Bộ Tài chính vừa trình Quốc hội Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường, trong đó có đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.
Theo đó, thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng này sẽ tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít... Số thu từ dòng thuế này sẽ vào khoảng trên 55.000 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 14.368 tỷ đồng/năm.
Theo Bộ Tài chính, lý do cho việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là nhằm tăng thu ngân sách cũng như tạo ra các điều kiện môi trường tốt, khuyến khích tiêu thụ sản phẩm sạch, thân thiện môi trường.
|
Với giá xăng A95 được công bố vào ngày 8/5 (20.911 đồng/lít), ước tính, số thuế phí mà người tiêu dùng khi mua một lít xăng phải trả là khoảng 8.000 đồng. |
Tăng phí bảo vệ môi trường xăng dầu - Lợi bất cập hại - Truyền hình Quốc hội Việt Nam
Ngay khi dự kiến này được đưa ra, nhiều người tiêu dùng đã bày tỏ nhiều ý kiến không đồng tình. Chia sẻ với Kiến Thức, độc giả Đức Quý (Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội) băn khoăn: “Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống cũng như các ngành sản xuất. Do đó, mặt hàng này có tăng giá như thế nào thì người dân và doanh nghiệp vẫn phải sử dụng. Nhưng không chỉ có thế. Vấn đề đặt ra là nếu tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, tất yếu sẽ dẫn đến tăng giá nhiều mặt hàng thiết yếu khác. Như vậy, người dân không chỉ chịu đựng giá xăng tăng mà còn phải chịu nhiều sản phẩm, dịch vụ khác tăng, trong khi thu nhập hạn hẹp”.
Cùng quan điểm, anh Vũ Đình Hiệu (Hà Đông, Hà Nội) đặt câu hỏi: “Tăng thuế môi trường có thực sự góp phần bảo vệ được môi trường? Hay là trước khi phát huy hiệu quả đó, chính sách này đã "bóp chẹt" người dân, nhất là dân nghèo?”
Theo chị Thùy Dương (Hai Bà Trưng, Hà Nội), về lý thuyết, việc tăng thuế bảo vệ môi trường vào các nhiên liệu, vật liệu gây hại môi trường như xăng dầu, than đá, túi ni lông là phù hợp với xu thế của thế giới văn minh, nhằm hạn chế sử dụng và tạo ngân sách cho các hoạt động bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, tiền thu từ sắc thuế này của người dân cần phải được chi tiêu đúng mục đích bảo vệ môi trường, có kế hoạch cụ thể, công khai và minh bạch.
Nếu trước khi đề xuất tăng kịch khung sắc thuế này, Bộ Tài chính cùng các bộ ngành liên quan công bố được toàn bộ các dự án bảo vệ môi trường dùng ngân sách nhà nước trong thời gian tới, có kế hoạch và lộ trình rõ ràng, thì ắt người dân sẽ đồng cảm hơn.
Bên cạnh đó, câu hỏi được nhiều người đặt ra là: Tại sao xăng sinh học E5 cũng bị áp tăng thuế, trong khi đây là mặt hàng trước kia được khuyến khích sử dụng vì ý nghĩa bảo vệ môi trường?