Liên quan đến vụ việc các doanh nghiệp Việt Nam mất quyền kiểm soát 36 bộ chứng từ gốc trong số 100 container xuất sang Ý, ngày 16/3, trả lời VTC News, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng vụ “nghi lừa đảo 100 container hạt điều” tại Ý và Thổ Nhĩ Kỳ là hồi chuông cảnh giác cho tất cả các doanh nghiệp xuất nhập khẩu khi tham gia hoạt động thương mại quốc tế.
“Trong sự việc này các doanh nghiệp xuất khẩu điều đã gặp rủi ro về pháp lý do không nắm chắc các quy định an toàn khi thực hiện hoạt động thương mại quốc tế. Vụ việc là điều đáng tiếc và cũng là bài học chung cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Trường hợp không nắm chắc về quy trình nên nhờ hỗ trợ từ luật sư, văn phòng luật để hạn chế rủi ro. Chắc ăn hơn nữa, bên bán nên giữ chứng từ gốc, nhận tiền rồi mới giao hàng”, ông Diệp Năng Bình nói.
Nhận định khả năng lấy được tiền hoặc nhận lại các container điều đã xuất đi là khá khó khăn, song theo ông Bình, phương án tối ưu hiện nay là các doanh nghiệp nên liên kết thành một mối, tập hợp thông tin chứng từ như hợp đồng, bản sao vận đơn của những lô hàng còn lại và phối hợp chặt chẽ với luật sư, để đấu tranh đòi lại quyền lợi chính đáng.
“Tuy không đơn giản nhưng nếu chứng minh là chủ sở hữu thực sự lô hàng trong trường hợp mất kiểm soát chứng từ gốc thì sẽ được phán quyết nhận lại hàng. Việc này cần làm nhanh để tránh những tổn thất tài chính như phí lưu kho bãi và hàng hóa bị quá hạn sử dụng”, luật sư cho hay.
Vẫn theo ông Bình, khả năng tranh chấp pháp lý là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Trong trường hợp này, việc nắm chắc các quy định của nước sở tại là rất quan trọng để giải quyết tranh chấp phát sinh trong quá trình hoạt động thương mại. Theo thông lệ quốc tế, những tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại trước hết giải quyết qua thương lượng hòa giải, nếu không được ở nước sở tại sẽ chuyển cho các trung tâm trọng tài quốc tế.
“Tôi được biết tiến trình giải quyết vụ việc đã có kết quả bước đầu nhưng doanh nghiệp cần liên kết, cùng hành động nhanh chóng để tránh thiệt hại thêm. Ngoài ra, cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền sở tại, văn phòng luật sư, Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Ý. Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vẫn đứng trước nhiều rủi ro do có thể bên mua đang nắm giữ các chứng từ gốc, và họ hoàn toàn có thể thuê luật sư để yêu cầu trả hàng”, ông Bình nhấn mạnh.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc công ty luật ANVI, khác với thanh toán trong nước, thanh toán quốc tế dựa trên các hệ thống pháp luật khác nhau, đồng tiền khác nhau và các bên không dễ dàng gặp gỡ trực tiếp để xử lý các trục trặc.
Khi xảy ra việc tranh chấp, khiếu nại, kiện cáo thì vô cùng phức tạp, tốn kém về tố tụng tòa án, trọng tài và thi hành án. Vì vậy, việc thanh toán trong giao dịch thương mại quốc tế thường phải dựa vào bên trung gian có uy tín là ngân hàng, là tổ chức tài chính chuyên nghiệp về dịch vụ thanh toán, thành thạo luật chơi chung và đặc biệt là có độ tin cậy rất cao tại nước sở tại.
Việc các bên lựa chọn phương thức thanh toán quốc tế nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mối quan hệ, chấp nhận rủi ro, thông lệ thị trường, thói quen giao dịch, chi phí, thời gian và nhất là theo yêu cầu của bên dẫn dắt giao dịch.
Khi xảy ra rủi ro đã chuyển hàng đi nước ngoài mà có nguy cơ mất hàng, không nhận được tiền thì cũng tương tự như việc bán hàng trong nước, nhà xuất khẩu sẽ đề nghị ngân hàng hỗ trợ (nếu thuộc quyền của ngân hàng hoặc pháp luật cho phép); cơ quan ngoại giao đề nghị cơ quan chức năng hay cơ quan pháp luật nước ngoài xử lý đối với một vụ khiếu nại, gian lận, tranh chấp thương mại (nếu có căn cứ pháp luật và kịp thời) hay một vụ án dân sự hoặc hình sự.
“Nếu ở Việt Nam, những việc này đã thấy rất khó, thì ở nước ngoài khó gấp 10, thậm chí gấp 100. Với phương thức thanh toán nhờ thu thì vụ 36 container hạt điều đã vuột khỏi tầm tay của ngân hàng. Giờ chỉ còn dựa vào can thiệp của cơ quan ngoại giao và cơ quan pháp luật nước ngoài để ngăn chặn (nếu kịp) và truy lùng tội phạm (nếu có)”, luật sư Trương Thanh Đức nói.
Tương tự, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả thuộc Bộ Tài Chính, cũng cho rằng rất khó khăn để lấy lại số hàng đã xuất đi.
“Chính phủ cũng đã yêu cầu nhiều bộ, ngành vào cuộc nhưng khả năng can thiệp lấy lại được hàng không phải đơn giản”, ông Long nói.
Tối 15/3, đại diện Bộ Công Thương cho biết đang tìm phương án hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để giải quyết vụ việc một cách hiệu quả nhất.
Hiện cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Ý cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận luật sư tại Italia để tư vấn, tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết giúp doanh nghiệp Việt Nam kiểm soát các lô hàng.
Theo Bộ Công Thương, hiện nay vẫn chưa có kết luận về bản chất của vụ việc. Tuy nhiên qua vụ việc này, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu cần kiểm tra, xác thực kỹ đối tác qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có kênh cơ quan Thương vụ Việt Nam tại các nước.
Doanh nghiệp nên trao đổi với đơn vị tư vấn để hiểu rõ, nắm vững nội dung các điều khoản của hợp đồng, các nghĩa vụ của mỗi bên, các trường hợp miễn trừ trách nhiệm, quy định về xử lý tranh chấp, bồi thường, ...
Đồng thời lưu ý các các biện pháp phòng ngừa và quản trị rủi ro, trong đó có việc mua bảo hiểm đầy đủ và chủ động thuê tàu, kiểm soát các khâu trong chuỗi logistics.