BIDV Hoài Đức vô trách nhiệm!
Theo trình bày của anh T., vào tháng 10/2016 gia đình anh có tìm mua một căn hộ thuộc Khu đô thị Tân Tây Đô do Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (Công ty Hải Phát) làm chủ đầu tư.
Do có khó khăn về tài chính, anh T. được nhân viên kinh doanh của Công ty Hải Phát tư vấn rằng, hiện chủ đầu tư đã có ký kết hợp tác với Ngân hàng BIDV chi nhánh Hoài Đức trong việc hỗ trợ khách hàng mua căn hộ tại Tân Tây Đô được vay tín dụng.
|
Đã qua nhiều tháng thanh toán gói tín dụng nhưng anh T. vẫn chưa được BIDV Hoài Đức hoàn thiện thủ tục theo quy định. |
Ngay sau đó, một cán bộ ngân hàng được giới thiệu làm việc và tư vấn cho anh T. lựa chọn các gói tín dụng của BIDV. Tin tưởng vào sự nhiệt tình cũng như chu đáo của BIDV, anh T. nhanh chóng lựa chọn và ký kết hợp đồng vay gói tín dụng phù hợp với gia đình mình, sau đó số tiền giải ngân được chuyển trực tiếp cho Công ty Hải Phát.
Do thu xếp được tài chính nên đến ngày 16/3/2017 gia đình anh T. đề nghị với BIDV Hoài Đức được thanh lý hợp đồng tín dụng. Theo quy định, do anh T. thanh toán trước thời hạn nên phải chịu phạt theo quy định của Hợp đồng đã ký kết.
Sau khi làm thủ tục thanh lý và thanh toán đầy đủ số tiền đã vay, anh T. được cán bộ ngân hàng cho biết hiện sếp đi vắng nên không thể làm biên bản bàn giao cũng như mở hồ sơ của khách hàng được và hẹn một ngày khác đến để được giải quyết.
Tiếp đó, sau nhiều lần liên hệ với một cán bộ phụ trách tên H. của BIDV Hoài Đức, anh T. không được giải quyết nốt các thủ tục theo quy định mà chỉ nhận được sự trì hoãn như: Anh liên hệ trước để em chuẩn bị hồ sơ; hoặc hôm nay em đi ra ngoài…
Phải đến lần thứ 5 vào cuối tháng 5/2017 (Hơn 02 tháng sau khi anh T. thanh toán tổng số tiền nợ), BIDV Hoài Đức mới “cho” anh T. nhận lại hồ sơ của mình; đồng thời yêu cầu anh T. ký văn bản gửi tới Trung tâm đăng ký giao dịch tài sản tại TP Hà Nội để xóa tên tài sản đang bị BIDV Hoài Đức cầm cố. Nhân viên tên H. khẳng định, một ngày sau tài sản của anh T. sẽ được giao dịch bình thường.
Ngày 7/6/2017, anh T. liên hệ với cán bộ H. để lấy giấy tờ nhưng vị này tiếp tục bất hợp tác, khiến anh vô cùng mệt mỏi vì mất quá nhiều thời gian, liên tục bị BIDV Hoài Đức cố tình trì hoãn trong nhiều tháng qua.
|
Sau nhiều lần liên hệ đến ngày 8/6 tài sản bảo đảm của anh T. mới được phép giao dịch. |
Anh T. cho biết, sau đó đã liên hệ với một vị lãnh đạo thuộc phòng Khách hàng cá nhân của BIDV Hoài Đức, sau khi kiểm tra sự việc, vị này đã thay mặt BIDV Hoài Đức xin lỗi anh T. trong việc cán bộ H. vẫn… chưa gửi văn bản lên Trung tâm đăng ký giao dịch tài sản TP Hà Nội và hiện tài sản của khách hàng vẫn đang trong tình trạng bị cầm cố. Sau khi phản ánh, ngày 8/6 tài sản của anh T. mới thông báo là giao dịch bình thường.
Còn liên quan đến cán bộ ngân hàng tên H. thì vị lãnh đạo cho hay “sẽ kiểm tra và xử lý.” (?!)
Chủ đầu tư Hải Phát làm khó khách hàng?
Chưa dừng lại ở đó, ngày 12/6 anh T. đến Công ty Hải Phát để nhận Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo thông báo bằng tin nhắn, kèm văn bản của Trung tâm đăng ký giao dịch tài sản tại TP Hà Nội do Phó giám đốc Nguyễn Thị Hiền ký ngày 8/6 nêu rõ: tài sản bảo đảm của anh T. được phép giao dịch theo quy định của pháp luật.
|
Mặc dù việc gửi văn bản cho Công ty Hải Phát là trách nhiệm của BIDV Hoài Đức và cũng trong thông báo với khách hàng cũng không hề đề cập đến việc này. |
Sau khi kiểm tra hồ sơ và các giấy tờ liên quan thì nhân viên Công ty Hải Phát cho biết: Theo như ký kết 3 bên giữa Công ty Hải Phát, BIDV Hoài Đức và khách hàng trong việc cầm cố tài sản thì sau khi anh T. thanh toán toàn bộ số tiền đã vay thì BIDV Hoài Đức phải thông báo bằng văn bản đến Công ty Hải Phát về việc giải chấp tài sản, sau đó mới trả Giấy chứng nhận nhà ở.
Vị này cũng đã liên hệ với cán bộ H. của BIDV Hoài Đức và khẳng định chắc chắn với anh T. rằng: “Anh phải chờ đến khi nào BIDV Hoài Đức gửi văn bản đến Công ty thông báo việc giải chấp tài sản của khách hàng thì Hải Phát mới trả Giấy chứng nhận nhà ở”.
Đến đây, anh T. mới “ngã ngửa” khi thấy rằng sự thiếu chuyên nghiệp, vô trách nhiệm của BIDV Hoài Đức không chỉ ở việc trả hồ sơ, tài sản thế chấp mà còn thiếu trách nhiệm trong việc hoàn thiện các thủ tục đã ký với các đơn vị liên quan.
Thêm vào đó, anh T. cho rằng, việc Công ty Hải Phát khăng khăng yêu cầu phải có văn bản từ BIDV Hoài Đức và từ chối giá trị pháp lý của văn bản từ Trung tâm giao dịch tài sản tại TP Hà Nội sau khi anh T. đã hoàn tất các thủ tục thanh lý, thanh toán… là quá cứng nhắc và gây khó khăn cho khách hàng trong việc làm các thủ tục và nhận lại hồ sơ theo quy định.
Dù anh T. đã hoàn thành mọi nghĩa vụ với Công ty Hải Phát cũng như BIDV nhưng đến nay anh vẫn chưa nhận được Giấy chứng nhận nhà ở. Ngao ngán trước cách làm việc vô trách nhiệm của BIDV Hoài Đức và quá cứng nhắc của Công ty Hải Phát đã khiến anh T. mất quá nhiều thời gian, công sức và sẽ không bao giờ sử dụng dịch vụ của hai đơn vị này. Anh T. khuyên mọi người nên cẩn trọng khi giao dịch của BIDV Hoài Đức và Công ty Hải Phát để tránh phiền toái cũng như mang bực tức vào người.