Nuốt thẻ ATM … để bảo vệ quyền lợi khách hàng
Ngày 21/4 Kiến Thức nhận được phản ánh của anh Đỗ Tuấn (Quận 1, TP HCM) về việc sáng sớm cùng ngày anh Tuấn đem thẻ BIDV ra cây ATM của ngân hàng BIDV có số hiệu 998038 nằm ở đầu ngã 3 đường Nguyễn Thị Minh Khai và Phùng Khắc Khoan (quận 1, TP HCM) để rút tiền. Tuy nhiên, khi anh Tuấn vừa bấm xong mã pin thì cây ATM của ngân hàng BIDV thông báo: “Thẻ này có vấn đề nên ngân hàng thu hồi”.
Không hiểu đầu đuôi ra sao, anh Tuấn liền gọi điện đến đường dây nóng của ngân hàng BIDV để hỏi thì được nữ nhân viên tiếp nhận cuộc gọi cho biết, trong thời gian vừa qua, có một số thẻ BIDV của khách hàng có dấu hiệu bị lộ thông tin nên ngân hàng thu hồi thông tin, khóa thẻ để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng.
“BIDV bảo về quyền lợi khách hàng kiểu gì khi mà khách hàng đang trong tình trạng hết tiền, đi rút thì bị nuốt mất thẻ, hỏi thì lại bảo lộ thông tin nên khóa thẻ. Nếu là vậy thì BIDV phải thông báo cho khách hàng biết chuyện khách hàng có khả năng bị lộ thông tin nên phía ngân hàng khóa thẻ để khách hàng chuẩn bị trước chứ. Đằng này, chính nhân viên ngân hàng cũng không biết thế nào, chỉ nói đây là hệ thống tự động, mã tự động của ngân hàng…”, anh Tuấn bức xúc.
|
Anh Tuấn chia sẻ câu chuyện trên trang cá nhân . |
Cũng theo anh Tuấn, không phải một mình anh bị mà ở cơ quan anh có 2,3 trường hợp bị tình trạng tương tự như anh là bị cây ATM nuốt thẻ. Chính vì vậy, anh Tuấn không biết BIDV làm như vậy là do lỗi của ngân hàng hay do ngân hàng đổ thừa là bảo vệ khách hàng.
“Bảo vệ khách hàng cái kiểu gì mà thẻ của khách hàng tự động bị nuốt rồi bị khóa. Trong khi đó anh ở Sài Gòn, thẻ của anh thì làm ngoài Hà Nội, anh muốn làm lại thẻ thì anh phải mất ít nhất là hơn một tuần lễ nữa anh mới có thể giao dịch bằng thẻ. Hơn nữa, họ đưa ra phương hướng là anh gọi lại số này để làm lại thẻ miễn phí, thế có điên không khi mà thẻ của anh đang dùng bình thường họ lại tự động thu hồi, hủy rồi bắt làm lại một thẻ mới", anh Tuấn nói.
Theo anh Tuấn, thẻ ATM của anh làm theo công ty, vì vậy nếu muốn làm lại thẻ, anh Tuấn phải báo cho kế toán, sau đó kế toán liên hệ với ngân hàng để làm lại thẻ, “mà như vậy thì rất mất thời gian”.
Trả lời Kiến Thức trưa ngày 25/4 về vấn đề này qua đường dây nóng, nữ nhân viên tên Quyên của BIDV xác nhận, thời gian gần đây có một số thẻ ATM bị BIDV khóa khẩn cấp nhằm tránh tính thất thoát về tài sản cho khách hàng. Đó là những thẻ được phát hiện có dấu hiệu bị lộ thông tin khi khách hàng giao dịch: "Khi khách hàng giao dịch, có một số thiết bị điện tử (như cây ATM) có thể xuất hiện nguy cơ làm lộ thông tin. Trong những trường hợp này, ngân hàng thường tra soát những thiết bị điện tử gặp sự cố chứ không phải tra soát từ tên khách hàng. Do đó, khi khách hàng giao dịch qua thiết bị điện tử này, ngân hàng phát hiện nguy cơ sẽ cảnh báo cho khách hàng biết và buộc phải khóa thẻ nhằm tránh thất thoát cho khách. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp mà ngân hàng thông báo trước cho khách hàng rồi mới khóa thẻ hay khóa thẻ trước rồi mới thông báo. Với những trường hợp khẩn cấp, ngân hàng có thể khóa thẻ ngay lúc đó". Nhân viên này cũng cho biết thêm, với những khách hàng bị khóa thẻ, ngân hàng sẽ hỗ trợ làm lại thẻ miễn phí.
Khóa thẻ… vì 6 tháng không đổi mã pin
Theo anh Tuấn còn cho biết thêm, đây không phải là lần đầu tiên anh bức xúc với cách làm việc thiếu chuyên nghiệp của BIDV.
Cụ thể, vào khoảng cuối tháng 3, ngân hàng BIDV tự động nói là thẻ ATM của khách hàng sau 6 tháng nếu chưa đổi mã pin thì ngân hàng tự động khóa thẻ, nhưng đáng nói là ngân hàng không hề nhắn tin không báo cho khách hàng. Chỉ khi khách hàng đi rút tiền mới tá hỏa ra là bắt đổi mã pin. Nhiều người không biết mà bấm bấm bấm, không đúng thì nuốt luôn thẻ.
Thấy thế, không biết thế nào nên anh Tuấn không đổi mà rút thẻ ra, rồi gọi điện hỏi thì ngân hàng nói là do 6 tháng không đổi mã pin nên để bảo đảm an toàn cho khách thì bắt phải đổi mã pin.
“BIDV bắt đổi mã pin thì họ phải nhắn tin cho khách hàng biết và hướng dẫn khách đổi mã pin thế nào chứ? Đây họ không hề thông báo gì, trong khi mỗi tháng họ thu phí là 8.800 đồng tiền tin nhắn. Mà rất nhiều khách hàng bị như vậy.” – anh Tuấn chia sẻ.
Ngoài ra ngân hàng này theo anh Tuấn còn có một có điểm “dễ thương” nữa là kể từ 12h đêm trở đi thì khách hàng hầu như không thể giao dịch được cây ATM được. Và không phải chỉ một mình anh Tuấn mà rất nhiều trường hợp khác cũng trong tình trạng tương tự.
Vậy, trước những sự việc nêu trên, ngân hàng BIDV sẽ trả lời như thế nào?
Kiến Thức sẽ tiếp tục phản ánh đến bạn đọc trong những bài tiếp theo…