Cách TP Tam Kỳ hơn 30km, làng Lộc Yên nổi tiếng với những ngôi nhà cổ đẹp. Trong đó, đặc biệt nhất là ngôi nhà gần 200 năm tuổi của ông Nguyễn Đình Hoan (55 tuổi).
Ông Hoan là chủ nhân đời thứ tư của căn nhà rộng hơn 100m2, làm bằng hàng trăm mét khối lõi gỗ mít rừng.
Theo ông Hoan, ngôi nhà được xây từ thời cụ cố Nguyễn Đình Hoằng - từng giữ chức Cửu phẩm bá hộ. Nhà do nhóm thợ nức tiếng làng mộc Văn Hà, nay là xã Tam Thành (huyện Phú Ninh) xây dựng ròng rã suốt 3 năm.
Vì giá trị tạo hình hết sức độc đáo nên căn nhà này đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Năm 2014, ngôi nhà được tỉnh Quảng Nam đầu tư trùng tu, thay thế một số thanh gỗ bị mối mục nhưng những giá trị kiến trúc vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.
Ông Hoan cho biết thêm, cha ông là cụ Nguyễn Huỳnh Anh lúc còn sống thường nói với con cháu rằng ngôi nhà là báu vật vô giá mà tổ tiên dày công xây dựng, nên bất cứ giá nào cũng phải cố gìn giữ. Vì vậy, trải qua 4 thế hệ, nhiều đại gia đến gạ mua, trong đó có người trả giá cả triệu đô, nhưng vẫn chỉ nhận lại cái “lắc đầu” của gia chủ.
"Ngôi nhà là tài sản vô giá, vừa là báu vật của cha ông để lại nên sau này tôi qua đời thì con cháu sẽ tiếp tục gìn giữ nó", ông Hoan nhấn mạnh.
Hình ảnh ngôi nhà cổ 200 tuổi bằng gỗ mít:
Ngôi nhà được xây trên khu đất rộng hơn 4 hecta, nằm ở lưng chừng một ngọn đồi, cao hơn những nhà khác trong làng khoảng 50m.
Con ngõ dẫn vào ngôi nhà, một bên là bờ đá hàng trăm năm tuổi rêu phong phủ kín, một bên là hàng chè tàu được cắt tỉa kỹ càng.
Phía trước ngôi nhà có bể cá, vườn cây cảnh.
Trước hiên nhà cũng có một hồ sen nhỏ, tạo cảm giác thư thái, bình yên.
Trước đây, nhà lợp bằng tranh, đến đời cha ông Hoan được thay thế bằng mái ngói âm dương mua từ phố cổ Hội An.
Ngôi nhà có kiến trúc nhà rường Quảng Nam, với 3 gian 2 chái. Nhà được dựng từ 36 cây cột chính bằng gỗ mít ròng, trong đó 16 cột lớn cỡ một người ôm. Nền nhà được làm bằng đất trộn với vôi và tro bếp.
Mọi ngóc ngách trong ngôi nhà đều được chạm khắc công phu, tỉ mỉ đến từng chi tiết.
Các đầu kèo, đuôi kèo được trang trí hình con dao và lá cúc cách điệu. Phần bụng kèo là chim trĩ, tùng lộc, nho - sóc, cổ đồ, hoa lan, mai, quả điệp... bụng kèo chạm lộng dây hoa cúc cách điệu.
Căn nhà vẫn còn lưu giữ nhiều đồ đạc từ đời cụ cố của ông Hoan.
Ngôi nhà cổ gỗ mít ròng tiêu biểu cho kiểu thức “tam đoạn kẻ chuyền”, tức có ba vì kèo nối liên tục và gối lên nhau tại các điểm tiếp xúc thông qua các cột cái, cột quân và cột hiên.
Phía sau nhà là bờ tường đá với nhiều cây cảnh.
Vẻ đẹp của ngôi nhà cổ được bảo tồn gần như nguyên vẹn sau 4 đời chủ nhân.