Để tránh “bút sa gà chết”, trước khi đặt bút ký, người mua cần đọc kỹ tất cả các thông tin ghi trong hợp đồng. Một số thông tin người mua cần đọc kỹ:
So sánh mẫu hợp đồng
Theo Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg ngày 13/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, hợp đồng mua bán căn hộ chung cư cũng thuộc diện hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu. Pháp luật quy định trước khi tiến hành ký kết với từng khách hàng, chủ đầu tư phải có trách nhiệm đăng ký mẫu hợp đồng mua bán căn hộ chung cư với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng hoặc Sở Công Thương/Bộ Công thương. Việc ký kết hợp đồng đã được đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ hạn chế rủi ro cho bên mua khi các điều khoản trong hợp đồng đã được cơ quan chức năng phê duyệt.
|
Người mua cần đọc kỹ tất cả các thông tin ghi trong hợp đồng |
Khi đọc hợp đồng mua bán nhà chung cư thương mại, bên mua cần so sánh mẫu hợp đồng được chủ đầu tư cung cấp với mẫu hợp đồng được cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thẩm quyền thông qua. Nếu thấy khác biệt, người mua có thể yêu cầu bên bán áp dụng đúng mẫu đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Tính pháp lý của bên ký hợp đồng bán căn hộ
Người ký hợp đồng mua bán chung cư với khách hàng phải là người có thẩm quyền bên phía chủ đầu tư, hoặc có giấy ủy quyền hợp lệ của chủ đầu tư.
Thực tế hiện nay, các chủ đầu tư thường ký kết hợp đồng với các nhà phân phối để tăng nguồn khách hàng. Các nhà phân phối giúp chủ đầu tư tìm nguồn khách hàng, đại diện theo ủy quyền của chủ đầu tư để ký hợp đồng đặt cọc, nhận tiền cọc, thanh toán từ khách hàng, sau đó thanh toán lại cho chủ đầu tư.
Có không ít trường hợp giả mạo nhà phân phối để bán căn hộ khiến người mua mất trắng số tiền đã thanh toán. Lại có trường hợp bên phân phối vi phạm hợp đồng môi giới thu tiền của khách hàng vượt quá số tiền thỏa thuận trong hợp đồng môi giới dẫn tới tranh chấp. Khi phát sinh tranh chấp giữa chủ đầu tư và bên môi giới, khách hàng chính là người chịu rủi ro pháp lý lớn nhất.
Do vậy, nếu hợp đồng mua chung cư không ký trực tiếp với chủ đầu tư mà ký với bên phân phối, môi giới, khách hàng cần kiểm tra các thỏa thuận giữa chủ đầu tư và môi giới, chắc chắn rằng bên ký kết hợp đồng với mình đã được chủ đầu tư ủy quyền.
Thông tin người mua
Hãy kiểm tra thật kỹ thông tin cá nhân của mình ghi trong hợp đồng và đảm bảo rằng chúng chính xác. Những thông tin cá nhân đó sẽ là căn cứ pháp lý bảo vệ quyền lợi của người mua nếu có tranh chấp xảy ra.
Đồng thời, đây cũng là thông tin cần thiết để làm sổ hồng căn hộ chung cư sau này. Nếu thông tin cá nhân của bên mua có sai sót sẽ dẫn đến những rắc rối về sau.
Tiến độ thanh toán
Pháp luật cho phép bên mua và bên bán tự do thỏa thuận về tiến độ thanh toán đối với các căn hộ chung cư đã có sẵn. Tuy nhiên, nếu là mua bán căn hộ hình thành trong tương lai, pháp luật có giới hạn mức thu tiền tối đa theo tiến độ thực hiện dự án đầu tư nhằm hạn chế rủi ro cho người mua.
Điều 57 Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 quy định việc mua căn hộ chung cư hình thành trong tương lai có thể thực hiện thanh toán nhiều lần nhưng lần đầu không quá 30% giá trị hợp đồng, những lần tiếp theo phải phù hợp với tiến độ xây dựng bất động sản nhưng tổng số không quá 70% giá trị hợp đồng khi chưa bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng. Trường hợp bên bán là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì tổng số không quá 50% giá trị hợp đồng.
Trường hợp người mua chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì chủ đầu tư không được thu quá 95% giá trị hợp đồng. Giá trị còn lại của hợp đồng được thanh toán khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bên mua.
Do đó, khi mua nhà chung cư hình thành trong tương lai, người mua cần lưu ý đến các điều khoản về tiến độ thanh toán để đảm bảo quyền lợi của mình.
Thời gian bàn giao nhà, giao sổ hồng
Các dự án chung cư đều ấn định một mốc bàn giao dự kiến. Thời gian chậm bàn giao đối với các dự án lại khác nhau, có dự án đặt thời gian chậm bàn giao so với dự kiến là 90 ngày sau đó mới tính phạt...
Do vậy, khi ký kết hợp đồng, người mua cần chú ý đến thời gian bàn giao nhà dự kiến, nếu bàn giao chậm thì chủ đầu tư có trách nhiệm bồi thường như thế nào.
Ngoài thời gian bàn giao nhà, người mua cũng cần lưu ý tới thời gian bàn giao sổ hồng. Hãy cẩn trọng với khoản phí thu thêm để được cấp sổ, bởi pháp luật quy định các chi phí này thuộc trách nhiệm của bên bán.
Diện tích sở hữu chung, sở hữu riêng
Khác với nhà đất, các căn hộ chung cư nằm trong một tòa nhà chung cư nên sẽ có những phần là sở hữu chung của tất cả cư dân chung cư và phần sở hữu riêng của người mua.
Do vậy, trước khi ký hợp đồng cần đọc kỹ về phần sở hữu chung, phần sở hữu riêng này. Hãy đảm bảo phần diện tích và các thiết bị thuộc sở hữu riêng của người mua được ghi rõ trong hợp đồng mua bán.