất ở đó chia cho các con, cho người ta thuê làm nông nghiệp".
Diễn biến liên quan, ngày 6/4/2023 PV Tri thức và Cuộc sống đã liên hệ và đặt lịch làm việc với UBND huyện Đan Phượng. Đến ngày 11/4/2022, Văn phòng UBND huyện Đan Phượng cho biết, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo Phòng tài nguyên và Môi trường cung cấp thông tin cho PV. Tuy nhiên, PV vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đan Phượng.
Thực tế, tại khu Trũng Phan đang tồn tại hàng loạt nhà xưởng trái phép với quy mô hoành tráng để sử dụng cho hoạt động sản xuất đồ gỗ, sử dụng sai mục đích đất, tiềm ẩn nhiều nguy cơ chây nổ. Thế nhưng không hiểu vì sao trong suốt thời gian dài chính quyền địa phương lại không có biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm các sai phạm?
Hà Nội yêu cầu khôi phục lại tình trạng của đất nông nghiệp trước khi vi phạm
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Công văn số 847/UBND-TNMT về việc tập trung tổ chức thực hiện Chuyên đề 3 của UBND thành phố đối với nội dung “Công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng, đất sử dụng trái mục đích trên địa bàn thành phố”.
Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.
Kiên quyết xử lý đối với các trường hợp cán bộ, công chức tại địa bàn các phường, xã, thị trấn để phát sinh các vi phạm mới mà không được ngăn chặn, xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
UBND TP cũng yêu cầu, các địa phương siết chặt kỷ cương trong công tác quản lý nhà nước về chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đăng ký biến động đất đai đối với các trường hợp phân lô, bán nền liên quan đến việc quản lý sử dụng đất nông nghiệp, nông nghiệp công ích, đất công theo quy định.
Đặc biệt, chấm dứt tình trạng UBND cấp xã, hợp tác xã nông nghiệp, thôn, xóm tại một số phường, xã, thị trấn quản lý và cho thuê đất nông nghiệp, đất nông nghiệp công ích, đất công trái quy định của pháp luật.
Đối với trường hợp vi phạm về đất đai thì xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khôi phục lại hiện trang ban đầu. Trường hợp người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt thì UBND huyện, thị xã áp dụng biện pháp cưỡng chế, quyết định xử lý thu hồi theo quy định.
UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp và hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã xử lý đối với các trường hợp sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích trang trại chăn nuôi, trồng trọt theo đúng các tiêu chí hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Xử lý, khắc phục đối với các trường hợp sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích trang trại nhưng không đáp ứng đủ các tiêu chí theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
*Báo Tri thức và Cuộc sống tiếp tục thông tin./.
Đoàn Khang

>> xem thêm

Bình luận(0)