Trò chuyện với PV.VietNamNet chiều 7/5, ông Trần Văn Mạnh (ở thôn Ngư Uyên, xã Long Xuyên, Kinh Môn, Hải Dương) nói: "Giá trứng gà vài ngày trở lại đây đã nhích lên 1.500 đồng/quả, song vẫn lỗ nặng lắm".
Ông Mạnh là một trong những hộ chăn nuôi gà đẻ trứng quy mô lớn ở Hải Dương. Hiện đàn gà đẻ của gia đình ông lên tới 3 vạn con, cho thu 2,7 vạn quả trứng/ngày. Trong hơn chục năm chăn nuôi gà, ông từng chịu thua lỗ vì giá trứng rẻ. Song, lỗ ròng suốt nửa năm trời như hiện nay thì ít khi xảy ra.
“Trứng gà đỏ phải bán được giá trên 1.700 đồng/quả thì mới hoà vốn. Còn giá như hiện nay, mỗi ngày tôi lỗ khoảng 6 triệu đồng”, ông nói và nhẩm tính, 1 tháng gánh lỗ khoảng 180 triệu đồng. Thậm chí, có thời điểm giá trứng gà chỉ 1.200 đồng/quả, tức mỗi ngày thua lỗ khoảng 15 triệu đồng.
|
Giá trứng giảm mạnh, người chăn nuôi thua lỗ nặng. Ảnh: Nguyên Phương |
Về nguyên nhân giá trứng gia cầm giảm mạnh và “nằm đáy” trong một thời gian dài, ông Mạnh nhận định do nguồn cung quá dồi dào, trong khi nhu cầu trên thị trường không tăng. Thế nên, giá giảm và khó tăng trở lại. Đặc biệt, hiện vào mùa hè – mùa tiêu thụ thấp điểm trong năm - nên giá bán càng khó phục hồi hơn.
Ông Nguyễn Văn Phương (chăn nuôi gà công nghiệp ở Long Thành, Đồng Nai) cho biết, với giá đang bán 25.000 đồng mỗi kg, một con gà công nghiệp trọng lượng 2,5kg khi xuất chuồng đang lỗ khoảng 12.000 đồng. Trang trại gà của ông xuất bán khoảng 20.000 con/tháng. Với mức giá này, ông sẽ lỗ 240 triệu đồng/tháng.
Thời điểm cuối năm 2023 và đầu năm 2024 còn lỗ nặng hơn khi giá gà chỉ 22.000-23.000 đồng/kg.
“Vài năm nay, giá gà công nghiệp bấp bênh. Đa phần chịu thua lỗ nặng", ông buồn rầu nói. Do đó, quy mô chuồng trại nuôi từ gần nửa triệu con gà công nghiệp, giờ chỉ nuôi 60.000-80.000 con, bởi lỗ nhiều, cạn vốn.
Báo cáo mới đây của Bộ NN-PTNT cho thấy, trong quý I/2024, đàn gia cầm ở nước ta ước tăng 2,1%; sản lượng thịt đạt 593,5 nghìn tấn (tăng 5,1%); trứng gia cầm đạt khoảng 5,03 tỷ quả (tăng 4,8%).
Đáng nói, trong tháng 4, giá gà công nghiệp giảm khá mạnh. Theo đó, gà công nghiệp thu mua tại Vĩnh Long ở mức 30.000 đồng/kg, giảm 8.000 đồng/kg so với tháng 3. Tại Đồng Nai, giá gà công nghiệp rớt xuống mức 25.800 đồng/kg.
Trứng gà ta vẫn giữ được mức giá ổn định như tháng 3, ở mức 28.000 đồng/chục quả, trong khi trứng gà công nghiệp giảm 8,6%, về mức 16.000 đồng/chục quả.
Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Văn Ngọc - Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ thừa nhận, người nuôi gà công nghiệp lông trắng và gà đẻ trứng đang phải bán các sản phẩm dưới giá thành sản xuất, chịu lỗ rất nặng.
Như gà công nghiệp lông trắng ở Đồng Nai đang có giá 25.000 đồng/kg. Tức, mỗi 1kg gà loại này khi xuất chuồng người chăn nuôi chịu lỗ 5.000 - 6.000 đồng/kg.
Theo ông Ngọc, giá gà công nghiệp và trứng gia cầm “không ngóc đầu” lên được là do ồ ạt nuôi. Cùng với đó, hàng lậu và hàng nhập khẩu lại tràn về với số lượng lớn dẫn đến tình trạng cung vượt cầu.
“Năm ngoái, giá lợn rất thấp, giá trứng gia cầm lại neo cao. Người nuôi lợn chuyển sang nuôi gà đẻ trứng dẫn đến nguồn cung ra thị trường tăng, trong khi nhu cầu tiêu thụ không tăng nên giá rớt”, ông chỉ rõ.
Còn với thịt gà, hàng nhập lậu, hàng nhập khẩu chính ngạch về số lượng lớn, giá lại rẻ. Đùi gà góc tư giá bán chỉ trên 30.000 đồng/kg, cánh gà, chân gà, gà thải loại từ Hàn Quốc và Thái Lan tràn về cạnh tranh với gà nội địa.
Thời điểm này bước vào mùa nắng nóng, học sinh chuẩn bị vào đợt nghỉ hè… nên sức tiêu thụ sẽ giảm. Theo đó, giá mặt hàng gia cầm sẽ khó tăng trong thời gian tới, ông Ngọc nhận định.
Khi nói về tình hình nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam - thốt lên rằng: “2-3 năm trở lại đây, lượng hàng nhập về nước ta tăng khủng khiếp”. Đáng nói, số lượng nhập chính ngạch càng ngày càng tăng, trong khi hàng nhập lậu vẫn ồ ạt về.
Ông Dương nhấn mạnh, nước ta đang nhập rất nhiều sản phẩm chăn nuôi thải loại ở các nước về làm thực phẩm. Điển hình, gà đẻ loại thải (gà hết chu kỳ khai thác trứng) nên Thái Lan, Hàn Quốc không dùng làm thực phẩm thì xuất khẩu sang Việt Nam với giá chỉ 20.000 đồng/con. Về đến biên giới giá thành khoảng 40.000 đồng/con và đưa ra thị trường bán với 50.000-60.000 đồng/con.
Trước đó, các hiệp hội chăn nuôi ở nước ta cũng kiến nghị cơ quan chức năng phải ngăn chặn tình trạng nhập lậu, kiểm soát chặt hàng nhập khẩu để bảo vệ ngành chăn nuôi nội địa cũng như sức khoẻ người tiêu dùng.