Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thông báo sẽ giảm lãi suất tiền vay đối với tất cả khách hàng hiện hữu từ 15/7 đến hết năm. Với doanh nghiệp, Vietcombank giảm lãi suất 1 điểm % một năm cho khách hàng thuộc 9 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Các doanh nghiệp thuộc nhóm khác được giảm lãi suất tối đa 1 điểm %.
Với cá nhân, Vietcombank giảm lãi suất tối đa 1 điểm % một năm cho khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, còn cá nhân vay vốn phục vụ đời sống giảm tối đa 0,5 điểm %.
Đây là đợt giảm lãi suất lớn nhất của Vietcombank trong năm nay nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với quy mô khoảng 1.800 tỷ đồng.
|
Nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn vì đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa |
Tương tự, từ 15/7 đến hết năm nay, Agribank giảm tối thiểu 0,5 điểm % với khoản vay ngắn hạn có lãi suất từ 5% một năm trở lên và tối thiểu 0,7 điểm % với dư nợ vay trung dài hạn (lãi suất từ 7% một năm trở lên).
Việc giảm lãi suất được Agribank áp dụng với tất cả cá nhân và tổ chức vay vốn tại ngân hàng (không áp dụng cho các khoản vay đã được ưu đãi lãi suất, miễn giảm lãi). Ước tính, với việc tiếp tục giảm lãi suất lần này, Agribank dành khoảng 5.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) sẽ thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất cho đối với dư nợ hiện hữu của nhiều đối tượng khách hàng cụ thể, lãi suất cho vay bình quân giảm toàn danh mục từ nay đến tháng 12/2021 là 1% tổng danh mục cho vay VNĐ của nhà băng này.
Từ ngày 15/7/2021 đến 31/12/2021, ngân hàng BIDV giảm lãi suất cho vay với dư nợ hiện hữu bình quân 1%/năm, một số nhóm khách hàng khó khăn với mức giảm tối đa là 2%/năm so với lãi suất hiện hành. Đối tượng được giảm lãi vay là các khách hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID-19 (lĩnh vực lưu trú, dịch vụ nhà hàng, resort, khách sạn, vận tải….); các khách hàng tại các chi nhánh thuộc vùng dịch, doanh nghiệp sản xuất thiết yếu cho nền kinh tế, doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn; các khách hàng suy giảm trong hoạt động kinh doanh.
Sacombank thực hiện giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đang có khoản vay thuộc các ngành nghề chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh COVID-19 như du lịch, lữ hành, vận tải, nhà hàng - khách sạn - nghỉ dưỡng, giáo dục, y tế…, đồng thời tiếp tục ưu đãi/miễn phí dịch vụ, cơ cấu nợ và điều chỉnh giảm khung lãi suất cho vay.
TPBank thông báo sẽ giảm từ 0,5-1,2% lãi suất cho các khách hàng doanh nghiệp hoạt gặp khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19. Tổng dư nợ được nhận hỗ trợ lãi suất của nhóm khách hàng này ước tính vào khoảng 18.188 tỷ đồng. Ngoài ra, gần 26.300 tỷ đồng dư nợ của các khách hàng cá nhân cũng nhận được xét giảm lãi suất 1%.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) công bố giảm lãi suất cho các khách hàng hiện hữu với mức tối đa 0,8%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 1%/năm cho khoản vay trung dài hạn. Đối tượng được giảm lãi vay đợt này là khách hàng cá nhân và doanh nghiệp có hợp đồng vay như trên, khi hợp đồng đến hạn thay đổi lãi suất từ 15/7-15/10/2021.
HDBank cũng có quyết định hạ lãi suất cho vay bình quân giảm 1 điểm % đối với khách hàng doanh nghiệp và cá nhân ở một số lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID-19. Lãi suất giảm tuỳ vào từng đối tượng khách hàng với mức giảm từ 0,5 điểm % đến 1,5 điểm %.
Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) tiếp tục triển khai gói hỗ trợ quy mô 9.000 tỷ với lãi suất ưu đãi giảm đến 2% cho các DN, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Căn cứ vào thực trạng, mức độ ảnh hưởng cụ thể, các DN sẽ được giảm lãi suất vay ngắn hạn, trung và dài hạn đến 2%/năm, cơ cấu thời hạn trả nợ, giảm phí.
Trước đó, ngày 12/7, Hiệp hội Ngân hàng đã yêu cầu 16 ngân hàng thương mại lớn phải giảm lãi suất cho vay ngay trong tháng 7 với các khoản dư nợ hiện hữu, tức là các khoản nợ mà doanh nghiệp đang vay ngân hàng. Việc giảm lãi suất cho vay đợt này tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19. Với việc giảm với dư nợ hiện hữu, sẽ có nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn tài chính được miễn giảm hơn.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, mức giảm lãi suất cho vay được tính toán theo tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng, dựa trên bình quân trên tổng dư nợ hiện hữu. Mức giảm có thể từ 0,5-1,5 điểm % hoặc hơn tùy khả năng của ngân hàng.