Vé máy bay Tết bán chậm, chỉ xe giường nằm là khan vé

Google News

Trong khi vé tàu có vẻ hơi "căng", nhiều chuyến tàu đã được bán hết thì vé ô tô, máy bay dịp Tết hiện vẫn còn rất nhiều.

Ve may bay Tet ban cham, chi xe giuong nam la khan ve
Giá vé tàu Tết năm nay tương đương năm ngoái, tuy nhiên các mác tàu chạy dịp cao điểm vào các ngày 27, 28, 29 tháng Chạp hầu như đã hết vé (Trong ảnh: Khách mua vé tàu tại ga Sài Gòn). Ảnh: Mai Huyên
Nhu cầu đi lại dịp Tết Nguyên đán Canh Tý được dự báo sẽ tăng so với năm ngoái. Tuy nhiên, với sự chủ động chuẩn bị của các đơn vị vận tải, việc đi lại của người dân dự kiến sẽ không gặp nhiều khó khăn như những năm trước đây. Trong khi vé tàu có vẻ hơi “căng” thì vé ô tô, máy bay dịp Tết hiện vẫn còn rất nhiều.
Khan vé giường nằm
Ghi nhận của PV Báo Giao thông trong các ngày 21, 22/12 tại bến xe Miền Đông, TP HCM cho thấy, việc bán vé của các nhà xe vẫn diễn ra bình thường, không có cảnh chen lấn, xếp hàng. Hành khách đến chủ yếu hỏi mua vé xe về quê trước Tết. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra thất vọng vì không mua được vé giường nằm. Chị Hoàng Thị Yến (Đà Nẵng) cho biết, mua vé từ TP HCM đi Đà Nẵng ngày 27 Tết nhưng không hãng nào còn vé giường nằm, chỉ còn ghế ngồi.
Dò hỏi một số hãng xe như: Chín Nghĩa, Phi Long, Thuận Thảo, Bình Tâm, Năm Rùm… về vé xe đi những ngày 25, 26, 27, 28 tháng Chạp, các nhân viên cho biết, giá vé giường nằm từ TP HCM đi Quảng Ngãi là 655.000 đồng/vé, ghế ngồi 600.000 đồng/ vé. Từ TP HCM đi Đà Nẵng là 850.000 đồng/vé, nhưng hiện chỉ còn ghế ngồi.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, đến nay các nhà xe đã niêm yết giá vé và đã bán vé xe Tết. Có 276.795 vé xe đã được bán ra, trong đó có 242.609 vé xe giường nằm, 34.186 vé ghế ngồi. Hiện, còn khoảng 741.657 vé xe, trong đó có 425.343 vé giường nằm và 316.314 vé ghế ngồi. Điều đáng chú ý là vé đi các tỉnh phía Bắc, miền Trung vẫn còn rất nhiều. Cụ thể, vé giường nằm đi các tỉnh miền Bắc còn 17.745 vé, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên còn đến 117.606 vé. Phần lớn hành khách đã đặt vé từ trước nên số lượng vé giường nằm còn không đáng kể, lại rơi vào các ngày 20, 21 tháng Chạp...
Tại Hà Nội, ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội cho biết, dự kiến lượng khách qua các bến xe là không quá đông, có thể tăng hơn so với ngày cuối tuần trong năm. Theo ông Toàn, Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, sẽ có khoảng 2.200 xe được tăng cường. “Dự kiến lượng khách qua các bến xe như: Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm tăng khoảng 130 - 150% so với ngày thường. Tuy nhiên, lượng xe hiện hữu và dự phòng tăng cường vẫn có khả năng vận chuyển hết, không để tình trạng ùn ứ khách…”, ông Toàn nói.
Đáng lưu ý, theo ông Toàn, đến thời điểm này chưa nhận được bất kỳ đơn kiến nghị tăng giá vé nào của các doanh nghiệp vận tải.
Lo ngại nhà xe “chặt chém”
Theo quy định, giá vé tại bến xe Miền Đông trong đợt cao điểm Tết Nguyên đán 2020 được tăng 20-60% so với ngày thường, còn bến xe Miền Tây được tăng 20-40%. Theo ông Nguyễn Hoàng Huy, Phó giám đốc bến xe Miền Tây, đến nay, chưa có phản ánh nào về việc các hãng xe bán giá cao hơn giá niêm yết.
Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các nhà xe có thương hiệu đăng ký tại bến xe Miền Đông đã hết vé giường nằm các ngày cao điểm trước Tết. Vì vậy, nhiều người tìm đến các hãng xe hợp đồng hoạt động ngoài bến để mua vé. Đây là cơ hội để các hãng xe bên ngoài tăng giá vô tội vạ.
Theo ghi nhận, tuyến đường Đồng Đen (quận Bình Tân, TP HCM) là nơi tập trung nhiều nhà xe hoạt động trên tuyến TP HCM - Quảng Nam, Đà Nẵng. Những xe này đăng ký là xe hợp đồng, nhưng thực chất hàng ngày gom khách để chở như tuyến cố định. PV liên lạc nhà xe X.T để hỏi vé về Đà Nẵng ngày 26 Tết, nhân viên cho biết có nhiều loại: Vé VIP 2 triệu đồng, vé giường nằm loại xe 32 chỗ giá 1,6 triệu đồng, giường nằm loại 2 giá 1,2 triệu đồng. Trong khi đó, ngày bình thường hãng xe X.T bán vé VIP chỉ 550.000 đồng/vé.
Cách đó không xa, nhà xe T.Q trên đường Tân Thành (quận Tân Phú) cũng rao bán vé xe đi Quảng Ngãi ngày 27 Tết là 1,3 triệu đồng trong khi ngày thường chỉ 450.000 đồng/vé.
Nếu so với giá của Công ty Cp Xe khách Phương Trang ở bến xe Miền Đông đi Quảng Ngãi ngày 27 tháng Chạp (504.000 đồng/vé) thì chênh lệch giá vé giữa xe hợp đồng bên ngoài gần 800.000 đồng/vé. Còn nếu so sánh vé xe Phương Trang đi Đà Nẵng (600.000 đồng) thì chênh lệch đến 1,4 triệu đồng/vé.
Đặt câu hỏi về việc kiểm soát giá vé của các hãng xe hợp đồng bên ngoài làm sao để không tăng vé vô tội vạ, ông Trần Quốc Khánh, Chánh thanh tra Sở GTVT TP.HCM cho biết, với loại hình xe hợp đồng, xe du lịch giá vé do thỏa thuận giữa nhà xe và hành khách chứ không bị kiểm soát bởi trần cho phép tăng phụ thu như xe hoạt động tuyến cố định trong bến. “Thanh tra Sở GTVT cũng không kiểm soát được giá vé của những loại xe hợp đồng này. Chúng tôi sẽ tăng cường lực lượng để xử lý việc đón, trả khách không đúng nơi quy định dịp Tết”, ông Khánh nói.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, việc kiểm soát xe khách bên ngoài bến hiện nay gặp nhiều khó khăn. Vừa qua, Sở GTVT đã triển khai một số giải pháp như cắm biển cấm dừng đậu trên đường Điện Biên Phủ nhưng các xe vẫn dừng đỗ đón trả khách. Trách nhiệm này là của lực lượng TTGT, CSGT, công an quận huyện và chính quyền quận, huyện, bởi những nơi nào có bến cóc, xe dù địa phương sẽ nắm và xử lý.
Trong khi đó, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho hay, sẽ không chấp thuận cho nhà xe nào thuộc diện Sở quản lý tăng giá vé. Còn với các nhà xe do địa phương khác quản lý, việc tăng giá vé cũng được Sở phối hợp kiểm soát, tăng ở mức vừa phải, ưu tiên cho người dân đi lại thuận tiện dịp Tết Nguyên đán.
Ông Dương Chí Thức, Giám đốc Công ty CP Vận tải ô tô Phú Thọ cũng cho biết, các xe tuyến ngắn từ Hà Nội đi Phú Thọ và ngược lại đều không điều chỉnh giá vé do 2 chiều đều khá đông khách. Công ty chỉ điều chỉnh giá vé tuyến TP HCM - Hà Nội do xe chạy một chiều rỗng vào phía Nam đón khách, với mức tăng 20-40%.
Nhiều chuyến tàu Tết đã hết vé
Liên quan đến vé tàu, ông Phan Quốc Anh, Phó TGĐ Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, so với Tết năm ngoái, ngành Đường sắt năm nay đưa thêm 2 ram xe (đoàn toa xe), nâng tổng số lên 64 ram xe để tổ chức lập tàu phục vụ hành khách đi lại.
Ngoài ra, tùy theo nhu cầu của hành khách, sẽ tổ chức lập thêm tàu, nối thêm toa xe hoặc bãi bỏ tàu, cắt bớt toa xe ngoài kế hoạch tàu Tết. Như trước Tết, ngày 11/1/2020, tổ chức chạy thêm 2 đoàn tàu Sài Gòn - Hà Nội. “Giá vé linh hoạt, điều chỉnh theo thị trường. Chặng nào, thời điểm nào đông khách sẽ tăng giá và ngược lại”, ông Quốc Anh nói.
Một thông tin đáng chú ý là hiện còn khoảng 80 nghìn vé cả trước và sau Tết. Trong đó, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn còn khoảng 18 nghìn chỗ xuất phát tại các ga Sài Gòn, Biên Hòa đến ga Nha Trang, Hà Nội vào thời gian trước Tết từ ngày 14-23/1/2020 (tức ngày 20 - 29 tháng Chạp).
Tuy nhiên, các mác tàu chạy dịp cao điểm vào các ngày 27, 28, 29 tháng Chạp hầu như đã hết vé. Chiều ngược lại, còn khoảng 62 nghìn chỗ xuất phát tại các ga Hà Nội đến Nha Trang, Biên Hòa và Sài Gòn vào thời gian sau Tết từ ngày 28/1 - 9/2/2020 (tức ngày 4 - 16 tháng Giêng).
Còn theo bà Phùng Thị Lý Hà, Phó TGĐ Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, tổng số vé tàu Thống nhất đã bán khoảng 240.000 vé. Về tàu khu đoạn, đến nay công ty mới lập thêm 1 mác tàu Hà Nội - Nghệ An và đã bán gần như hết vé. Tùy theo nhu cầu của hành khách, công ty sẽ tổ chức bán vé các tàu khu đoạn lập thêm trên tuyến Bắc - Nam theo kế hoạch. Về giá vé, tương đương Tết Kỷ Hợi 2019.
Trong khi đó, ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, hiện còn khoảng 18.500 chỗ từ ga Sài Gòn, Biên Hòa đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc trước Tết, sau Tết còn khoảng 26.500 vé. Tuy vậy, các vé này chủ yếu là ghế ngồi, ghế phụ và thời gian đi lại không phải những ngày cao điểm Tết.
Các hãng hàng không chưa bán hết nửa vé Tết
Theo Cục Hàng không VN, hiện tại lượng chỗ đặt mua của các hãng hàng không Việt Nam trên các đường bay nội địa dịp Tết Nguyên đán 2020 mới đạt trung bình từ 40 - 45%.
Cụ thể, trên chặng TP HCM - Hà Nội, số vé đặt mua trong dịp 2 tuần trước Tết mới đạt khoảng 40% lượng vé cung ứng. Một lượng vé tương tự được bán ở chiều ngược lại (Hà Nội - TP HCM) trong dịp sau Tết. Các chặng khác như TP HCM - Vinh hay TP HCM - Hải Phòng, tỷ lệ vé bán có cao hơn, đạt khoảng trên dưới 45%.
Cũng theo Cục Hàng không VN, nhu cầu khách đi lại dịp Tết Nguyên đán năm nay dự kiến tăng khoảng 12% so với Tết 2019 và tăng 22% so với thường lệ, ước đạt 12 triệu khách. Tổng số chuyến bay thực hiện dịp Tết có thể lên tới 73 nghìn chuyến bay, trung bình 2.350 chuyến/ngày. Riêng đối với sân bay Tân Sơn Nhất, dự kiến năm nay nhu cầu khách đi lại tăng 11% so với dịp Tết 2019, đạt 4 triệu khách, trung bình 130 nghìn khách/ngày với khoảng 30 nghìn chuyến bay đi/đến.
Dịp Tết năm ngoái (2 tuần trước và sau Tết), tổng khách thông qua hệ thống cảng trên cả nước đạt gần 10 triệu khách.
Trong dịp Tết năm nay, Vietnam Airlines cùng Jetstar Pacific và VASCO dự kiến cung ứng gần 2,23 triệu chỗ (tương ứng 12.000 chuyến bay) trên toàn mạng nội địa. Hãng hàng không Vietjet cũng cho biết, theo kế hoạch, từ 11/1- 9/2/2020 (17 tháng Chạp tới 16 tháng Giêng), hãng này dự kiến cung cấp gần 2,5 triệu ghế trên toàn mạng bay trong nước và quốc tế. Bamboo Airways cũng đã công bố sẽ cung ứng tổng cộng gần 1 triệu ghế trên toàn mạng nội địa, tăng gần 700.000 chỗ (tương đương 3.600 chuyến bay so với cùng kỳ).
  DN vận tải phải niêm yết công khai giá vé
Ve may bay Tet ban cham, chi xe giuong nam la khan ve-Hinh-2
 
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, hiện nay, giá cước vận tải bằng ô tô thực hiện theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Cơ quan quản lý nhà nước tuy không định giá cước vận tải, doanh nghiệp tự kê khai giá cước và báo cáo cơ quan quản lý nhà nước. Trong dịp Tết cũng vậy, doanh nghiệp sẽ kê khai và báo cáo với cơ quan chức năng, sau đó niêm yết công khai giá cước theo quy định. Khi doanh nghiệp tăng giá vé cao hơn so với giá niêm yết sẽ bị kiểm tra, xử lý.
Trần Duy
Ông Nguyễn Hoàng Huy (Phó giám đốc Bến xe miền Đông):
“Ngồi ghế còn hơn nằm xe nhồi nhét!”
Ve may bay Tet ban cham, chi xe giuong nam la khan ve-Hinh-3
 
Hành khách thường có tâm lý chọn xe giường nằm để đi, vì xe giường nằm trong bến phần lớn đã hết vé nên hành khách ra ngoài chọn các loại xe hợp đồng. Tuy nhiên, xe hợp đồng thì không ai kiểm soát được chất lượng dịch vụ. Nhiều người cho biết mặc dù đặt vé giường nằm nhưng đến khi lên xe thì không còn chỗ, phải nằm dưới sàn xe, trong khi tiền vẫn phải trả. Còn đi xe trong bến, đặt xe nào đi đúng xe đó, dịch vụ được đảm bảo, có bảo hiểm trong suốt hành trình.
Phan Tư
Cục CSGT mở cao điểm đảm bảo ATGT dịp Tết
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn, tuyên truyền, điều tra, giải quyết TNGT, Cục CSGT (Bộ Công an) thông tin, Cục CSGT đã mở cao điểm bảo đảm TTATGT -TTXH Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và lễ hội đầu xuân năm 2020.
Đợt 1 của cao điểm sẽ diễn ra từ ngày 1/12/2019 - 14/12/2019, đợt 2 từ ngày 15/12/2019-14/2/2020. Về đường bộ, CSGT tập trung lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như: Nồng độ cồn, ma túy, chạy quá tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường; tránh, vượt, dừng, đỗ không đúng quy định; chở hàng quá tải, quá khổ, quá số người quy định; đón, trả khách không đúng nơi quy định.
Văn Huế
Phương Trang đầu tư mới 200 phương tiện phục vụ Tết
Lãnh đạo Công ty CP Xe khách Phương Trang- FUTA Buslines cho biết, từ ngày 15/12 đã chính thức mở bán vé Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Hình thức bán vé là bán online trên website của công ty. FUTA Buslines đã đầu tư mua mới 60% xe trung chuyển, mua 200 xe đời mới nhất loại 34 buồng riêng biệt để phục vụ hành khách.
Trong dịp giáp Tết Nguyên đán, còn tăng cường 90 xe tại bến xe Miền Đông, 100 xe tại bến xe Miền Tây, mở thêm nhiều văn phòng. Vào những ngày cao điểm, dự kiến xe liên tỉnh của Công ty CP Xe khách Phương Trang - FUTA Buslines có khoảng 2.200 chuyến/ ngày để phục vụ khách hàng.
Phan Tư

Theo Nhóm PV/Báo Giao thông

>> xem thêm

Bình luận(0)