Những ngày qua, dư luận không khỏi xôn xao trước thông tin sự việc dự án đầu tư xây dựng công trình trường THCS trọng điểm huyện Tiên Du (tại xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) có giá trị hơn 146 tỷ đồng, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng vẫn làm xong. Dự án này do BQL các dự án xây dựng huyện Tiên Du làm chủ đầu tư.
Đáng chú ý, để xảy ra sai phạm tại dự án trên 3 cá nhân là Giám đốc, Phó Giám đốc và cán bộ phòng Kế hoạch-Quản lý chất lượng, BQL các dự án xây dựng huyện Tiên Du chỉ phải nhận hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc. Đồng thời phải khắc phục các nội dung tồn tại, sai sót.
|
Công trình trường THCS trọng điểm huyện Tiên Du có mức đầu tư hơn 146 tỷ đồng, dù chưa được chuyển đổi mục đích đất đã làm xong. (Ảnh: Thương Trường). |
Hành vi trái quy định của pháp luật
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đối với việc sử dụng đất phải đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất; tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh. Người sử dụng đất thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai hiện hành và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Để có đất dự án, thì đất đai trước đó đã được Nhà nước đưa vào quy hoạch và phải chuyển mục đích sử dụng đất trước khi giao cho nhà đầu tư.
|
Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội). |
Trong trường hợp chủ đầu tư nhận bàn giao quyền sử dụng đất từ cá nhân/tổ chức có quyền sử dụng đất thì việc chuyển đổi mục địch trước hay sau khi bàn giao là do các bên tự thỏa thuận với nhau, miễn sao trước khi thực hiện dự án xây dựng trường học thì đất này đã được chuyển mục địch sử dụng đúng quy định.
Do đó, có thể thấy, việc sử dụng diện tích đất này chưa được chuyển mục đích sử dụng mà dự án trường THCS trọng điểm huyện Tiên Du đã được xây dựng xong là trái quy định pháp luật.
Vì vậy, khi có vi phạm này, bên vi phạm phải bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 102/2014/NĐ-CP tùy thuộc vào loại đất chuyển mục đích sử dụng.
Làm mờ các sai phạm?
Theo luật sư Hoàng Tùng, trong công tác xử lý cán bộ mắc sai phạm, khuyết điểm, việc xử lý bằng hình thức “rút kinh nghiệm” là một kiểu “lách luật” biến những sai phạm nghiêm trọng trở nên ít nghiêm trọng, thậm chí chỉ như một khuyết điểm rất nhỏ mà không ai có thể tránh khỏi trong quá trình làm việc.
“Sai phạm khác hoàn toàn với khuyết điểm. Nếu chỉ là khuyết điểm thì có thể rút kinh nghiệm bởi làm việc chẳng ai không mắc khuyết điểm, nhưng đã là sai phạm, vi phạm thì dứt khoát phải xử lý, hình thức thấp nhất là khiển trách, cảnh cáo, buộc thôi việc, khai trừ Đảng, chứ không thể là rút kinh nghiệm”, luật sư Hoàng Tùng nhấn mạnh.
Đó không thể là hình thức xử lý, càng không thể là “bình phong” để làm mờ các sai phạm khi đã được các cơ quan chức năng chỉ ra và kết luận. Đã là sai phạm mà chỉ rút kinh nghiệm là không có tính răn đe.