Chiều 17/1 (23 tháng Chạp), PV VTC News có mặt tại Bến xe Giáp Bát (Hà Nội), nơi đây có nhiều chuyến xe về các tỉnh như Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình…
Càng về chiều, lượng hành khách đổ ra bến bắt xe về quê càng đông, dòng người chen chúc, đổ xô đi mua vé để về quê đoàn tụ với gia đình.
Hành khách bị 'hét giá' vé gấp đôi
Trong hàng người ngồi chờ ở khu vực bán vé, anh Nguyễn Hoàng Đồng (đang trú tại Hà Nội) bức xúc kể với vợ con về việc giá vé xe ngày Tết tăng chóng mặt: “Anh vừa ra hỏi nhà xe Đông Lý giá vé về Đông Sơn (Thanh Hóa) thì họ nói 200 nghìn đồng. Khi anh thắc mắc tại sao ngày thường tôi đi có 100 nghìn đồng, vậy mà ngày này lại tăng giá lên gấp đôi, thì họ trả lời các nhà xe đều đồng loạt tăng giá dịp Tết này”.
Chia sẻ với PV VTC News, anh Đồng cho biết, anh quê ở Phú Thọ, còn vợ anh quê ở Thanh Hóa, cả hai hiện đang sống và làm việc ở Hà Nội. Cứ vào dịp gần cuối năm, anh lại đưa gia đình về quê vợ để chơi, sau đó trở về Hà Nội ăn Tết.
|
Dù bức xúc trước việc nhà xe tăng giá "phi mã" nhưng anh Đồng cùng vợ con vẫn phải chấp nhận móc ví để không bị lỡ chuyến xe về quê ngoại. |
Theo anh Đồng, anh và vợ con đã rất vất vả khi sắp xếp đồ đạc để về quê, ra đường thì gặp cảnh giao thông ùn tắc ngày cận Tết, vậy mà khi ra được bến xe mua vé thì giá lại tăng quá cao khiến anh thật sự sốc. Tuy nhiên, vợ chồng anh không còn cách nào khác, vẫn phải chấp nhận bỏ tiền mua vé cho kịp chuyến về thăm quê.
“Người dân thấp cổ bé họng như mình đành phải chịu thôi chứ biết làm sao. Chúng tôi trông cậy vào cơ quan báo chí truyền thông phản ánh để các doanh nghiệp xem xét lại giá vé cho dân đỡ khổ”, anh Đồng than thở và sau đó cùng vợ con đứng dậy để ra mua vé về quê.
Cũng giống như trường hợp của anh Đồng, một nam thanh niên khoác trên người ba lô đi ra nhà xe Hào Hương (chạy tuyến Giáp Bát – Thanh Hóa - bến xe Triệu Sơn) để mua vé về Nông Cống (Thanh Hóa). Số tiền anh phải bỏ ra cũng tăng gấp đôi ngày thường.
|
Các nhà xe đi Thanh Hóa đều dán giấy thông báo công khai việc tăng giá vé. |
“Thường ngày tôi đi về quê chỉ mất khoảng 150 nghìn đồng nhưng ngày hôm nay thì tôi phải trả 200 nghìn đồng. Đây là mức giá quá đắt.”, nam thanh niên bức xúc nói và cho biết anh đã tìm hiểu các nhà xe khác thì mức vé đều tăng như nhau.
Qua quan sát của PV, hầu hết các nhà xe đi từ Giáp Bát về các huyện của Thanh Hóa đều tăng giá vé và tăng công khai. Trước quầy bán vé đều có bảng niêm yết giá vé tăng từ 14-24/1 (từ 20 đến 30 tháng Chạp).
Ví dụ như nhà xe Ngọc Sơn (tuyến Giáp Bát – Thọ Xuân) tăng từ 140 lên 200 nghìn đồng, nhà xe Hoàng Phương (Giáp Bát – Ngọc Lặc, Cẩm Thủy) tăng từ 110 nghìn đồng lên 160 nghìn đồng, nhà xe Hương Sơn (tuyến Giáp Bát đi Tây Thanh Hóa) tăng từ 100 lên 150 nghìn đồng…
|
Một doanh nghiệp dán bản thông báo tăng giá vé có đóng dấu đỏ. |
Khi phóng viên đến quầy bán vé của nhà xe Hào Hương để hỏi giá vé về Đông Hoài, Đông Sơn (Thanh Hóa) thì nữ nhân viên báo giá 200 nghìn đồng. Trước thắc mắc về giá vé tăng gấp đôi ngày thường, nữ nhân viên này cho biết nhà xe nào cũng tăng như vậy trong dịp Tết này.
“Ngày thường là giá 100 nghìn đồng nhưng giờ bọn tôi có thông báo tăng giá lên 200 nghìn đồng đây, có hẳn dấu đỏ đây. Anh thắc mắc thì có thể gọi về bến để check thông tin”, nữ nhân viên nói đồng thời đưa cho phóng viên một chiếc vé có đóng dấu đỏ 200.000 đồng.
Trong khi đó, trả lời PV VTC News, nhiều hành khách cho biết, họ đi Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình… thì giá vé chỉ tăng nhẹ, không tăng cao như xe về Thanh Hóa.
Tăng giá vé đúng quy định
Trước sự bức xúc của nhiều hành khách về việc các nhà xe khách đi Thanh Hóa tăng giá, PV VTC News liên hệ với lãnh đạo Bến xe Giáp Bát để làm rõ vấn đề này.
Vị lãnh đạo Bến xe Giáp Bát cho hay, dịp Tết năm nay, có 14 doanh nghiệp bắt đầu tăng giá vé từ 30-60% từ ngày 14-24/1.
“Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải ở bến làm thủ tục trình Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính phê duyệt việc tăng giá vé này. Còn đơn vị chúng tôi chỉ có quyền giám sát, kiểm tra và từ chối phục vụ nhà xe nếu xảy vi phạm như tăng giá quá quy định”, vị lãnh đạo cho hay.
Theo vị này, việc các nhà xe tăng 100% giá tiền đối với khách hàng là bởi hành khách đi chặng lẻ (không đi hết tuyến), trong khi đó nhà xe chỉ bán vé toàn tuyến nên khách hàng phải trả như vậy là đúng.
“Nhà xe không bán lẻ vé chặng, nếu về giữa đường thì cũng phải trả tiền toàn tuyến nên họ (nhà xe –PV) tăng 50% vẫn đúng. Thường là người ta bán hết tuyến, chứ có ai bán vé chặng đâu”, vị lãnh đạo chia sẻ.
Sáng 17/1, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cùng các lãnh đạo liên nghành Bộ đến làm việc, kiểm tra công tác phục vụ của bến xe khách Nước Ngầm. Tại đây, Thứ trưởng Thọ phản đối việc các doanh nghiệp nhà xe tại bến Nước Ngầm có phương án tăng giá vé đến 60% dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
"Giá vé phải kiểm soát rất chặt, không nương nhẹ tay, phải ổn định và công khai vé. Không thể có chuyện nâng giá vé lên 60%, đây là lợi dụng khách hàng, dân đã khổ khi về quê mấy ngày Tết rồi.
Chúng ta còn đang có chính sách miễn giá vé (miễn vé đi xe buýt -PV). Bởi vậy phải nâng phù hợp, bến xe tăng cường tuyến, nếu không có xe thì phải tăng tần suất chạy lên. Chỉ nâng 15-20%, chứ 60% thì tôi giật mình”, Thứ trưởng gay gắt nói.
Được biết, Bến xe Nước Ngầm có diện tích hơn 17.000m2 thuộc doanh nghiệp tư nhân quản lý là Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển ngành Nước & Môi trường (WEDICO).
Trong khi đó, Bến xe Giáp Bát có diện tích hơn 37.000m2 do đơn vị nhà nước quản lý là Tổng công ty Vận tải Hà Nội.