Cổ phiếu dưới… 1.000 đồng
Một trong những doanh nghiệp có giá cổ phiếu dưới 1.000 đồng là công ty CP An Trường An (mã giao dịch: ATG). Theo Sài Gòn đầu tư, phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8 vừa qua, giá cổ phiếu của ATG chỉ còn 990 đồng/CP. Trong khi đó, 2 năm trước, ATG đưa 15,22 triệu CP niêm yết tại HOSE với mức giá 12.400 đồng/CP.
ATG thành lập năm 2005 với ngành nghề chính là khai thác khoáng sản. Trong 10 năm đầu thành lập, ATG đạt tốc độ tăng trưởng vào loại khá là 15%. Nhưng ATG cũng giống như nhiều DN khoáng sản niêm yết trên sàn trong nhiều năm qua, lúc mới lên được kỳ vọng hoành tráng, nhưng càng về sau càng “lầy”.
|
Nhiều cổ phiếu giá dưới 1.000 đồng vẫn tồn tại trên sàn chứng khoán. Ảnh Internet. |
Thông tin trên NDH, tháng 7/2018, cổ phiếu của công ty cổ phần Đá Spilít (mà giao dịch: SPI) có những ngày chỉ có giá 1.000 đồng/CP. Đây cũng là mức giá thấp nhất lịch sử của cổ phiếu này khi giảm 85% so với đỉnh của năm. Kết quả kinh doanh của SPI không có gì đáng kể. Lợi nhuận của doanh nghiệp này hàng năm chỉ khoảng trên dưới 1 tỷ đồng.
Cũng trong tháng 7/2018, trên bảng xếp hạng, giá cổ phiếu công ty Vinaconex 39 (mã giao dịch: PVV) liên tục bị giảm và có những thời điểm chỉ còn 900 đồng/CP. Đáng chú ý, tháng 3/2018, cổ phiếu của PVV bị đưa vào diện bị kiểm soát do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2016, 2017 tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2017 của công ty là số âm.
Trong tháng 8/2018, giá cổ phiếu của CTCP Dầu thực vật Sài Gòn (mã giao dịch: SGO) cũng chỉ ở giá 900 đồng/CP. Nguyên nhân giá cổ phiếu của công ty này giảm kịch sàn được cho là bởi những thông tin công ty sản xuất sản phẩm gì, thương hiệu như thế nào lại hết sức mù mờ. Từ tháng 1/2017 (tức chỉ hơn 1 năm sau ngày bắt đầu lên sàn), cổ phiếu của SGO đã bị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đưa vào diện kiểm soát và hạn chế giao dịch vì công ty đã công bố thông tin không chính xác trên Trang thông tin điện tử của công ty và Bản cáo bạch niêm yết cổ phiếu công ty…
Hàng loạt cổ phiếu “rau dưa”, “trà đá”
Tuy khá khẩm hơn loạt cổ phiếu trên vài trăm đồng lẻ nhưng giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp dưới đây cũng thuộc loại "trà đá", "rau dưa".
Điển hình là cổ phiếu của Địa ốc Hoàng Quân. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu HQC của Địa ốc Hoàng Quân đang giao dịch ở mức 1.790 đồng/CP và cũng là mã cổ phiếu bất động sản có giá trị thấp nhất trên sàn. Đặc biệt, từ đầu năm 2018 đến nay, dù thị trường bất động sản có tăng nhiệt thế nào đi chăng nữa thì cổ phiếu HQC chưa bao giờ vượt mốc 3.000 đồng/CP. Nguyên nhân khiến cổ phiếu HQC giảm về mức giá “không bằng ly trà đá” hiện nay được nhiều người nhận định là do DN này “sa lầy” vào các dự án Nhà ở Xã hội (NOXH) trong khi gói hỗ trợ vay ưu đãi cho NOXH vẫn chưa được triển khai.
|
Giá cổ phiếu thấp kịch sàn, Địa ốc Hoàng Quân có ý định lấn sân sang nông nghiệp. Ảnh: Dân Việt. |
Cổ phiếu siêu rẻ tiếp theo phải kể đến là cổ phiếu của CTCP Sản xuất Xuất nhập khẩu Inox Kim Vĩ (mã giao dịch: KVC) dao động từ 1.500 đồng – 1.600 đồng/CP trong những tháng gần đây. Kể từ ngày xuất hiện trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu thời điểm hiện tại của KVC đang ở mức thê thảm nhất. Theo phía công ty, giá cổ phiếu KVC giảm là do cung cầu trên thị trường tác động.
Cổ phiếu của công ty CP Nông nghiệp và thực phẩm Hà Nội Kinh Bắc (Mã giao dịch: HKB) cũng nằm trong số loạt cổ phiếu trà đá với giá hiện tại từ 1.300 đồng – 1.600 đồng/CP. Ngành nghề kinh doanh của HKB bao gồm: chế biến và kinh doanh sắn lát, hồ tiêu; chế biến và kinh doanh nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi: ngô, sắn, cám gạo, đậu tương; chế biến lúa, gạo xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Theo thông tin hồ sơ của HKB trên Café F, cổ phiếu công ty liên tục bị đưa vào diện bị cảnh cáo. Hay mới đây, cuối tháng 8/2018, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cũng đã đưa cổ phiếu của công ty này vào diện không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.