7h tối, chị T. Hà (xã Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội) chỉ kịp ăn vội bát cơm nguội rồi phóng xe đi làm cho kịp lứa gà vừa ấp xong. Tối nay chị chỉ cần phân loại khoảng 2.000 con để kịp sáng mai giao sớm cho chủ gà.
Trong căn phòng chừng 50 m2, tiếng quạt, tiếng máy ấp trứng ù ù xen lẫn những tiếng kêu chíp chíp của những chú gà mới nở. "Bàn làm việc" đơn giản của chị Hà đặt ngay ngắn trong góc với cây đèn bàn sáng lóa và chiếc lọ nhựa dùng để đựng phân gà, hàng chục khay chứa gà con xếp gọn xung quanh.
Bắt đầu công việc, những ngón tay nhẹ nhàng, thoăn thoắt của người phụ nữ này cầm từng con gà lên. Tay trái bóp phân, tay phải ấn nhẹ vào hậu môn để lỗ huyệt lòi ra, mắt chăm chú nhìn. Toàn bộ thao tác chỉ trong 2 giây, chị Hà đã xác định được con nào là gà trống, con nào là gà mái.
Phân loại 1 vạn con/ngày, thu 2 triệu đồng
Cứ thế, kết hợp sự khéo léo của đôi tay, sự tập trung cao độ của đôi mắt và tài phán đoán nhạy bén, mỗi tiếng chị Hà có thể phân loại được nhiều nhất lên tới 1.000 con gà.
|
Kết hợp sự khéo léo của đôi tay, sự tập trung cao độ của đôi mắt và tài phán đoán nhạy bén, mỗi tiếng chị Hà có thể phân loại được nhiều nhất lên tới 1.000 con gà. Ảnh: Thanh Thương.
|
Người phụ nữ 35 tuổi bộc bạch, có những ngày làm hết công suất từ sáng đến tối chị phân loại được khoảng 1 vạn con gà. "Mỗi con gà tôi được trả công từ 150-600 đồng tùy loại, nếu phân loại được đến 1 vạn con thì tôi được nhận khoảng từ 1,5-2 triệu đồng. Tuy nhiên không phải ngày nào cũng làm được như thế", chị nói.
Gắn bó với nghề soi lỗ huyệt gà đã ngót nghét 5 năm nay, chị Hà cho biết, nghề này đã có từ rất lâu nhưng khoảng 10 năm trở lại đây khi nhu cầu phân loại gà nhiều hơn thì nghề soi lỗ huyệt gà mới bắt đầu có nhiều người tìm hiểu học và làm.
Nhanh nhẹn đổ lứa gà mới vào khay, chị Hà nói tiếp: "Nghề này đòi hỏi phải có đôi mắt sáng, nhạy mới có thể phân loại nhanh được, chứ mắt cận hay có tật thì chịu, hơn nữa người soi phải có nhiều kinh nghiệm trong nghề mới đạt được độ chính xác cao".
Một tháng nhận chọn gà cho 4 lò ấp với công việc luân phiên ngày làm ngày nghỉ nên tiền công chị nhận về nhiều hay ít phụ thuộc vào số lượng gà ngày hôm đó.
"Phải nhìn thật kỹ vào lỗ huyệt gà lòi ra, nếu là con trống sẽ có gai giao phối, đó là một cái nốt tròn, đỏ, còn gà mái thì nhẵn, không có nốt. Gà vừa mới nở, phân biệt càng sớm thì độ chính xác sẽ càng cao", chị Hà tiết lộ.
Dù nghề phân biệt giới tính của gà qua lỗ huyệt mang lại nguồn thu nhập khá cao, nhưng chị Hà cho biết, rất ít người gắn bó được với nghề này. "Tôi may mắn sau khi học xong thì có việc làm đều chứ cũng có nhiều người đang học thì bỏ dở, có người học xong lại không tìm được mối để làm", chị kể.
|
Người phân loại giới tính gà lúc nào cũng phải nhanh tay nhanh mắt nhìn vào lỗ huyệt của con gà. Ảnh: Thanh Thương.
|
Theo chị, để làm thành thạo và soi được giới tính gà với độ chính xác cao, nhiều người phải bỏ ra từ 3-6 tháng thậm chí lâu hơn để đi học. Mức học phí dao động khoảng 30-60 triệu đồng/khóa, đòi hỏi học viên phải thực hành liên tục mới có thể soi được nhanh và chính xác, nếu bỏ dở thì sẽ mất trắng.
"Nhiều lúc tôi đã muốn bỏ việc"
Thoạt nhìn việc phân biệt gà con có vẻ đơn giản nhưng không phải ai cũng chịu khó để theo đuổi đến cùng. Đã có lúc người phụ nữ 35 tuổi này muốn bỏ dở công việc vì quá mệt mỏi.
Những ngày đầu tháng 6, trời Hà Nội nóng như đổ lửa, chị Hà ngồi làm việc trong căn phòng ù ù tiếng máy chạy ấp trứng, mùi hôi của phân gà, mùi tanh nồng của gà con mới nở. "Nhiều hôm làm cả ngày về, người rũ rượi, mệt lả đi không muốn ăn gì", chị Hà nhớ lại.
Tham công tiếc việc, dù nắng hay mưa, chị Hà cũng cố vượt gần 10 cây số đến lò ấp để làm. Có những hôm chị phải một mình lọ mọ dậy đi từ 2h sáng, cũng có những ngày làm xong ngẩng mặt lên trời đã về khuya.
"Công việc này mình không thể chủ động thời gian mà phụ thuộc chủ yếu vào thời điểm gà nở. Nhiều lúc tôi có suy nghĩ muốn bỏ việc nhưng vì gia đình lại phải cố gắng", chị tâm sự.
Cũng vào nghề cùng thời gian với chị Hà, chị Thu cho hay, không chỉ căng mắt, nhanh tay và ngồi một chỗ suốt nhiều giờ đồng hồ mà bàn tay của chị lúc nào cũng lấm lem phân gà.
|
Thoạt nhìn việc phân biệt giới tính gà con có vẻ đơn giản nhưng không phải ai cũng chịu khó để theo đuổi. Ảnh: Thanh Thương.
|
“Vất vả lắm, phải ngồi 1 tư thế suốt nhiều tiếng liền, vừa đau lưng, vừa mỏi mắt. Lò ấp lúc nào cũng có nhiệt độ cao, rồi bụi bặm, mùi hôi nên nhiều người không trụ nổi với nghề”, chị Thu thành thật nói.
Nói về thu nhập khủng từ nghề này, chị Thu cho rằng người ngoài nhìn vào thấy lương 1-2 triệu/ngày là ngưỡng mộ, tuy nhiên để có được mức tiền lương như thế những người làm nghề phải nỗ lực và cố gắng rất nhiều.
"Nếu làm dễ mà có thu nhập cao như vậy thì nghề này đã không hiếm người làm như bây giờ”, chị Hà nói thêm.