Phản ánh đến Báo điện tử Kiến Thức, anh Nguyễn Văn Hải (SN 1970, trú tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì, TP Hà Nội) bức xúc cho biết, từ ngày 25-29/7/2020 xuất hiện một nhóm khoảng 6 - 7 người ngang nhiên đánh máy xúc gắn logo Tập đoàn Bình Minh đến phá hàng loạt cây keo gia đình anh trồng tại thửa đất ở thôn Phú Yên.
Anh Hải cho biết, thửa đất nói trên nằm tại vị trí 54 của tờ bản đồ số 15, được gia đình anh khai hoang từ năm 1990. Từ thời điểm khai hoang, sử dụng và quản lý thửa đất cho đến nay, gia đình anh Hải chưa bao giờ xảy ra tranh chấp với bất kỳ ai.
Mời bạn đọc xem video: Nhóm người đưa máy xúc gắn lô gô Tập đoàn bình Minh phá cây trồng người khác vào sáng ngày 29/7/2020:
Thế nhưng, từ ngày 25-29/7/2020 xuất hiện một nhóm khoảng 6-7 người ngang nhiên kéo nhau đánh máy xúc gắn logo Tập đoàn Bình Minh đến san ủi đất, phá đổ hàng loạt cây keo trồng đang đà phát triển.
|
Chiếc máy xúc gắn lô gô Tập đoàn Bình Minh được nhóm người đưa đến phá cây keo. |
Nhóm người trên còn ngang nhiên san ủi và phá gãy đổ nhiều cây keo tại vị trí ranh giới hai thửa đất liền kề, lần lượt mang số 38/42 cũng tờ bản đồ số 15, thuộc sở hữu và quản lý của ông Nguyễn Văn Hiếu (Yên Bài, Ba Vì) và Ngô Hoàng Phương (Nghĩa Đô, Hà Nội).
|
Hàng loạt cây keo bị máy ủi quật gãy, đổ ngổn ngang. |
Ngay sau khi xảy ra sự việc, lượng lượng chức năng của xã Yên Bài đều có mặt tại hiện trường để ghi nhận hiện trạng và lập biên bản.
|
Lực lượng Công an đến hiện trường ngay khi nhận được tin báo. |
Nhằm khách quan, đa chiều thông tin phản ánh, sáng ngày 30/7, PV Kiến Thức liên hệ và có cuộc trao đổi với Trung tá Trần Trọng Trung - Trưởng Công an xã Yên Bài.
Ông Trung cho biết: “Tiếp nhận thông tin vụ việc lực lượng Công an xã đã có mặt tại hiện trường để xác định thiệt hại tài sản. Chúng tôi mới tiếp nhận đơn của người dân vào chiều tối qua và đang tiến hành xác minh”.
Vị Trưởng Công an xã cho biết thêm, vụ việc đã được Công an xã báo cáo lên Đảng ủy, UBND xã Yên Bài, Ban chỉ huy Công an huyện Ba Vì.
Sáng ngày 3/8, đại diện UBND xã Yên Bài cho biết, UBND xã đã tiếp nhận đơn của công dân Hải. UBND xã đang tiến hành thụ lý và giải quyết.
Hành vi vi phạm pháp luật
Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn luật sư TP Hà Nội nhìn nhận: Việc nhóm 6-7 người ngang nhiên đem theo máy xúc gắn lô gô Tập đoàn Bình Minh đến phá hủy hàng loạt cây keo, san ủi đất của 3 hộ gia đình là trái quy định pháp luật. Trường hợp này, hành vi của nhóm đối tượng sẽ phải bồi thường thiệt hại cho phía 3 hộ gia đình theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Dân sự 2015 về Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại:
“Điều 170. Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại
Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản bồi thường thiệt hại.”
|
Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn luật sư TP Hà Nội. |
Luật sư Tùng cho biết, với hành vi tự ý đem máy xúc đến phá hủy tài sản của người khác, tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm, nghiêm trọng của hành vi mà người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm nếu có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 BLHS 2015.
"Hành vi của các đối tượng trên xâm phạm đến quan hệ sở hữu. Cơ quan chức năng cần tiến hành xác minh mức độ thiệt hại tài sản cụ thể đối với những hành vi trên để có thể xác định trách nhiệm, hình phạt cụ thể đối với các đối tượng", vị luật sư nói.
Luật sư Tùng tiếp tục viện dẫn: Theo Điều 178 BLHS 2015 quy định về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
“1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
c) Tài sản là bảo vật quốc gia;
d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Để che giấu tội phạm khác;
e) Vì lý do công vụ của người bị hại;
g) Tái phạm nguy hiểm,
3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Trường hợp mức độ thiệt hại không đủ cấu thành tội phạm thì phải chịu trách nhiệm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:
“2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác;”
Như vậy, về phía cơ quan chức năng cần xác minh rõ về thiệt hại về tài sản của các hộ dân cũng như làm rõ về động cơ, mục đích của các đối tượng trên.