Bắt đầu mở dịch vụ bán đồ ăn đêm từ năm 2015, chị Vũ Thị Trang, trú tại Hào Nam (Hà Nội) cho biết, ban đầu, thực đơn của quán chỉ gồm những món ăn gia đình cơ bản. Dần dần, để nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu của khách, quán đã nâng cấp lên hơn 100 món bao gồm đồ nhậu, nước uống và đồ ăn vặt, tráng miệng.
Hiện tại, quán của chị Trang có khoảng 28 nhân viên đứng bếp và 4 nhân viên check đơn online liên tục từ 5 giờ chiều đến 3 giờ sáng.
Với mô hình chuyên ship đồ ăn đêm, mỗi ngày quán của chị Trang nhận được khoảng hơn 600 đơn đặt hàng.
“So với thời điểm trước dịch thì bên tôi không bị ảnh hưởng nhiều mấy bởi là mô hình bán đồ ăn đêm online. Mỗi ngày, bên tôi vẫn nhận khoảng 500 đơn đặt hàng. Dịp EURO này thì phát sinh thêm khoảng 50-100 đơn/ngày, trung bình tổng lượng đơn khoảng 600-700 đơn/ngày”, chị Trang cho biết
Có mặt tại phố Mã Mây vào lúc 1 giờ sáng, trong khi các quán ăn khác đã tắt đèn đi ngủ thì quán cơm rang của anh Nguyễn Mạnh Đức vẫn nóng rực lửa chuẩn bị đồ ăn cho khách. Bên ngoài quán, 4-5 nhân viên giao hàng đứng chờ nhận đơn đi ship.
Hơn 1 giờ sáng, quán ăn đêm của anh Đức vẫn đỏ lửa làm đồ ăn phục vụ khách đặt hàng online.
Anh Đức cho biết, những ngày này, quán của anh nhận được lượng đơn đặt hàng online tăng hơn 30% so với các tháng khác. Bắt đầu bán từ 6 giờ chiều đến khoảng 4 giờ sáng, lượng khách đặt hàng online chủ yếu để phục vụ nhu cầu xem bóng đá tại nhà mùa EURO.
“Quy định là sau 21 giờ không được bán tại cửa hàng nên chúng tôi chỉ bán mang về. Dù phải sắm thêm đồ để chuẩn bị cho khách mang về và phải cạnh tranh nhiều trên các ứng dụng đặt đồ ăn để hút khách nhưng có khách, có doanh thu là tôi vui rồi”, anh Đức nói.
Theo anh Đức, trong mùa EURO, lượng khách đặt hàng online tăng khoảng 30% so với các tháng trước.
Chia sẻ về khó khăn trong thời gian qua, anh Đức cho biết, hơn 20 năm bán đồ ăn đêm cho khách tại khu vực phố cổ nhưng 2 năm nay là thời gian vắng khách nhất do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Khách du lịch và người dân đi chơi đêm ngày càng thưa vắng, cộng thêm nhiều tháng phải tạm đóng cửa để thực hiện giãn cách xã hội đã khiến quán ăn của anh gặp không ít khó khăn.
Trước cửa quán, một số shipper cũng hối hả chờ lấy hàng đi giao.
Theo anh Đức, với đầy đủ thực đơn từ cơm, bún, phở đến các món lẩu, quán của anh lúc nào cũng đông khách. Lượng nhân viên, đầu bếp, chạy bàn khoảng 20 người nhưng dịch Covid-19 ập tới, đến nay quán chỉ duy trì được 4 nhân viên làm việc.
“2 năm nay hầu như thu không đủ chi vì tiền thuê mặt bằng đã 40 triệu đồng/tháng. Dù làm hầu như không có công nhưng vẫn phải làm, phải duy trì và xác định sống chung với đại dịch Covid-19 thôi”, anh Đức cho hay.