Căn cứ theo theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 tại Nghị định số 155/2020 ngày 31/12/2020 của Chính phủ, cổ phiếu của một công ty có thể bị hủy niêm yết nếu kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tiếp hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong BCTC kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét, HoSE lưu ý Vietnam Airlines về khả năng cổ phiếu HVN bị hủy niêm yết nếu BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ và/hoặc vốn chủ sở hữu là số âm.
|
HVN có khả năng bị huỷ niêm yết nếu BCTC hợp nhất không thay đổi. |
Tính chung năm 2022, tổng doanh thu của HVN đạt gần 71.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với cả năm 2021 và tương đương 70%. Tuy nhiên, giá nhiên liệu bay cùng tỷ giá tăng mạnh khiến HVN vẫn lỗ trước thuế 10.091 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế âm 10.369 tỷ qua đó nâng mức lỗ luỹ kế tại thời điểm 31/12/2022 lên hơn 34.000 tỷ đồng. Đáng chú ý đây cũng là năm lỗ thứ 3 liên tiếp của HVN.
Như vậy, HVN khả năng cao sẽ bị huỷ niêm yết theo luật định nếu các chỉ số trong báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2022 không đổi.
Đây không phải lần đầu tiên HoSE lưu ý về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu HVN. Hồi tháng 9/2022, Sở đã có văn bản gửi tới Vietnam Airlines với lý do tương tự, khi đó số lỗ lũy kế của đơn vị này là hơn 28.904 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 4.897 tỷ đồng.
Trước đó, từ ngày 1/6, HoSE đã ban hành quyết định giữ nguyên diện kiểm soát đối với cổ phiếu HVN với lý do vốn chủ sở hữu âm 2.160 tỷ đồng căn cứ theo BCTC quý I/2022 và công ty đã lỗ trong 2 năm gần nhất.
Trên thị trường, hiện hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN đang giao dịch tại mức giá 13.100 đồng/cổ phiếu, vốn hóa tương ứng đạt gần 29.000 tỷ đồng.