Ngày 17/10 tới đây, Công ty CP Xây dựng Coteccons (mã: CTD) sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 theo hình thức trực tuyến. Đây sẽ là năm đầu tiên Coteccons thực hiện thay đổi năm tài chính, theo đó kết quả kinh doanh năm tài chính 2023 sẽ chỉ tính trên 6 tháng, tức từ ngày 1/1-30/6/2023. Năm tài chính 2024 sẽ tính đầy đủ trên 12 tháng, từ ngày 1/7/2023 đến ngày 30/6/2024.
Theo tài liệu gửi cổ đông, Coteccons đặt kế hoạch năm tài chính 2024 (từ 1/7/2023 đến 30/6/2024) với 17.793 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 274 tỷ đồng, lần lượt gấp 2,6 lần và gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Công ty dự kiến không chia cổ tức và không trích lập các quỹ đối với năm tài chính 2023.
“Lấn sân” sang BĐS, doanh thu tăng
Công ty CP Xây dựng Coteccons vừa xác nhận hợp tác đầu tư và phát triển dự án The Emerald 68 – dự án căn hộ tọa lạc tại mặt tiền Đại lộ Bình Dương, phường Vĩnh Phú, TP Thuận An (Bình Dương) với Công ty CP Tập đoàn Lê Phong (Tập đoàn Lê Phong).
Đây là dự án đầu tiên của Coteccons trong vai trò nhà phát triển, có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, thuộc phân khúc trung cao cấp, nằm trên khu đất có diện tích gần 8.000 m2, cách TP HCM khoảng 1 km, sát địa phận TP Thủ Đức.
Tòa căn hộ gồm một khối với hai block, cao 39 tầng nổi với gần 800 căn hộ 1 - 3 phòng ngủ, sở hữu chuỗi tiện ích nội khu hoàn chỉnh từ y tế, giáo dục, vui chơi giải trí, mua sắm... Theo chủ đầu tư, The Emerald 68 đã hoàn thiện giấy chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch 1/500 và giấy phép xây dựng. Coteccons và Lê Phong cam kết sẽ hoàn thành dự án Emerald 68 và bàn giao đúng tiến độ trong năm 2026.
|
Ngừng "nội chiến" đầu tư ra nước ngoài, Coteccons nâng vốn điều lệ thế nào? (ảnh minh họa: Internet).
|
Trong một diễn biến khác, gần đây, Coteccons cũng công bố thông tin về quyết định của Tòa án nhân dân TPHCM về việc không mở thủ tục phá sản đối với công ty. Trước đó, doanh nghiệp này vướng vào vụ việc Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons nộp đơn lên tòa án, yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Coteccons vì một khoản công nợ quá hạn nhiều năm không thanh toán.
Sau đó, Coteccons lên tiếng cho rằng có phát sinh công nợ với Ricons nhưng là giai đoạn trước năm 2019. Khi đó, Coteccons và Ricons chịu sự điều hành và xác định như là những thành phần đóng góp cho một hệ sinh thái gồm 7 công ty thành viên có sự liên kết lẫn nhau, bao gồm: Coteccons, Unicons, Ricons, Newtecons, BM Windows, Sol E&C, Boho.
Được biết, vừa qua, Coteccons và Ricons cũng nằm trong 2 liên danh khác nhau, trong tổng cộng 3 liên danh tham gia đấu thầu gói thầu 5.10 trị giá 35.000 tỷ đồng của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) xây dựng án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ba liên danh tham gia gói thầu gồm: CHEC-BCEG-Vietnam Contractors, liên danh Hoa Lư và liên danh VIETUR. Trong đó, liên danh Hoa Lư do nhà thầu Việt Nam Coteccons đứng đầu.
Trong khi đó, Ricons từng là doanh nghiệp trong "hệ sinh thái Coteccons", thành lập năm 2004, khi ông Nguyễn Bá Dương còn là Chủ tịch Coteccons. Thời điểm thành lập, cổ đông sáng lập Coteccons nắm tỷ lệ sở hữu 20% tại Ricons và doanh nghiệp này trở thành nhà thầu phụ cho Coteccons. Khi ông Nguyễn Bá Dương từ nhiệm chức Chủ tịch Coteccons, Ricons cũng tuyên bố độc lập, xây dựng hệ sinh thái riêng.
Đáng chú ý trong báo cáo quý II/2023 là việc Coteccons không còn ghi nhận khoản nợ đối với Ricons. Trước đó, vào cuối quý I/2023, Coteccons ghi nhận khoản nợ 322,5 tỷ đồng với Ricons.
Về tình hình kinh doanh, quý II/2023, Coteccons ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 3.619 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 30 tỷ đồng, khả quan hơn so với khoản lỗ gần 24 tỷ đồng quý II/2022 và cũng là mức lãi cao nhất kể từ quý III/2021.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Coteccons ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 6.749 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 52 tỷ đồng, lần lượt tăng 30% và gấp gần 10 lần nửa đầu năm 2022, qua đó vượt kế hoạch cả năm đề ra (44 tỷ đồng)…
Xuất ngoại, vốn hóa nâng lên hơn nghìn tỷ
Mới đây, Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty CP Xây dựng Coteccons vừa thông qua nghị quyết thành lập công ty con là Coteccons Constructions Inc để thực hiện các hoạt động liên quan đến xây dựng, với mục tiêu chính là cung cấp dịch vụ xây dựng tại thị trường nước ngoài.
Hình thức đầu tư ra nước ngoài là bằng tiền mặt và nguồn vốn đầu tư hoàn toàn là vốn chủ sở hữu, không sử dụng vốn vay. Tuy nhiên, trong nghị quyết không nói rõ về số tiền đầu tư cũng như quốc gia thực hiện dự án.
Động thái trên của Coteccons nằm trong kế hoạch mục tiêu của doanh nghiệp này trong năm 2023. Trong báo cáo thường niên năm 2022, Coteccons nêu rõ, tiếp tục tăng cường hoạt động trên các lĩnh vực sản phẩm - dịch vụ khác, tiêu biểu là mảng pre-cast (công nghệ sản xuất bê tông đúc sẵn).
Tính đến ngày 30/6/2023, theo báo cáo tài chính công bố, Coteccons có 2 công ty con trực tiếp và 5 công ty con sở hữu gián tiếp, trong đó chưa có doanh nghiệp nào nằm ở nước ngoài. Trên báo cáo tài chính đã kiểm toán, tại ngày 30/6, Coteccons rót vốn vào hai công ty con với giá trị đầu tư gốc 2.510 tỷ đồng, 177 tỷ đồng vào hai công ty liên kết và gần 58 tỷ đồng vào một doanh nghiệp khác là Ricons.
Để chuẩn bị cho việc đầu tư ra nước ngoài, về mặt nhân sự, vào tháng 8/2023, HĐQT Coteccons đã thông qua việc phân công lại nhiệm vụ mới đối với các nhân sự cấp cao. Theo đó, ông Chris Senekki, Phó Tổng Giám đốc Coteccons sẽ đảm nhận nhiệm vụ mở rộng kinh doanh của Coteccons và các công ty con ra thị trường quốc tế. Ngoài ra, ông Chris Senekki vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ mảng phát triển kinh doanh các dự án vốn đầu tư nước ngoài của Coteccons tại thị trường Việt Nam. Ông Chris Senekki từng là Phó Tổng Giám đốc Coteccons và giờ là Phó Tổng Giám đốc tại Công ty TNHH Covestcons (công ty con của Coteccons).
Ở diễn biến liên quan, Coteccons cũng vừa có báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về đợt phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Cụ thể, trong đợt này Coteccons đã phát hành hơn 24,8 triệu cổ phiếu, theo tỷ lệ 3:1 (nghĩa là cổ đông sở hữu 3 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 1 cổ phiếu mới), phân phối cho 7.000 cổ đông. Nguồn vốn phát hành từ quỹ đầu tư phát triển trên báo cáo tài chính riêng năm 2022 đã được kiểm toán.
Coteccons cho biết, ngày kết thúc đợt phát hành cổ phiếu là 29/9/2023. Số cổ phiếu được phát hành thêm dự kiến chuyển giao trong tháng 10 - 11/2023.
Sau đợt phát hành này, tổng số cổ phiếu của Coteccons hiện là 103.633.261 cổ phiếu. Trong đó, số lượng cổ phiếu đang lưu hành tăng từ hơn 74,4 triệu đơn vị lên hơn 99,2 triệu đơn vị; số lượng cổ phiếu quỹ giữ nguyên là 4,4 triệu đơn vị. Qua đó, Coteccons nâng vốn điều lệ từ 788,3 tỷ đồng lên mức 1.036,3 tỷ đồng…