Dọc theo đường về ấp 2, xã Thới Hưng dễ dàng bắt gặp những mảnh vườn mãng cầu xiêm trĩu quả, tươi tốt. Thời điểm này, mặc dù đã vào cuối vụ, nhưng tại nhiều nhà vườn, những chuyến xe của thương lái vẫn nặng trĩu trái chín nối nhau đi tất bật.
Anh Việt tấm tắc: “Nhờ bám trụ với cây mãng cầu xiêm, đời sống nhiều nông dân nơi đây thêm no ấm”.
Nhiều năm trước, anh Việt nuôi cá da trơn. Tuy mô hình nuôi cá tra mang lại lợi nhuận cao nhưng giá cả bấp bênh.
Từ năm 2015, anh đã chuyển đổi, cải tạo đất để trồng mãng cầu xiêm và trồng sen lấy gương. Trên diện tích hơn 1ha đất, anh Việt trồng khoảng 700 gốc mãng cầu xiêm.
|
Anh Trần Thanh Việt, Chi hội trưởng Chi hội nông dân ấp 2, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ phấn khởi khi mãng cầu xiêm trúng mùa, được giá. |
Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn cây mãng cầu trĩu quả, anh Việt chia sẻ: “Sở dĩ tôi chọn trồng mãng cầu xiêm bởi đây là giống cây trồng dễ canh tác, ít sâu bệnh, lại nhẹ công chăm sóc, phù hợp thổ nhưỡng địa phương.
Tôi trồng mỗi gốc mãng cầu cách nhau khoảng 2,5m. Khâu chăm sóc khá đơn giản, chủ yếu là đất trồng mãng cầu phải có nền cao, thông thoáng; khi ra trái phải tiến hành bao trái để tránh ruồi vàng đục trái… Bên cạnh đó, nông dân phải kiểm tra vườn thường xuyên để kịp thời phát hiện và xử lý nếu phát hiện sâu bệnh. Việc xử lý phân thuốc theo quy tắc “4 đúng” (đúng lúc, đúng loại, đúng liều, đúng cách)”.
Theo anh Việt, trong quá trình canh tác mãng cầu xiêm, vất vả nhất là khâu thụ phấn. Thông thường nếu muốn cho trái vào mùa thuận, thời gian thụ phấn sẽ bắt đầu từ tháng 6-7 dương lịch và kéo dài trong suốt 2 tháng.
Từ lúc thụ phấn đến thu hoạch mất hơn 4 tháng. So với nhiều giống cây ăn trái khác, cây mãng cầu xiêm cho thu hoạch sớm, năng suất khá cao.
Từ lúc trồng đến lúc thu hoạch chỉ mất khoảng 18 tháng và sản lượng trái tăng lên theo thời gian. Những năm đầu, năng suất trái chỉ từ 30-40kg/cây, các năm tiếp theo có thể đạt khoảng 70-80kg/cây.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế mô hình mang lại, cuối năm 2021, anh tiếp tục lên bờ, mở rộng trồng 3.000 gốc mãng cầu trên tổng diện tích vườn 4,5ha.
Anh Việt bộc bạch: “Nếu trồng đúng, đạt năng suất và với giá thương lái mua khoảng 25.000 đồng/kg, 1ha mãng cầu có thể thu hoạch 40-50 tấn trái, thu nhập trên 1 tỉ đồng”.
Hiện nay, với giá thương lái thu mua bình quân 25.000 đồng/ký, vườn mãng cầu xiêm giúp anh Việt “sống khỏe” mỗi năm; đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương.
Không chỉ nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng, với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 2, anh Việt luôn nhiệt tình trong công tác Hội, tích cực vận động hội viên tham gia sinh hoạt Hội và hưởng ứng thực hiện các phong trào thi đua do các cấp Hội Nông dân phát động. Với sự hỗ trợ của Chi hội, trên địa bàn ấp 2 xuất hiện ngày càng nhiều mô hình, tổ hợp tác hiệu quả thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia.
Ðặc biệt, anh luôn sâu sát, tích cực vận động hội viên nông dân đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao đời sống. Với kinh nghiệm trồng mãng cầu xiêm lâu năm, anh Việt luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho hội viên.
Anh Trần Tấn Đạt ở ấp 2, xã Thới Hưng, cho biết: “Trước đây, gia đình tôi trồng lúa, trồng sen nên huê lợi không cao. Tôi làm nghề mua bán gương sen để kiếm thêm thu nhập. Được sự khích lệ, hỗ trợ của anh Việt, tôi mạnh dạn chuyển đổi sang trồng mãng cầu xiêm.
Đến nay, cây đã bắt đầu cho trái. Trong suốt quá trình canh tác, bất cứ khó khăn về kỹ thuật, tôi đều được anh Việt hướng dẫn tận tình”.
Chị Trần Thị Kim Khéo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ nhận xét: “Trên địa bàn xã Thới Hưng có 4.201ha trồng cây ăn trái, trong đó có trên 430ha trồng mãng cầu xiêm. Một trong những mô hình hiệu quả nhất là mô hình của anh Việt.
Anh là tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương, luôn tìm tòi, vận dụng kiến thức khoa học để áp dụng tại vườn nhà. Nhờ đó, vườn mãng cầu xiêm của anh luôn đạt năng suất cao, giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Bên cạnh đó, anh Việt còn phát huy tốt vai trò Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp; sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ hội viên nông dân trong quá trình sản xuất”.