Phát biểu kết luận cuộc họp BCĐ phòng chống dịch COVID-19 chiều nay, Chủ tịch Hà Nội cho rằng, số ca nhiễm trên thế giới sẽ sớm vượt qua mốc 3 triệu người, số tử vong tiệm cận 300.000 người. Qua ý kiến của các chuyên gia, Chủ tịch UBND TP lưu ý, để có vắc xin an toàn cho người, không thể rút ngắn thời gian mà vẫn phải đảm bảo thử nghiệm từ 15-18 tháng.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, các nước sẽ phải đối phó với làn sóng thứ 2 của dịch bệnh vào mùa thu, mùa đông tới.
“Dịch bệnh chưa có dấu hiệu giảm, vẫn đang tăng. Chỉ khi nào có vắc xin mới có thể yên tâm”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.
Nêu dự báo thế giới sẽ có cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất từ trước đến nay, kéo dài nhiều năm và “không phải năm một năm hai có thể tăng trưởng cao trở lại”, Chủ tịch TP cho biết, Hà Nội dù đã có kịch bản nhưng cũng đang cập nhật, đánh giá lại để có kịch bản cụ thể, phù hợp hơn nữa với các giải pháp thời hậu COVID-19 để đảm bảo phát triển kinh tế, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng.
|
Ông Nguyễn Đức Chung: Người đã khỏi COVID-19 chưa chắc sẽ không mắc bệnh trở lại |
Ông Chung thông tin về 6 trường hợp sau thời gian điều trị đã âm tính, được về nhà nhưng sau đó dương tính trở lại, vì vậy Hà Nội đã tổ chức xét nghiệm toàn bộ bệnh nhân. Tuy kết quả đều âm tính, nhưng TP khuyến cáo các trường hợp sau khi ra viện nên tự cách ly 30-40 ngày, tăng cường hệ miễn dịch bằng ăn uống, tập luyện thể thao.
“Không có căn cứ nào xác định người đã khỏi sẽ không mắc bệnh trở lại. Người dân cần hiểu rõ việc này để có ý thức tự giác phòng chống dịch bởi không ai lo cho mình bằng chính mình”, ông Chung lưu ý.
Hết quý 3 chưa thể hết dịch
Về việc thực hiện chỉ thị 19 của Thủ tướng, theo Chủ tịch Hà Nội, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là giao thông ở thủ đô buổi sáng rất đông, khi dừng đèn đỏ mật độ không thể đảm bảo giãn cách 1m, mà chỉ khoảng 50-60cm, xe máy vẫn đứng chen chúc.
Từ thực tế trên và qua nghiên cứu của các chuyên gia TP đang dự thảo hướng dẫn thực hiện sau nới lỏng giãn cách xã hội nhưng chưa công bố chính thức, TP đề xuất tất cả cửa hàng liên quan thời trang, mỹ phẩm, không thiết yếu, những cửa hàng không phải buôn bán lương thực thực phẩm, thuốc chữa bệnh thì 9h sáng mới được mở cửa, khuyến khích sau 9h mở cửa và không giới hạn giờ đóng cửa.
"Nếu làm tốt thì sẽ giảm được mật độ của người tham giao thông từ 6h đến 8h30 sẽ giảm được từ 600.000-800.000 người. Nếu TP ban hành quy định này sẽ thực hiện tạm thời đến 31/12/2020. Sau đó khi tổng kết lại, nếu phục vụ tốt cho công tác giãn cách xã hội, giảm ùn tắc giao thông thì Hà Nội sẽ thực hiện tiếp", ông Chung nói.
TP đang khảo sát các cửa hàng hiện trạng giờ đóng mở như thế nào và cho thấy mở cửa trước 9h sáng doanh thu rất thấp, cho nên TP không khuyến khích mở cửa giờ này.
Tuy nhiên ông Chung cho biết đây mới là dự thảo và đang lấy ý kiến, lãnh đạo TP đánh giá đây là điểm khác biệt của Hà Nội với việc thực hiện chỉ thị của Thủ tướng, còn những vấn đề khác thì cơ bản thống nhất.
Về các điều kiện để xét nghiệm, Chủ tịch UBND TP yêu cầu phải đảm bảo công suất và có năng lực xét nghiệm từ 3.000-5.000 mẫu trong 1 ngày.
Tất cả Chủ tịch UBND quận huyện, phường xã, các phòng y tế ở các bệnh viện tiếp tục tuyên truyền tập huấn cho bác sỹ , y tá, đội phản ứng nhanh về trình độ lấy mẫu và khả năng lần theo dấu vết, tức xác minh. Khẩn trương chuẩn bị mọi vật tư phục vụ công tác khám chữa bệnh.
"Không thể có chuyện hết tháng 6, hết quý 3 thế giới hết dịch được, nhiều dữ liệu đã chứng minh điều đó", ông Chung bày tỏ.
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu các quận huyện, phường xã và tổ dân phố, ban quản lý toà nhà tiếp tục đi kiểm tra, đôn đốc, tuyên truyền để mọi người dân thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch theo tinh thần chỉ thị 19 của Thủ tướng như ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, đi đến bất cứ địa điểm nào thì phải rửa tay bằng nước sát khuẩn, giữ khoảng cách khi ở ngoài….
Về việc chi trả tiền hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trước mắt có 4 nhóm là người có công, người bảo trợ xã hội, người nghèo và cận nghèo, ông Chung yêu cầu các đơn vị cố gắng chi trả trước 30/4-1/5.
Còn các nhóm khác sẽ chờ hướng dẫn, trên tinh thần sớm xử lý chế độ chính sách, sớm đến tay người dân.