Ngoài đại án Phạm Công Danh, BIDV còn dính vụ án nào?

Google News

(Kiến Thức) - Ngoài đại án Phạm Công Danh, BIDV còn dính đến một số vụ án khác như: khởi tố 2 nguyên ủy viên HĐQT Ngân hàng BIDV, cán bộ ngân hàng BIDV tiếp tay cho lừa đảo...

3 cán bộ BIDV chi nhánh Gia Định bị khởi tố trong đại án Phạm Công Danh
Đại án Phạm Công Danh và các đồng phạm gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng (VNCB, nay là CBBank) hơn 9.000 tỷ đồng đã kết thúc với bản án nghiêm khắc dành cho 36 bị cáo. Đáng chú ý, bên cạnh các “nhân vật” đình đám, các doanh nghiệp và ngân hàng lớn nhỏ, tổng cộng gần 160 người có quyền và nghĩa vụ được nhắc đến thì ngân hàng BIDV cũng được gọi tên nhiều lần.
Theo thông tin đăng tải trên vietnambiz.vn, từ 12 hồ sơ khống do Pham Công Danh lập, BIDV đã giải ngân 4.700 tỷ đồng. Phần lớn số tiền này được chuyển qua các cá nhân thân cận của Phạm Công Danh để góp tăng vốn điều lệ cho VNCB, gây thiệt hại cho VNCB hơn 2.550 tỷ đồng. Một số sai phạm của BIDV trong quá trình cho vay được đưa ra trong quá trình điều tra.
Ngoai dai an Pham Cong Danh, BIDV con dinh vu an nao?
 Từ 12 hồ sơ khống do Pham Công Danh lập, BIDV đã giải ngân 4.700 tỷ đồng. Ảnh: BIDV.
Cụ thể, theo kết quả xác minh của cơ quan điều tra, đến nay có đủ căn cứ để xác định do cần tiền để chứng minh năng lực tài chính, tăng vốn điều lệ Ngân hàng Xây Dựng (VNCB) từ 3.000 lên 7.500 tỷ đồng (theo đề án tái cơ cấu được NHNN phê duyệt) và cần tiền để Tập đoàn Thiên Thanh trả nợ vay cũ, Phạm Công Danh đã thành lập 12 công ty đứng tên vay vốn BIDV theo phương án kinh doanh khống là bổ sung nguồn vốn kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD).
Phạm Công Danh đã lợi dụng mối quan hệ với lãnh đạo BIDV và việc BIDV được NHNN giao làm đầu mối triển khai gói "4 nhà" để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, giải phóng VLXD. Đồng thời lợi dụng thoả thuận hợp tác giữa VNCB và BIDV với nội dung: "BIDV ủng hộ VNCB tham gia chuỗi liên kết 4 nhà của BIDV với tư cách ngân hàng của người bán, trên cơ sở VNCB có khách hàng/đối tác tham gia tích cực vào chuỗi liên kết này" để đề nghị BIDV xem xét cấp hạn mức cho vay 12 công ty do VNCB giới thiệu. VNCB sẽ cam kết dùng số dư tiền gửi tại BIDV để cầm cố bảo lãnh cho khoản vay nếu tài sản bảo đảm (TSBĐ)của các công ty trên không đủ.
Do đó, TSBĐ của 12 khoản vay là các bất động sản ở Đà Nẵng đứng tên các công ty thuộc Thiên Thanh (gồm: 6 lô đất Sân vận động Chi Lăng, đất tại số 209 Trường Chinh, Đà Nẵng) và tiền gửi của VNCB tại BIDV (3.070 tỷ đồng có cam kết duy trì gửi tiền 7 tháng).
Số tiền VNCB gửi tại BIDV có kỳ hạn là 7 ngày và đã có tờ trình xin ý kiến của Tổ giám sát về việc này với lý do là để đảm bảo khả năng thanh khoản ngay. Tờ trình có chữ ký của thành viên Tổ giám sát nhưng không ghi đồng ý hay không.
Ông Phạm Công Danh là người chỉ đạo ông Phan Thành Mai – Phó Tổng Giám đốc VNCB ký văn bản giới thiệu 12 khách hàng của VNCB có nhu cầu vay vốn theo gói 4 nhà đề nghị BIDV xem xét cho vay và cam kết sẵn sàng dùng tiền gửi của VNCB để cầm cố bảo lãnh khoản vay nếu TSBĐ của doanh nghiệp không đủ.
Sau khi được BIDV giải ngân 4.700 tỷ đồng vào tài khoản 4 công ty, Phạm Công Danh không dùng để kinh doanh VLXD mà chuyển lòng vòng qua nhiều tài khoản để về tài khoản VNCB tại Agribank nhằm tăng vốn điều lệ dưới danh nghĩa các cổ đông nộp tiền mua cổ phần tăng thêm. Trong đó, 4.000 tỷ được sử dụng để tăng vốn điều lệ và 700 tỷ đồng chuyển lòng vòng để trả nợ vay cũ của Tập đoàn Thiên Thanh (623,5 tỷ đồng gốc và 76,4 tỷ đồng lãi).
2 nguyên ủy viên HĐQT Ngân hàng BIDV bị khởi tố
Ngoài đại án Phạm Công Danh, BIDV còn dính đến một số vụ án khác. Theo thông tin trên báo Lao động, ngày 29/1/2016, nguồn tin từ Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết, Cục CSĐT Tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Bộ Công an (C46) vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với hai nguyên ủy viên HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV là ông Nguyễn Phước Hòa và Huỳnh Nam Dũng.
2 nguyên ủy viên HĐQT Ngân hàng BIDV bị khởi tố vì liên quan đến những sai phạm trong điều hành hoạt động tại Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB), Công ty chứng khoán Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà Đồng băng sông Cửu Long (MHBS) trước khi sáp nhập vào BIDV. Liên quan đến vụ việc này, một số cán bộ tại MHBS cũng bị C46 khởi tố.
Ngoai dai an Pham Cong Danh, BIDV con dinh vu an nao?-Hinh-2
Ông Huỳnh Nam Dũng. Ảnh: Lao động. 
Cụ thể, MHB sáp nhập vào BIDV từ ngày 23/5/2015. Ông Nguyễn Phước Hòa sinh năm 1956. Từ tháng 10/2000 – 5/2011 là ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng MHB. Từ tháng 6/2011 đến tháng 7/2012 là thành viên HĐTV kiêm Tổng Giám đốc MHB. Từ tháng 8/2012 đến 22/5/2015 là thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng MHB. Đến ngày 23/5/2015 được phân công tham gia ủy viên BIDV, đến nay thì đã bị đình chỉ.
Còn ông Huỳnh Nam Dũng sinh năm 1956. Tháng 7/1997 ông Dũng là ủy viên Ban trù bị thành lập Ngân hàng MHB. Từ tháng 1/1998 – 6.2002 là Phó Tổng Giám đốc MHB. Từ tháng 7/2002 đến tháng 5/2011 là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng MHB. Từ tháng 6./2011 – 7/2012 là Chủ tịch HĐTV Ngân hàng MHB. Từ tháng 8.2012 đến ngày 22/5/2015 là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng MHB. Ngày 23/5/2015 là ủy viên HĐQT Ngân hàng BIDV đến nay thì bị đình chỉ.
Được biết, ông Huỳnh Nam Dũng từng làm việc tại Văn phòng Chính phủ, từng là thành viên nhóm tư vấn về đầu tư cho Thủ tướng, thành viên nhóm chuyên gia giúp Thường trực Chính phủ về tài chính, ngân hàng, thành viên nhóm nghiên cứu về đổi mới kinh tế xã hội và cải cách hành chính của Thủ tướng và từng nhiều năm làm việc tại Bộ Ngoại giao.
Cán bộ ngân hàng BIDV vướng lao lý vì vi phạm các quy định về cho vay
Trước đó, ngày 13/9/2016, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng Công an tỉnh Bạc Liêu đã bắt tạm giam, khám xét nơi làm việc, chỗ ở đối với Trần Út Mười (sinh năm 1986) - Nguyên cán bộ Phòng khách hàng doanh nghiệp thuộc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Bạc Liêu về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.”
Trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến 2013, Trần Út Mười là cán bộ Phòng khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Bạc Liêu đã có hành vi không kiểm tra, đối chiếu chứng từ gốc, không kiểm tra kỹ tài sản thế chấp, dẫn đến bị Công ty cổ phần thủy sản Minh Hiếu Bạc Liêu chiếm đoạt đến 64 tỷ đồng của ngân hàng này. Cụ thể, công ty Minh Hiếu đã lập xuất hóa đơn khống với hàng hóa ma để gửi ngân hàng. Sau đó, nhân viên ngân hàng BIDV Bạc Liêu đã giải ngân cho ông Dũng với số tiền gần 37 tỷ đồng, đến nay số nợ này lên đến 42 tỉ đồng nhưng công ty không có khả năng thanh toán.
Cán bộ ngân hàng BIDV tiếp tay cho lừa đảo
Ngày 12/1/2016, hai cán bộ chủ chốt của ngân hàng BIDV Tây Sài Gòn có tên Nguyễn Thái Hà (nguyên trưởng phòng khách hàng) và Hoàng Thị Bích Hồng (nguyên cán bộ tín dụng) cũng đã bị bắt để điều tra về việc vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động tổ chức tín dụng.
Ông Thiện giám đốc công ty Thiện Linh đã vay vốn ngân hàng để thực hiện dư án khu trung tâm thương mại và siêu thị tại cửa khẩu Mộc Bài. Tuy nhiên, do công ty làm ăn thua lỗ cho nên người đàn ông này đã thành lập 2 doanh nghiệp con sau đó tạo hồ sơ khống, hồ sơ giả để 2 công ty này tiếp tục vay vốn ngân hàng. Nhờ 2 cán bộ ngân hàng BIDV kiểm duyệt hồ sơ và tiếp nhận mà ông này đã vay trót lọt đến 21 tỷ đồng.
Đầu năm 2013, bảo hiểm BIDV (BIC) cũng đã bị khách hàng tố cài thông tin giả để né trách nhiệm bồi thường. Theo ông Đỗ Lương (Đà Nẵng) thì công ty của ông có đầu tư xây dựng nhà ở kết hợp khách sạn và tham gia gói bảo hiểm của công ty bảo hiểm BIDV Đà Nẵng. Theo hợp đồng thì công ty bảo hiểm BIDV có trách nhiệm bồi thường mọi rủi ro trong quá trình xây dựng trong thời hạn bảo hiểm và 12 tháng sau khi xây dựng.
Tuy nhiên, khi việc xây dựng gây ra thiệt hại cho các hộ dân xung quanh thì ông Lương đã dừng lại và đề nghị BIC bồi thường bảo hiểm. Công văn từ Phó Giám đốc của BIDV Đà Nẵng đã thông báo từ chối bồi thường với lý do công việc xây dựng được triển khai trước khi ký hợp đồng và khách hàng không trung thực trong việc khai báo tình trạng đối tượng bảo hiểm. Mãi sau khi khiếu nại qua lại dài ngày, BIDV mới đồng ý bồi thường gần 137.217.000 đồng. Số tiền này trên thực tế chỉ tương đương với 1/4 số tiền ông Lương đã phải tự bỏ ra để bồi thường trách nhiệm dân sự cho các hộ bị thiệt hại, 600 triệu đồng.
Ngoai dai an Pham Cong Danh, BIDV con dinh vu an nao?-Hinh-3
Một trong số những biên lai nộp tiền của công ty vận tải Quang Minh. Ảnh: Giáo dục Việt Nam
Để từ chối bồi thường, công ty bảo hiểm BIDV còn cố tình lừa gạt khi ghi sẵn thông tin để đưa các hộ dân ký biên bản, để khẳng định tổn thất phát sinh trước thời hạn bảo hiểm. Tuy nhiên, việc làm giả hồ sơ tài liệu này của BIC Đà Nẵng đã bị khách hàng lật tẩy. Vụ việc này vẫn chưa kết thúc, đại diện của BIDV vẫn chưa trả lời thỏa đáng mà chỉ chung chung ““Vì hai bên không thống nhất được phương án giải quyết nên hiện BIC đã có đề nghị khách hàng đưa vụ việc ra cơ quan tài phán theo đúng quy định của Hợp đồng Bảo hiểm.”
BIDV chi nhánh phòng giao dịch Quang Minh bị khách hàng tố cáo “cố tình chiếm đoạt 800 triệu đồng" suốt 2 năm. Cuối năm 2010, Công ty vận tải Thăng Long đã mua lại tài sản, bao gồm ô tô Mitsubishi của Công ty Cổ phần Thương mại sản xuất Á Châu và lô đất của giám đốc công ty này để thanh toán nợ với BIDV Quang Minh. Trước đó, số tài sản trên được Á Châu thế chấp với BIDV Quang Minh để vay vốn phục vụ kinh doanh sản xuất. Tuy nhiên, do không có tiền hoàn trả ngân hàng, Á Châu buộc phải thanh toán số nợ này bằng cách xin tự bán số tài sản trên cho vận tải Thăng Long để giải chấp cho ngân hàng. Việc này đã được BIDV Quang Minh chứng kiến và chấp thuận kế hoạch trả nợ của Á Châu.
Một trong số những biên lai nộp tiền của công ty vận tải Quang Minh.
Khi công ty vận tải Thăng Long thanh toán đủ tiền, có biên lai và chứng nhận của ngân hàng theo hợp đồng thế chấp thì trong 5 ngày BIDV phải có trách nhiệm làm đầy đủ thủ tục giải chấp và xóa đăng ký thế chấp tài sản trên tại văn phòng công chứng và Phòng CSGT – CA thành phố Hà Nội để bên mua làm thủ tục hợp pháp. Tuy nhiên, ngân hàng này vẫn không làm thủ tục giải chấp và xóa đăng ký thế chấp tài sản trên.
Qua gần 2 năm, không được tiếp nhận cũng như quản lý xe và đất nhưng vận tải Thăng Long đã nộp vào ngân hàng với tổng số tiền lên đến 800 triệu đồng. Công ty yêu cầu BIDV Quang Minh hoàn trả lại số tiền 800 triệu đồng nếu không thì phải hoàn trả giấy tờ và làm thủ tục giải chấp thì bất ngờ BIDV Quang Minh ra thông báo(không hề có số) tạm giữ chiếc xe và không hoàn trả lại giấy tờ xe cũng như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Vận tải Thăng Long đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng tố cáo việc BIDV Quang Minh cố tình chiếm đoạt 800 triệu đồng.
Hồng Liên (Tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)