Ngân hàng BIDV mới đây đã công bố báo cáo tài chính riêng lẻ và hợp nhất quý 4/2016.
Theo đó, BIDV hiện là ngân hàng có mức tổng tài sản lớn nhất toàn ngành. Cụ thể, mức tổng tài sản của BIDV lần đầu tiên đã cán mốc hơn 1 triệu tỷ đồng (1,007 triệu tỷ), tăng 17,5% so với năm 2015 và chiếm gần 14% tổng tài sản toàn ngân hàng.
|
Trích báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2016 của BIDV. |
Về lợi nhuận trước thuế, năm 2016, BIDV đạt lợi nhuận trước thuế ở mức 7.507 tỷ đồng, giảm 1,76% so với năm trước và chỉ đạt 95,02% kế hoạch đầu năm mà ngân hàng đặt ra là 7.900 tỷ đồng.
Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đến hết năm 2016 tại nhà băng này đạt hơn 935.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ tín dụng tổ chức kinh tế và cá nhân đạt hơn 758.000 tỷ đồng, tăng trưởng 17,85% so với năm 2015.
Huy động vốn của BIDV năm 2016 đạt gần 939.000 tỷ đồng, trong đó huy động vốn từ dân cư và tổ chức là gần 796.000 tỷ, tăng 20,45% so với năm ngoái.
Về tỷ lệ nợ xấu, năm 2016 nợ xấu của BIDV được kiểm soát ở mức 1,47% trên tổng dư nợ. Hiện tại, trong báo cáo tài chính quý 4/2016 của BIDV chưa có các chỉ tiêu như thu nhập lãi thuần, tỷ lệ NIM, thu nhập ngoài lãi và thông tin về xử lý nợ xấu hay dự phòng tích lũy. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu trong năm 2016 sau xử lý được ngân hàng này báo cáo là 1,47% trên tổng dư nợ. Con số tỷ lệ nợ xấu này so với mức tỷ lệ 1,62% vào cuối năm 2015 thì đã giảm hơn.
Trước đó, hồi quý 3/2016, tỷ lệ nợ xấu của BIDV tăng mạnh ảnh hưởng không nhỏ đến tên tuổi của ngân hàng này.
Cụ thể, sau 9 tháng đầu năm 2016, ngân hàng BIDV có 13.217 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 1,96% tổng dư nợ cho vay. Như vậy, tỷ lệ nợ xấu của BIDV đã tăng từ khoảng 1,6% cuối năm 2015 lên gần 2%, tương ứng với hơn 3.600 tỷ đồng nợ xấu tăng thêm.
Đặc biệt, trong số hơn 13.000 tỷ đồng nợ xấu thì nợ có khả năng mất vốn lên tới gần 7.000 tỷ đồng, tăng 47% so với cuối năm 2015.
Như vậy, nếu làm một phép tính đơn giản cũng có thể thấy khoản nợ xấu có khả năng mất vốn 7.000 tỷ đồng tại BIDV hồi cuối quý 3/2016 đã cao gấp đôi vốn điều lệ của nhiều ngân hàng nhỏ trong hệ thống ngân hàng Việt Nam như VietaBank (vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng - tính đến cuối quý II/2016), Kiên Long bank (vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng), Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank - vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng)...