Chỉ làm phép tính đơn giản, thì mỗi ngày người Việt tiêu thụ hơn 675 tấn thịt gà nhập khẩu, chưa kể lượng gà nhập lậu.
Giá gà thải loại vào Việt Nam giá 1 USD/kg?
Theo tiết lộ của Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn, thời gian qua có thông tin gà đẻ thải loại giá rất rẻ "đi bộ" từ Thái Lan qua Campuchia vào Việt Nam. Bên cạnh đó, các loại gà chặt cổ, chặt cánh của Hàn Quốc, chân gà, đùi gà đông lạnh cũng tràn vào nước ta rất nhiều bởi sở thích ăn đùi gà, thịt dai giòn của người Việt.
Đáng nói, những sản phẩm gà đông lạnh nhập khẩu có giá rất rẻ, chỉ bằng 50-60% giá so với gà lông trắng trong nước.
Cụ thể, năm 2021 nước ta nhập khẩu 225.000 tấn các sản phẩm gia cầm. Năm 2022 nhập 246.575 tấn sản phẩm đã qua giết mổ và gà sống nhập về dùng để giết mổ là 6.603 tấn, tăng 100,8%; từ đầu năm 2023 đến nay nhập gần 51.000 tấn. Nếu chỉ làm phép tính đơn giản, thì trung bình mỗi ngày người Việt tiêu thụ hơn 675 tấn thịt gà đông lạnh nhập khẩu.
Theo đó, đùi gà là sản phẩm được nhập về nhiều nhất năm 2022 với số lượng 100.441 tấn. Tiếp đến là chân gà với 43.695 tấn, thịt gà nguyên con khoảng 43.309 tấn, thịt gà xay 25.671 tấn, cánh gà 22.628 tấn, các loại gà khác là 10.832 tấn. Thị trường nhập khẩu chủ yếu là Mỹ, Hàn Quốc, Ba Lan...
Tiết lộ với PV Dân Việt ngày 10/5, chủ một trang trại chăn nuôi gà công nghiệp quy mô lớn tại Đồng Nai (xin phép được giấu tê) cho biết, giá gà đẻ thải loại nhập từ nước ngoài về Việt Nam giá rẻ giật mình, chỉ khoảng 1 USD/kg (tương đương hơn 2.300 đồng/kg). Tuy nhiên khi ra nhà hàng, quán ăn, loại gà này thường được bán với giá cao gấp hàng chục lần.
Chủ trang trại này phân tích, đây là loại gà nuôi để lấy trứng, thời gian đẻ khoảng 18 tháng, sau đó gọi là gà thải loại. Trong quá trình nuôi, gà đẻ thường sử dụng khá nhiều vaccine, thuốc kháng sinh nên ở các nước phát triển rất hạn chế sử dụng gà đẻ thải loại làm thực phẩm. Thậm chí ở châu Âu người dân còn không ăn, điều này cũng tương tự với một số sản phẩm khác như chân gà, cổ cánh gà.
Điều đáng nói, gà đẻ thải loại lại được các nhà hàng, quán ăn, quán bún phở cực kỳ ưa chuộng vì thịt dai giòn, không bị hao hụt nhiều trong chế biến và đem lại lợi nhuận cao. "Điều này khiến giá gà trong nước không cạnh tranh nổi, vì gà nhập rẻ khủng khiếp" - vị chủ trang trại than thở.
Cụ thể, suốt nhiều tháng nay, giá gà ta thả vườn tại Đồng Nai ở mức 45.000-55.000 đồng/kg; giá gà lông màu khoảng 38.000 đồng/kg; giá vịt thịt dao động ở mức 38.000 - 40.000 đồng/kg, đều thấp hơn từ 5.000 - 8.000 đồng/kg so với giá thành sản xuất.
TS Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh, trong khi nguồn cung gia cầm trong nước tăng cao, tiêu thụ không tăng thì lượng gà nhập khẩu rất lớn nói trên đã gây áp lực cho sản phẩm gia cầm trong nước. Cùng với các áp lực khác đến từ giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao, dịch bệnh đe doạ..., khiến người chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ ngày càng teo tóp, rời khỏi "cuộc chơi".
Ông Dương Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Bình Minh (Đồng Nai) cho hay, doanh nghiệp từng nuôi 3 triệu con gà nhưng nay giảm quy mô còn 200.000 con vì thua lỗ, trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn duy trì mức cao ngất ngưởng.
Theo ông Tuấn, giá thành sản xuất của con gà lông màu hiện từ 39-43 ngàn đồng/kg nhưng giá bán gần đây chỉ được 33-37 ngàn đồng/kg; giá thành gà công nghiệp hơn 30 ngàn/kg nhưng hiện giá bán ra chỉ hơn 20 ngàn đồng/kg. Doanh nghiệp phải gánh lỗ liên tục từ tháng 12/2022 đến nay.