Ngân hàng Việt đua nhau mua cổ phiếu quỹ cứu giá chứng khoán, có khả quan?

Google News

(Kiến Thức) - Cùng trào lưu đỡ giá cổ phiếu ngân hàng, HDBank cho rằng việc mua cổ phiếu quỹ ở vùng giá hiện tại sẽ không chỉ giúp ổn định giá cổ phiếu mà còn là một khoản đầu tư mang lại hiệu quả cao cho ngân hàng và cổ đông.

Ngày 11/9, Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank, mã chứng khoán HDB) quyết định sẽ lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc mua lại cổ phiếu quỹ.

Theo HDBank, thời gian qua do tác động của các yếu tố vĩ mô, thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều biến động dẫn tới giá cổ phiếu nhiều ngân hàng, trong đó có HDB bị giảm nhiều.

Theo ý kiến một số chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế, thị giá cổ phiếu HDB đang ở mức thấp hơn giá trị hợp lý và không phản ánh đúng tiềm năng tăng trưởng cao và phát triển bền vững của HDBank.

HĐQT HDBank tin rằng giá cổ phiếu HDB sẽ tăng trưởng tích cực trong thời gian tới, và việc mua lại cổ phiếu đã phát hành làm cổ phiếu quỹ ở vùng giá hiện tại sẽ không chỉ giúp ổn định giá cổ phiếu mà còn là một khoản đầu tư mang lại hiệu quả cao cho ngân hàng và cổ đông.

Theo đó, HDBank dự kiến mua lại tối đa 5% số cổ phiếu đang lưu hành, tương đương 49 triệu cổ phiếu.

Nguồn vốn dự kiến dùng để mua cổ phiếu quỹ từ thặng dư vốn cổ phần, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và các quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu.

 Về mức giá mua, HDBank thực hiện theo quy định của pháp luật. Thời gian thực hiện ngay sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HDBank ghi nhận mức giảm hơn 32% trong vòng 1 năm qua. Khối lượng giao dịch bình quân hơn 1.46 triệu cổ phiếu/phiên.

Hiện đang giao dịch quanh mốc 25.000 đồng/cổ phiếu. Tính theo mức giá này, dự kiến HDBank sẽ phải chi ra khoảng 1.226 tỷ đồng cho thương vụ này.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán VPB) cũng quyết định mua tối đa 50 triệu cổ phiếu trong quý 4/2019. Hiện giá cổ phiếu VPB đang ở mức 20.150 đồng/cổ phiếu, như vậy VPBank dự kiến chi ra tối thiểu 1.000 tỷ đồng để mua được số cổ phiếu này.

Sớm hơn các nhà băng này, hồi tháng 6/2019, Ngân hàng TMCP Tiên phong (TPBank, mã chứng khoán TPB) đã hoàn tất mua lại 24 triệu cổ phiếu quỹ. Với khoảng giá bình quân khi đó quanh mốc 26.000 đồng/cp, TPB dự kiến đã chi gần 267 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tính trong vòng 1 quý vừa qua, cổ phiếu TPB ghi nhận mức giảm gần 14%, hiện đã rớt mốc 22.000 đồng/cổ phiếu vào phiên sáng ngày 12/9.

Ngân hàng TMCP Quân Đội (mã chứng khoán MBB) cũng đã mua hơn 47 triệu cổ phiếu quỹ trong tổng số 108 triệu đơn vị đăng ký. Ước tính MBB đã chi khoảng 1.035 tỷ đồng để mua lượng cổ phiếu trên với giá bình quân 21.999 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên từ đó đến nay, cổ phiếu MBB chỉ nhích nhẹ lên 22.800 đồng/cổ phiếu (phiên sáng 12/9).

Ngược lại, cũng quanh mức giá 22.000 đồng/cổ phiếu nhưng Ngân hàng TMCP Á Châu (mã chứng khoán ACB) dự kiến bán tối đa hơn 35,32 triệu cổ phiếu quỹ.

Giá bán tối thiểu là giá thị trường trung bình trong 20 ngày trước ngày giao dịch và không thấp hơn giá tối thiểu sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu 2018 là 23.100 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, tổng giá trị giao dịch nếu bán với giá tối thiểu 23.100 đồng/cổ phiếu thì ACB thu về hơn 813 tỷ đồng. Tuy nhiên thị trường hiện tại không ủng hộ cho mức giá mà ACB mong muốn.

Nói thế để thấy rằng, dù chi ra hàng ngàn tỷ mua vào cổ phiếu quỹ nhằm đỡ cho sự rớt giá của cổ phiếu, song kết quả ngắn hạn chưa được cải thiện nhiều.

Cũng như mục tiêu bán cổ phiếu với mức giá như kỳ vọng cũng không phải là điều dễ dàng của các nhà băng.

Minh An

>> xem thêm

Bình luận(0)