Đa cấp bất động sản
Nguyễn Thái Luyện sinh năm 1985, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM. Sau khi tốt nghiệp một trường đại học ở TPHCM, Luyện làm nhân viên môi giới đất nền trên địa bàn TPHCM và các tỉnh lân cận.
Đến đầu tháng 5/2016, Nguyễn Thái Luyện tách ra hoạt động độc lập và thành lập Công ty Alibaba, hai người em của Luyện là Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng giám đốc) và Nguyễn Thái Lực cũng là cổ đông của công ty này.
Công ty Alibaba ban đầu đặt trụ sở tại căn nhà nhỏ trên đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, sau đó dời về tòa cao ốc trên đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TPHCM. Ngoài Công ty Alibaba, Luyện còn thành lập khoảng 20 công ty con để thực hiện việc lập các dự án phân lô bán nền ở TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận.
|
Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT và em là Nguyễn Thái Lĩnh, Tổng giám đốc công ty Alibaba bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản |
Trước khi bị bắt, Luyện làm mưa làm gió trên thị trường bất động sản ở khu vực phía Nam và nổi tiếng với những phát ngôn gây sốc khiến rất nhiều người quan tâm. Để lôi kéo nhân viên tham gia vào công ty, Luyện chủ trương hoạt động công ty theo hình thức đa cấp, cho nhân viên tham gia đóng góp cổ phần. Vì vậy, khi xảy ra cưỡng chế các dự án “ma” ở một số địa phương, những nhân viên này sẵn sàng lao vào cản trở, chống đối lực lượng thi hành công vụ như con thiêu thân vì đã lỡ bỏ tiền vào công ty.
Đến thời điểm này, công ty Alibaba có khoảng 2.500 nhân viên. Không chỉ hoạt động đa cấp, Nguyễn Thái Luyện còn gây chú ý bởi những phát ngôn gây sốc. Cty Alibaba khi thành lập có vốn điều lệ 1 tỷ đồng, chỉ 4 tháng sau Luyện loan báo lên 20 tỷ và 1 năm sau Luyện “nổ” lên hẳn 1.600 tỷ đồng.
Đến năm 2019, Cty Alibaba lại thông báo tăng vốn điều lệ lên 5.600 tỷ đồng khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên về tốc độ phát triển “thần tốc” của công ty này. Thời điểm tăng vốn điều lệ, Cty Alibaba có 3 cổ đông chính là Nguyễn Thái Luyện (80%), Nguyễn Thái Lĩnh (em trai Luyện, Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật của Cty Alibaba, 10%) và bà Võ Thị Thanh Mai (10%).
Vẽ dự án “ma”, bán đất nền trên giấy
Không chỉ “nổ” về tốc độ phát triển của Công ty Alibaba, để củng cố địa vị và vươn vòi bạch tuộc ra các vùng nông thôn, Luyện đưa người thân vào làm những vị trí quan trọng trong công ty như Nguyễn Thái Lĩnh là Tổng giám đốc Cty Alibaba, vừa bị Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam cùng ngày với Luyện và người em trai là ông Nguyễn Thái Lực, được giao nhiệm vụ đi thu mua đất nông nghiệp, đứng tên rồi vẽ ra các dự án nhằm lừa khách hàng.
Những địa phương được Luyện chọn để vẽ các dự án “ma” là Đồng Nai, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, có những dự án được Alibaba “nổ” là “Siêu dự án mang đẳng cấp Nhật Bản” như dự án Ali Aqua Nhơn Trạch, dự án Khu dân cư Alibaba Tân Thành… Tất cả những dự án này đều chưa được chính quyền cấp phép nhưng Alibaba vẫn rao bán rầm rộ.
|
Công an thu nhiều tài liệu trong công ty Alibaba
|
Ngoài ra, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai là nơi có dự án Sân bay quốc tế Long Thành cũng được Alibaba “tấn công” và rao bán hàng loạt dự án như khu dân cư Alibaba Long Thành, Alibaba An Phước, Alibaba Long Phước, Alibaba Bàu Cạn…, cho dù lãnh đạo huyện này khẳng định chưa cấp phép cho bất cứ dự án nào của Alibaba.
Theo thống kê mới nhất của tỉnh Đồng Nai, Công ty Alibaba đang rao bán đến 29 dự án đất nền, trong đó nhiều nhất là tại huyện Long Thành với 27 dự án, Xuân Lộc và Nhơn Trạch mỗi huyện có 1 dự án. Mới đây nhất, Công ty Alibaba cũng rao bán dự án “ma” tại xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Khi phát hiện công ty này đang rao bán đất nền của “dự án” trên, UBND huyện Xuân Lộc phải cho lực lượng tháo dỡ tất cả biển quảng cáo, tường bao xung quanh khu đất.
Một số dự án “ma” khác bị cơ quan chức năng cưỡng chế tháo dỡ tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào giữa tháng 6 vừa qua. Cũng thời điểm bị cưỡng chế, nhiều nhân viên của công ty này chống đối, đập phá máy móc của cơ quan chức năng… Lực lượng chức năng đã phải đưa 10 đối tượng là người của Công ty Alibaba về trụ sở làm việc.
Ngay sau đó, Nguyễn Thái Luyện đã cùng người thân, nhân viên Công ty Alibaba đến trụ sở công an “yêu cầu” thả người. Ngoài ra, Luyện còn livestream trên mạng xã hội và có những phát ngôn miệt thị chủ tịch và lực lượng công an xã nơi đã thi hành lệnh cưỡng chế dự án của Luyện.
Cơ quan chức năng đã mời Luyện lên làm việc và lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt Luyện 7,5 triệu đồng về hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
Sau thời gian dài bị báo chí phanh phui, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, công an xác định Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh và đồng bọn đã thành lập Công ty cổ phần địa ốc Alibaba và các công ty thành viên, tự vẽ các dự án không có thật tại một số tỉnh phía Nam chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án... nhưng đã huy động tiền của hàng nghìn khách hàng để chiếm đoạt.
Đến đầu tháng 5/2016, Nguyễn Thái Luyện tách ra hoạt động độc lập và thành lập Công ty Alibaba, hai người em của Luyện là Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng giám đốc) và Nguyễn Thái Lực cũng là cổ đông của công ty này.
Khoảng 14h chiều 18/9, hàng trăm trinh sát Bộ Công an phối hợp cùng Công an TPHCM ập vào phong tỏa trụ sở chính của Công ty Alibaba trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức, TPHCM và nhiều chi nhánh của công ty này ở các tỉnh lân cận. Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thái Luyện (SN 1985, là Chủ tịch Công ty địa ốc Alibaba) và Nguyễn Thái Lĩnh (SN 1989, Tổng giám đốc Công ty Alibaba, cùng ngụ tỉnh Gia Lai, trú TPHCM) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Sau nhiều giờ làm việc, đến rạng sáng 19/9, công an đưa các bị can cùng hàng chục thùng tài liệu rời khỏi trụ sở Công ty Alibaba.